Phân định rõ trường hợp nào doanh nghiệp thỏa thuận với người dân

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Khánh Hòa bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề xuất cần rà soát, quy định rõ hơn một số vấn đề, cần phân định rõ trường hợp nào doanh nghiệp thỏa thuận với người dân.

Một số vấn đề chưa được thể chế hóa trong dự thảo luật

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Trần Tuấn Anh (Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo luật được ban hành sẽ góp phần giải quyết một cách đồng bộ về các thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

ĐBQH Trần Tuấn Anh (Khánh Hòa) phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ

ĐBQH Trần Tuấn Anh (Khánh Hòa) phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ

Liên quan đến vai trò của Nhà nước trong bảo đảm nguồn lực để xây dựng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch của các ngành, các lĩnh vực có sử dụng đất, ĐBQH Trần Tuấn Anh nhìn nhận: nếu đối chiếu với Nghị quyết số 18-NQ/TW, vấn đề này chưa được thể chế hóa trong dự thảo Luật. Đây là nội dung rất quan trọng đã được Trung ương thảo luận và cho ý kiến.

Trên thực tế, khi thực hiện luật hiện hành, việc lập quy hoạch tại các địa phương dựa vào nguồn lực của Nhà nước, nhưng đồng thời cũng cho phép sử dụng các nguồn lực của xã hội theo hình thức xã hội hóa để bảo đảm việc lập các quy hoạch sử dụng đất ở các cấp cũng như các quy hoạch ở từng lĩnh vực.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã khẳng định, công tác lập quy hoạch rất quan trọng, là nền tảng bảo đảm cho các quy hoạch định hướng không gian phát triển khác. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất cũng như các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất phải được đảm bảo bằng vai trò của Nhà nước, nguồn lực của Nhà nước phải đảm bảo cho vấn đề này để tránh những yếu tố có thể dẫn đến không có sự tường minh cũng như đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của quy hoạch. "Trước tầm quan trọng như vậy, nhưng dự thảo Luật không đề cập đến. Các địa phương và các ngành sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực của Nhà nước phục vụ cho việc quy hoạch đất"- đại biểu nhấn mạnh.

Cũng tại Điều 14 dự thảo luật, đại biểu cho biết, khoản 9 có quy định điều tiết thị trường sử dụng đất theo quy luật cung cầu của thị trường. Đây là yếu tố rất quan trọng nhưng trong dự thảo lại không quy định rõ yếu tố, tiêu chí để xác định hình thành quy luật cung cầu của thị trường. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn nữa trong dự thảo luật.

Quy định rõ vai trò giám sát của người dân

Liên quan tới quyền của công dân đối với đất đai tại Điều 24 dự thảo luật, đại biểu Trần Tuấn Anh cho rằng, cần làm rõ hơn nội dung này bằng các hướng dẫn cụ thể, nội dung cụ thể liên quan tới cơ chế giám sát và tham gia thực hiện quản lý nhà nước tại khoản 1 và khoản 5. Bởi, Hiến pháp năm 2013 quy định sở hữu đất đai là sở hữu của toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Do đó, vai trò của từng người dân trong việc giám sát và tham gia quản lý Nhà nước cần quy định rõ hơn nữa trong dự thảo luật.

ĐBQH Hà Quốc Trị (Khánh Hòa) phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ

ĐBQH Hà Quốc Trị (Khánh Hòa) phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ

Liên quan đến khu kinh tế, ĐBQH Hà Quốc Trị (Khánh Hòa) đề nghị giữ nguyên theo dự thảo luật đất đai cũ. Nên để cho Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện được các nhiệm vụ, chức năng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng: Khoản 3 Điều 54 của Hiến pháp quy định: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vi mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Vấn đề này cần được quy định rõ, tránh trường hợp lạm dụng việc "thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội" nhưng không sử dụng đúng mục đích, gây bức xúc cho người sử dụng đất, phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.

Cũng theo đại biểu Trí, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định: các tiêu chí để thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh được liệt kê tại Điều 74 của dự thảo Luật, gồm 10 loại dự án; Các tiêu chỉ để thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng ghi tại Điều 75, gồm: 3 tiêu chỉ lớn với 31 loại dự án: (1) Xây dựng công trình công cộng. (2) Xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp. (3) các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chỉ khác như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoảng sản, công trình ngầm và các trường hợp nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đầu thầu nhằm tăng thu ngân sách.

Vè điều kiện để thu hồi đất ghi tại Điều 76: (1) phải đáp ứng tiêu chi là thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. (2) phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. (3) dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận. (4) đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu để làm rõ thêm các điều khoản để bảo đảm yếu tố: "thật cần thiết" và "chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội" mà "không vì mục tiêu lợi nhuận".

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng cho rằng, cần phân định rõ trong trường hợp nào thì được nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào thì chủ đầu tư dự án tự thỏa thuận với dân. Trường hợp tự thỏa thuận với dân cũng cần quy định tỷ lệ diện tích chủ đầu tư thỏa thuận thành và tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà chủ đầu tư không thỏa thuận được mặc dù giá đền bù bảo đảm tính hợp lý, công bằng với mặt bằng gia đền bù diện tích đất trong dự án thì quy định nhà nước tiến hành các biện pháp thu hồi đất.

Ngọc Châm - Thanh Mai

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/phan-dinh-ro-truong-hop-nao-doanh-nghiep-thoa-thuan-voi-nguoi-dan-i331938/