Phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia: Chuyện người trong cuộc

Nhiều năm gắn bó với công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia, ông Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao chia sẻ với TG&VN những nét 'đặc trưng' của đường biên giới này và những mốc lịch sử quan trọng.

Ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn của ta trong công tác phân giới, cắm mốc trên bộ?

Ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn của ta trong công tác phân giới, cắm mốc trên bộ?

Phân giới cắm mốc đường biên giới trên bộ là bước quan trọng và phức tạp tiếp sau việc ký kết “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia” giữa các nước liên quan. Cụ thể, nhiệm vụ chủ yếu của “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia” là mô tả hướng đi của đường biên giới trên văn bản. Phân giới cắm mốc là nhằm xác định vị trí cụ thể của đường biên và xây dựng các mốc biên giới trên thực địa. Như vậy đã đủ thấy tính chất khó khăn của công việc phải làm, chưa kể đến một loạt yếu tố phức tạp khác khi thực địa có sai khác về địa hình so với tài liệu pháp lý (mô tả trong văn bản, thể hiện trên bản đồ, hoặc khi hai bên có bất đồng (cố ý hoặc không cố ý) trong giải thích địa hình và hướng đi của đường biên, hoặc hai bên muốn có sự điều chỉnh theo nhu cầu thực tế hay đời sống dân cư hay các lợi ích khác.

Trong đàm phán hoạch định biên giới trên đất liền với Campuchia, chắc hẳn cũng có nhiều điểm "đặc trưng", thưa ông?

Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam-Campuchia (dài khoảng 1.245 km, số liệu đo trên bản đồ địa hình biên giới Việt Nam-Campuchia tỷ lệ 1/25.000, đi qua 10 tỉnh biên giới phía Việt Nam, tiếp giáp với 9 tỉnh biên giới Campuchia). Đường biên giới này cũng có đặc trưng riêng.

Thứ nhất, về cơ bản đây là đường biên giới “do thực dân Pháp để lại” (bao gồm hai đoạn: đoạn biên giới giữa Nam Kỳ với Campuchia đã được Pháp và Campuchia tiến hành hoạch định và phân giới cắm mốc; đoạn biên giới giữa Trung Kỳ và Campuchia chưa được phân giới cắm mốc), theo đó hai nước đã thống nhất sử dụng nguyên tắc kế thừa đường biên giới từ thời thực dân để lại.

Thứ hai, hai nước cơ bản thống nhất sử dụng 26 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước hoặc gần năm 1954 nhất khi Hiệp định Geneva về Đông Dương ký kết.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều phức tạp và vấn đề đã nảy sinh phát từ khía cạnh kỹ thuật cũng như một số yếu tố khác. Về kỹ thuật, “đường biên giới lịch sử” do Pháp để lại được vẽ trên “bản đồ Bonne” tỷ lệ 1/100.000 (quá nhỏ) cần được chuyển vẽ sang bản đồ UTM (lớn và chính xác hơn).

“Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam-Campuchia” ký ngày 27/12/1985 đã xác nhận việc chuyển vẽ nói trên để hai bên làm cơ sở tiến hành phân giới cắm mốc. Điều này không dễ dàng vì có những nơi địa hình dựa trên bản đồ cũ thiếu nhiều chi tiết hoặc đã thay đổi ít nhiều sau hơn 50 năm. Mặt khác, việc phân giới cắm mốc đã bị trì hoãn trong giai đoạn 1985-2005 do việc Campuchia chuyển sang chính thể Vương quốc. Các lực lượng chống đối chính phủ Campuchia đòi xét lại các hiệp ước biên giới đã ký kết với Việt Nam.

Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hai phía, ngày 10/10/2005, tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ký “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia 1985” nhằm tái khẳng định hiệu lực pháp lý của Hiệp ước ký năm 1985, đồng thời xác nhận một số sửa đổi về đường biên giới đã được hoạch định trước đó; quan trọng nhất là xác định lại đường biên giới đi trên sông suối (lấy trung tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại hoặc trung tuyến dòng chảy chính theo thực tiễn và luật pháp quốc tế) có lợi cho việc sử dụng nước của dân cư cả hai bên. Với việc ký kết Hiệp ước Bổ sung năm 2005, hai nước đã tái lập tiến trình phân giới cắm mốc đường biên giới bị gián đoạn sau nhiều năm. Một trong các điểm nổi bật là Thủ tướng Hun Sen đã nêu mục tiêu hoàn thành phân giới cắm mốc vào năm 2008. Tuy nhiên, tiến trình này đã phải kéo dài đến nay (thêm 11 năm mới đạt kết quả khoảng 84%). Điều này cho thấy có nhiều khó khăn phức tạp mà các cán bộ làm công tác phân giới cắm mốc phải vượt qua.

Nhiều năm cống hiến cho Bộ ta trong công tác phân giới cắm mốc, chắc hẳn ông cũng sẽ có nhiều kỷ niệm khó quên, những chuyến đi thực địa "nhớ đời”?

Tôi tham gia chủ yếu trong giai đoạn đàm phán ký kết Hiệp ước bổ sung năm 2005 nhằm khẳng định hiệu lực của các hiệp ước đã ký trong thời kỳ 1983 và 1985 với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Về phân giới cắm mốc tôi chỉ tham gia trong giai đoạn đầu, nhưng cũng có kỷ niệm và cả sáng kiến được chính phủ hai nước chấp thuận, đó là: không theo phương trâm “dễ trước khó sau” như đã làm với Trung quốc mà cắm mốc trước tiên ở những nơi “trọng điểm qua lại” giữa hai nước (như Mộc Bài-Tây Ninh) để gây tác động và thúc đẩy quan hệ giao thương. Điều này có kết quả tốt trong quan hệ chính trị song phương cũng như tiến trình phân giới cắm mốc nói chung.

Kỷ niệm còn nhớ về các chuyến đi thực địa thì có nhiều; cũng được xuyên rừng lội suối, đi vào những nơi còn bom mìn từ thời Polpot lạnh tóc gáy, được nếm nước đái bò tót, ăn cá suối, sống cùng bộ đội biên phòng. Khi đàm phán tiến triển thuận lợi thì thường được “chiêu đãi” vui vẻ; khi nào gặp vướng mắc bất đồng thì chuẩn bị bụng xài mì ăn liền và trong lòng canh cánh nỗi lo chuẩn bị cho các đợt đàm phán tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hiền

(thực hiện)

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phan-gioi-cam-moc-bien-gioi-tren-dat-lien-viet-nam-campuchia-chuyen-nguoi-trong-cuoc-102146.html