Phân định rõ giữa các loại hình đào tạo cấp bằng
Cần phân định rõ giữa các loại hình đào tạo cấp bằng và các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, chứng chỉ để có phương thức quản lý phù hợp.

Quang cảnh buổi làm việc.
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT làm việc với Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc làm việc.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Thực hiện chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện quy trình xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), trình Chính phủ thông qua tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 21/6/2025.
Theo đúng quy trình xây dựng dự án luật, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Trong thời gian qua, Bộ đã tổ chức các tọa đàm, xin ý kiến từ chuyên gia, cơ sở giáo dục, cũng như tiến hành tham vấn, lấy ý kiến các nhà khoa học trong các buổi làm việc với các tiểu ban của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Để đảm bảo đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2025, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc họp xin ý kiến các đại biểu, giảng viên, chuyên gia thuộc Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, nhằm chuẩn bị hồ sơ trình Bộ Tư pháp thẩm định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, việc xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) tuân thủ đúng các chủ trương mới về xây dựng pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, lâu dài. Đồng thời, Luật cũng đã kế thừa các nội dung từ các luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Khoa học và Công nghệ, tránh chồng chéo và trùng lặp.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi làm việc.
Với Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Thứ trưởng cho biết, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được thể chế hóa rõ nét. Các chính sách trong Luật cũng được cụ thể hóa, nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong quản lý Nhà nước, Luật hướng đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ, cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý trực tuyến để giám sát, đồng thời giảm thiểu thời gian và thủ tục cấp phép.
Về kiểm định chất lượng, Luật mới điều chỉnh quy định theo hướng kiểm định cơ sở vẫn bắt buộc, nhưng kiểm định chương trình sẽ lựa chọn có trọng tâm. Các ngành đặc thù như y dược, giáo viên, pháp luật sẽ bắt buộc kiểm định, còn lại sẽ giao Bộ trưởng quy định cụ thể. Việc này giúp giảm áp lực và chi phí cho các trường, khi hiện nay có tới khoảng 5.000 chương trình đào tạo đại học.

Thành viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tại buổi làm việc.
Dự thảo cũng quy định rõ hơn về chức danh giáo sư, phó giáo sư, thay vì chỉ nêu ngắn gọn như trong luật cũ. Đồng thời, luật cũng chú trọng đến việc phát triển đội ngũ giảng viên người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập giáo dục toàn cầu.
Với Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, việc đưa mô hình trung học nghề vào dự thảo Luật đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các chuyên gia trong nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến. Đây là mô hình có thể giúp giải quyết hiệu quả các bài toán về đào tạo chuyên ngành đặc thù, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, việc vận hành chương trình cần được tích hợp một cách hợp lý và có lộ trình triển khai cụ thể.
Tạo hành lang pháp lý phù hợp với nhu cầu phát triển
Cho ý kiến tại buổi làm việc về hai dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh đến tính linh hoạt trong mô hình tổ chức đào tạo và sự cần thiết của việc thiết kế khung pháp lý phù hợp với thực tiễn.
Ông Nguyễn Đắc Vinh đề xuất nghiên cứu cơ chế cấp phép đào tạo linh hoạt hơn, cho phép các cơ sở giáo dục đủ điều kiện được đào tạo ở nhiều trình độ, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực tại địa phương và tránh lãng phí nguồn lực.
Về giáo dục nghề nghiệp, ông Vinh khuyến nghị cần phân định rõ giữa các loại hình đào tạo cấp bằng (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) và các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, chứng chỉ để có phương thức quản lý phù hợp.
Đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc phối hợp với cơ sở giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng lao động thực tế.
Đối với giáo dục đại học, ông Vinh đề xuất cần có quy định để Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý một số ngành đào tạo đặc thù như y dược, sư phạm và luật, đồng thời khuyến nghị có hành lang pháp lý triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo tiến sĩ như: miễn học phí, cấp học bổng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao. Ông cũng ủng hộ việc xem xét tổng kết, đánh giá mô hình đào tạo theo tín chỉ để có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Cảm ơn các ý kiến, góp ý của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc trình đồng thời hai dự thảo Luật là cơ hội để nhìn nhận, so sánh và hoàn thiện đồng bộ.
Bộ trưởng đề nghị bổ sung các nguyên tắc lớn ngay trong Luật, để khi ban hành nghị định hướng dẫn, các nguyên tắc này không bị thay đổi, đảm bảo tính nhất quán. Việc rà soát lại toàn bộ quy định liên quan đến quyền của các đơn vị tự chủ cũng được yêu cầu thực hiện chặt chẽ.
Bộ trưởng nhấn mạnh Luật cần làm sao đảm bảo giữa hai mục tiêu: tăng cường tính định hướng để phục vụ chiến lược quốc gia về nhân lực và khoa học công nghệ, đồng thời vẫn phát huy tối đa sự sáng tạo, chủ động của các cơ sở giáo dục và các nhà khoa học, giảng viên. Mô hình phân vai rõ ràng giữa trường công lập và ngoài công lập, giữa tính thị trường và tính chỉ huy, cũng là định hướng cần được thể chế hóa trong lần sửa luật này.