Phấn đấu xã Mường Bi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030

Đảng bộ xã Mường Bi được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Mỹ Hòa, Phú Cường, Phong Phú. Tổng diện tích tự nhiên gần 95km2, dân số hơn 20.900 người. Mường Bi là một trong bốn Mường lớn của tỉnh Hòa Bình (trước sáp nhập), là địa danh tiêu biểu của nền 'Văn hóa Hòa Bình'. Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, Mường Bi quyết tâm với những giải pháp đột phá, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức vào ngày mùng 7, mùng 8, tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức vào ngày mùng 7, mùng 8, tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Mường Bi đã phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh phát triển hạ tầng cơ sở. Tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa người sản xuất - doanh nghiệp, hợp tác xã - người tiêu dùng. Quan tâm phát triển hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm đặc hữu phục vụ du lịch, như dệt thổ cẩm, mây tre đan, tinh chế các sản phẩm thảo mộc với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều di tích văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia hiện còn được lưu giữ, bào tồn ở vùng đất này như: Miếu thờ xóm Lũy Ải, núi Cột cờ, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, mo Mường, chiêng Mường, Sử thi “Đẻ đất-Đẻ nước” đang được phát huy. Đây là lợi thế quan trọng để Mường Bi bước vào nhiệm kỳ mới với tâm thế mới, phát triển bứt phá.

Tuy nhiên, xã Mường Bi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: địa hình chia cắt, trong đó diện tích núi, đồi chiếm tỷ lệ lớn; một số khu dân cư người dân sinh sống phân tán; hạ tầng chưa đồng bộ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp còn thấp.

Để tạo đà cho sự phát triển, Đảng bộ xã Mường Bi xác định phát triển giai đoạn 2025 - 2030 với phương châm “Đoàn kết - Đổi mới - Khát vọng - Phát triển bền vững”.

Định hướng phát triển trong nhiệm kỳ mới, với 4 khâu đột phá về đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Phát triển nguồn nhân lực và xác định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường, góp phần xây dựng “Nền văn hóa Hòa Bình” để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với 4 khâu đột phá đề ra, Đảng bộ xã Mường Bi xác định 5 nhóm nhiệm vụ, tập trung vào việc tiếp tục xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Trong phát triển kinh tế, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng các vùng trồng tập trung; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định như: khoai lang (xã Phú Cường cũ), mía (xã Mỹ Hòa cũ), ngô sinh khối (xã Phú Cường, Mỹ Hòa cũ), bí xanh (xã Phong Phú cũ)...; khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả như tổ hợp tác, hợp tác xã, từng bước hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, số lượng đảm bảo cung cấp ra thị trường.

Quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án liên quan đến hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc, không gian văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã; tham mưu duy trì lễ hội truyền thống Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ; tập trung khôi phục các làn điệu dân ca, mo Mường, trò chơi, nghề thủ công và kiến trúc nhà sàn đặc trưng. Tăng cường đào tạo người dân địa phương làm du lịch cộng đồng, vừa giữ gìn văn hóa, vừa nâng cao thu nhập. Phát triển các tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa Mường tại các vùng có bản sắc: Bi, Vang, Thàng, Động. Tăng cường liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng để xây dựng sản phẩm du lịch bền vững. Lồng ghép công tác bảo tồn văn hóa vào quy hoạch và chính sách phát triển du lịch của tỉnh.

Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, xã Mường Bi kiến tạo phát triển từ lợi thế địa phương, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trên các lĩnh vực, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Hướng đến mục tiêu chung trong 5 năm tới: Mường Bi trở thành xã có kinh tế phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu hợp lý; bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bùi Văn Tinh - Bí thư Đảng ủy , Chủ tịch HĐND xã Mường Bi

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phan-dau-xa-muong-bi-dat-chuan-nong-thon-moi-vao-nam-2030-236665.htm