Phấn đấu thu ngân sách ở mức cao

Hai tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 và hoạt động chuyển nhượng bất động sản sụt giảm đã tác động đến kinh tế và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong đó, thể hiện rõ nhất là các khoản thu giảm hoặc có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, hai tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 65.485 tỷ đồng, đạt 16,14% dự toán, giảm 3,33% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó là những hoạt động chuyển nhượng bất động sản và đầu tư vốn của cá nhân có sụt giảm. Ðiển hình, về thuế thu nhập doanh nghiệp hai tháng đầu năm có mức tăng trưởng thấp nhất trong ba năm trở lại đây, thuế giá trị gia tăng giảm 1,46% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 1-2020 giảm 6,02% so với cùng kỳ năm 2019…

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh, ở lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1-2020 của thành phố lại giảm gần 4% (cùng kỳ tăng 5,1%). Một số ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm gần 25%; sản xuất kim loại giảm gần 40%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm gần 21%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 15%; sản xuất sản phẩm từ cao-su và nhựa giảm gần 14%... Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai lý giải: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 giảm là do doanh nghiệp có số ngày làm việc ít hơn và các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất trong tháng 12-2019 để phục vụ Tết Nguyên đán, tháng 1 đầu năm chủ yếu sản xuất cầm chừng để giữ lượng hàng chuẩn bị cho các tháng tiếp theo.

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao-su - nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm) tháng 1-2020 ước giảm hơn 2,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 5,13%). Trong đó hóa chất - cao-su - nhựa giảm 0,99% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,37%); cơ khí giảm 7,37% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,55%). Do tác động của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho nên dù ở giai đoạn cao điểm phục vụ Tết, ngành sản xuất đồ uống tăng ở mức thấp 3,59%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 7,2%). Dự báo, sản lượng đồ uống có thể giảm sâu ở các tháng tiếp theo do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu, chỉ duy nhất sản xuất hàng điện tử tăng ở mức 2,8% so cùng kỳ năm 2019 do có thị trường tiêu thụ ổn định và các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng công nghệ mới, hiện đại.

Ðể phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước đạt mức cao nhất và bảo đảm chủ động trong điều hành thu chi ngân sách năm 2020, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, thời gian tới, đơn vị tập trung triển khai phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước thành phố theo dõi tình hình thu chi ngân sách báo cáo lãnh đạo thành phố để có những chỉ đạo kịp thời. Ðồng thời, tham mưu UBND thành phố các nội dung liên quan công tác quản lý tài chính ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách của tất cả các ngành, các cấp.

Trong khi đó, ngay trong tháng 2 và những tháng tiếp theo, Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố sẽ phối hợp các ban, ngành triển khai mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong nước và ngoài nước thông qua các sự kiện hội chợ triển lãm thương mại - đầu tư, khảo sát thị trường, kết nối doanh nghiệp. Cùng với đó là tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tiếp xúc và trao đổi với các tập đoàn nước ngoài để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp tại thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Trước những khó khăn khách quan do dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các ngành, các cấp, nhất là Sở Công thương nhanh chóng tìm những giải pháp thúc đẩy bốn ngành công nghiệp trọng yếu trong những tháng tới. Ðồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) sẽ là cơ hội để thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa, do đó thành phố đã có chiến lược phát triển những sản phẩm chủ lực công nghiệp và nông nghiệp, cũng như đang xây dựng đề án về logistics và thương mại điện tử, cố gắng hoàn thành sớm để tận dụng cơ hội.

Sở Công thương rà soát lại các chính sách nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, chuẩn bị cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố ngay từ bây giờ. Ðồng chí cũng cho rằng, hằng năm, thành phố tiếp nhận hơn năm tỷ USD kiều hối từ kiều bào nước ngoài chuyển về, trong đó 72% được dùng cho đầu tư sản xuất. Ðể tận dụng tốt nguồn lực này, các đơn vị liên quan phối hợp tìm giải pháp đầu tư hợp lý, phát huy nguồn lực để thúc đẩy kinh tế.

Theo đánh giá của Sở Công thương, do sức mua thị trường bước vào mùa cao điểm Tết Canh Tý 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 - 2020 ước đạt gần 113 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp ước đạt gần bốn tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gạo, hàng rau quả, máy móc thiết bị…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43334802-phan-dau-thu-ngan-sach-o-muc-cao.html