Phấn đấu xứng đáng với nghề cao quý nhất

Đã thành thông lệ, hằng năm, ngay từ đầu tháng 11, chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường và các em học sinh có nhiều hoạt động tôn vinh nhà giáo (20-11). Tự hào với nghề mình đã lựa chọn, các thầy giáo, cô giáo luôn phấn đấu giữ vững danh hiệu 'kỹ sư trồng người', xứng đáng với sự tri ân của xã hội và các thế hệ học trò...

Tự hào về nghề giáo viên

Đến nay, tôi đã có 23 năm làm nghề dạy học. Thời gian thấm thoát trôi, biết bao thế hệ học trò của tôi đã ra trường. Tâm trí tôi cũng chỉ nhớ được một số em hay gặp gỡ. Nhưng gần đây, khi học trò cũ của tôi đã lớn khôn, cùng với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước phát triển mạnh, nhất là công nghệ thông tin, nên thầy trò chúng tôi có dịp nối kết, gặp gỡ nhau nhiều hơn. Tôi vui mừng và tự hào về những học trò của mình giờ đã thay đổi, trưởng thành. Hầu hết các em đều có gia đình ấm êm, công việc ổn đình, không ít em điều kiện kinh tế khá giả. Những dịp lễ, tết, Ngày Nhà giáo Việt Nam..., tôi luôn nhận được lời chúc mừng từ những học trò cũ. Vì thế, tôi luôn tự hào, hãnh diện về học sinh, về nghề nghiệp của mình và tự nhủ phải tiếp tục phấn đấu, cống hiến, quản lý giáo dục các thế hệ học trò tốt hơn nữa.

Làm giáo dục đừng ngại nghe ý kiến phản biện, góp ý

Hằng năm, các thầy giáo, cô giáo luôn nhận được sự giám sát, đánh giá, góp ý của 4 chủ thể sau: Ban giám hiệu, đồng nghiệp (tổ, nhóm chuyên môn) phụ huynh và các học sinh về quá trình giáo dục, dạy học. Nhận xét, đánh giá của ban giám hiệu thông qua việc dự giờ, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, họp hội đồng sư phạm và thông qua các phiếu ghi điểm, bảng phân loại viên chức cuối năm. Còn đồng nghiệp đánh giá, góp ý, cho điểm giáo viên thông qua hoạt động dự giờ, thăm lớp; sinh hoạt chuyên môn. Đối với phụ huynh học sinh, họ cảm nhận, đánh giá về năng lực, phẩm chất thầy giáo, cô giáo qua các buổi họp phụ huynh, trao đổi mang tính chất phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh và dựa trên chất lượng học tập của con cái. Đặc biệt, giáo viên và học sinh là mối quan hệ thường trực nhất, cho nên giáo viên nhận được sự quan sát, cảm nhận, đánh giá nhiều nhất từ phía các em học sinh trong lúc học cũng như sau khi đã ra trường.

Tôi nhận thấy, hầu hết giáo viên đều đón nhận, tôn trọng mọi đánh giá, nhận xét, góp ý của lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh. Họ coi đây là động lực để khắc phục điểm yếu, hạn chế và hoàn thiện chính mình. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn một số giáo viên chỉ quan tâm, lo lắng đến việc đánh giá, nhận xét của lãnh đạo nhà trường, còn các chủ thể khác, nhất là các em học sinh nói gì, góp ý ra sao thì rất xem nhẹ.

 Tặng hoa cô giáo nhân ngày khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: KHÁNH LINH.

Tặng hoa cô giáo nhân ngày khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: KHÁNH LINH.

Từ kinh nghiệm của một giáo viên lâu năm, tôi cho rằng, với các thầy, cô thì nhận xét, góp ý của chủ thể nào cũng quan trọng và cần thiết, trong đó nên chú ý hơn đến sự đóng góp của các em học sinh. Mạnh dạn đối thoại, trao đổi trực tiếp với học sinh để lắng nghe những phản ảnh, tâm tư, nguyện vọng của học sinh về hoạt động giáo dục của nhà trường, cách dạy dỗ của thầy, cô giáo. Hãy để các em nói lên tiếng nói, tâm tư của mình về thầy, cô giáo thông qua các hình thức: Hộp thư góp ý, đối thoại trực tiếp, lấy phiếu trắc nghiệm tâm lý. Làm được như thế, nhà trường, giáo viên sẽ thấu hiểu các em học sinh hơn, từ đó có những cải tiến, điều chỉnh phù hợp về cách thức, biện pháp giáo dục. Làm giáo dục mà sợ phản biện, góp ý từ các chủ thể thì bao giờ giáo dục mới phát triển?

Sáng kiến phải áp dụng hiệu quả vào thực tế

Trong hoạt động giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), đề tài sáng kiến nâng cao chất lượng dạy và học luôn giữ vị trí quan trọng. Thế nhưng, ở đâu đó, ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên vẫn coi đây chỉ là hình thức, tiêu chí cần và đủ để xem xét đề bạt, nâng lương. Chính vì vậy mới có tình trạng đề tài sáng kiến thì nhiều, nhưng hiệu quả thì không. Mới đây, trong đối thoại với giáo viên, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: “Từ năm học 2019-2020, sở sẽ có nhiều đổi mới trong hoạt động sáng kiến kinh nghiệm của các trường. Cụ thể, trước khi viết sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên phải gửi nội dung sáng kiến, kinh nghiệm và được sở GD-ĐT (đối với các trường trực thuộc sở) và phòng GD-ĐT (đối với các trường trực thuộc phòng) duyệt đề tài mới được viết. Các đề tài cũng phải được gửi trước ngày 30-10 hằng năm và sau thời gian này giáo viên không được thay đổi để tránh tình trạng làm đối phó, cuối năm mới viết”. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An đề nghị, với sáng kiến của mình, giáo viên không cần phải viết dài và không cần đề cập nhiều đến lý luận. Thay vào đó, hãy đúc rút kinh nghiệm từ vấn đề cụ thể hằng ngày (công tác giáo dục, dạy học) để khích lệ giáo viên và phải phổ biến được cho toàn ngành. Tuyệt đối không sử dụng các đề tài đã được công nhận ở các cuộc thi khác, các đề tài nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng hoặc đã được hội đồng khoa học ngành công nhận ở các năm học trước. Nếu vi phạm, tác giả phải chịu xử lý theo quy định của ngành.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Làm như vậy mới tránh được tình trạng đối phó. Cùng với đó, đề tài, sáng kiến phải xuất phát từ yêu cầu và tiêu chí bắt buộc đối với cán bộ, giáo viên và nhân viên của ngành giáo dục khi tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, khi đạt mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả năm và khi đăng ký, xét các danh hiệu thi đua. Vì tính cấp thiết, quan trọng, thể hiện năng lực đúc kết thực tiễn và sáng tạo của người viết, góp phần chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm hay, cách làm tốt đến với đồng nghiệp, làm cho chất lượng giáo dục ngày càng cải thiện, nâng cao hơn nên các tác giả phải không ngừng tư duy sáng tạo. Cùng với đó phải lên án những hành vi lười biếng, ngại khó, chỉ "giỏi" sao chép, xào xáo trong viết sáng kiến kinh nghiệm của người khác để lấy thành tích, phần thưởng. Nói tóm lại, muốn các sản phẩm đề tài, sáng kiến kinh nghiệm luôn căng tràn “sức sống”, phát huy tốt hiệu quả thì tất cả thầy, cô giáo đều phải làm thật và các cơ quan quản lý giáo dục phải đánh giá đúng, xử lý nghiêm túc việc "làm giả", làm hình thức, đối phó.

ĐỖ TẤN NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/phan-dau-xung-dang-voi-nghe-cao-quy-nhat-602941