Phản hồi bài 'Thiếu nhạc trưởng phát triển ngành dược': Nâng chất để phát triển

Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập và để thuốc nội có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường đòi hỏi các DN dược cần nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy sản xuất...

Sản xuất thuốc tại Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam. Ảnh: PHAN LỘC

Sản xuất thuốc tại Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam. Ảnh: PHAN LỘC

Ngày 19-12, Báo SGGP đăng bài “Thiếu nhạc trưởng phát triển ngành dược”, phản ánh thực trạng ngành dược gặp nhiều thách thức khi nguồn nguyên liệu phụ thuộc từ nước ngoài, công tác nghiên cứu và phát triển các loại thuốc bằng sáng chế còn hạn chế và chỉ có thể sản xuất thuốc gốc… khiến ngành dược mãi chưa vươn tầm. Phản hồi góp ý xây dựng ngành dược phát triển, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những chính sách thúc đẩy của Nhà nước, mỗi doanh nghiệp (DN) cần không ngừng nâng cao chất lượng công nghệ, sản phẩm để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể “vươn mình” ra thế giới.

Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập và để thuốc nội có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường đòi hỏi các DN dược cần nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các DN nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất các thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế hiện đại.

Còn theo TS-DS Dương Hồng Tố Quyên, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, việc bảo tồn gene và giống cây thuốc trước nguy cơ cạn kiệt là đặc biệt cần thiết. Để có vườn bảo tồn gene và giống thuốc, cần phải kết hợp rất nhiều yếu tố từ nhân lực, tài lực, khoa học kỹ thuật đến yếu tố môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Dược liệu Gia Lai (xã Chư Á, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), cho rằng, cần ưu tiên phát triển nguồn dược liệu sẵn có trong nước để phục vụ công nghiệp bào chế và phát triển sản xuất thuốc, hạn chế tối đa việc nhập ngoại nguyên liệu. DN dược nên kết hợp cùng người dân bản địa nỗ lực xây dựng và quy hoạch phát triển dược liệu, đặc biệt về bảo tồn và phát triển nguồn gene dược liệu quý hiếm.

Cùng với đó, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng phổ biến trong đời sống, đòi hỏi DN dược đẩy mạnh khai thác thương mại điện tử nhằm quảng bá thuốc, quảng bá hình ảnh DN, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh doanh thu, tăng lợi nhuận.

Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức thì các DN dược nên xem xét việc xây dựng quỹ riêng cho phát triển nguồn nhân lực, liên kết hợp tác với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trong khu vực và quốc tế để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững của DN.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-hoi-bai-thieu-nhac-truong-phat-trien-nganh-duoc-nang-chat-de-phat-trien-post663110.html