Phản hồi loạt bài 'Thuận thiên' tạo sinh kế cho người dân miền Tây: Đảm bảo sự phát triển nhất quán, bền vững
Loạt bài 'Thuận thiên' tạo sinh kế cho người dân miền Tây (đăng trên Báo SGGP số ra từ ngày 27 đến 30-3), đã tạo được sự quan tâm của nhiều bạn đọc và chuyên gia, nhà quản lý. Trong đó, có nhiều ý kiến gợi ý để quy hoạch, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
* Ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT):
Thuận thiên với quy hoạch 3 vùng sinh thái
ĐBSCL là vựa lúa, thủy sản và trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây. Trong đó, khoảng 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước là từ miền Tây. Nhưng ĐBSCL lại là khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, ngành nông nghiệp đã chủ động có những dự báo sớm về hạn mặn và nguồn nước, kịp thời điều tiết thời điểm gieo cấy (xuống giống sớm để né hạn mặn), điều hành lại mùa vụ ở ĐBSCL, cho phép chuyển đổi cây trồng và đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Nhiều mô hình nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị đã xuất hiện tại nhiều địa phương, như mô hình “con tôm ôm cây lúa”, mô hình chuyển độc canh lúa sang xen canh và đa canh, mô hình thích ứng hạn mặn… Mặc dù vậy, nhiều nơi vẫn còn tự phát, chưa mạnh dạn chuyển đổi một cách linh hoạt.
Theo định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSCL đến năm 2030, sẽ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng điều kiện tự nhiên theo 3 vùng sinh thái, gồm vùng nước ngọt ở thượng nguồn (vùng an toàn), vùng mặn lợ ở ven biển và vùng chuyển tiếp ngọt lợ (có nguy cơ xâm nhập mặn). Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc với các chuyên gia Hà Lan để tham vấn các mô hình của Hà Lan đối với chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL.
* Ông VÕ HOÀNG NGUYÊN, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang):
Cần hoàn thiện và ổn định chính sách để nông dân yên tâm
Sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để thích ứng với BĐKH, nông dân ĐBSCL muốn nhà nước hoàn thiện, ổn định chính sách hơn nữa thì mới yên tâm sản xuất, làm giàu trên mảnh đất của chính mình. Nông dân bây giờ nhìn chung đều tin rằng nếu gắn bó với đất đai, thì chắc chắn sẽ thoát nghèo. Những âu lo mùa vụ, thời tiết thất thường đã dần lùi bước bởi các mô hình sản xuất mới như: luân canh, xen canh… đã cho thấy hiệu quả thích ứng rất tốt với BĐKH.
Cái cần nhất hiện nay là hoàn thiện chuỗi sản xuất để gắn với những cơ chế, chính sách đầu tư hợp lý để tăng giá trị nông sản. Tôi có lần trao đổi riêng với các lãnh đạo tỉnh về chuyển đổi diện tích đất lúa sang nuôi tôm, các anh đều thống nhất quan điểm phải để bà con tự làm chủ mảnh đất của mình.
Nuôi con gì, trồng cây gì phải theo yêu cầu thị trường và có hiệu quả kinh tế cao nhất. Không thể nào bắt bà con đang nuôi tôm thu lợi cả trăm triệu đồng mỗi năm quay lại trồng 2 vụ lúa chỉ thu lợi vài chục triệu đồng.
* Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT:
Xoay quanh trục chính trái cây - lúa gạo - thủy sản
Nghị quyết 120 là một chủ trương lớn và tổng thể về nông nghiệp theo hướng thuận thiên, với cái nhìn khác so với trước theo hướng xoay trục sản phẩm. Cụ thể, nhiều năm trước, chúng ta chủ yếu xoay quanh trục chính là lúa gạo - trái cây - thủy sản, nhưng từ sau năm 2017 khi Nghị quyết 120 ra đời, chúng ta đã xoay trục sang thủy sản - trái cây - lúa gạo.
Trước xu thế BĐKH với những yếu tố tác động không thể tránh khỏi như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng… thì nông nghiệp thuận thiên là một chủ trương và giải pháp đúng để phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL. Nhưng quan điểm của Bộ NN-PTNT, thuận thiên không phải là thả nổi theo tự nhiên mà là quá trình thích nghi có kiểm soát, không trái quy luật. Sau hơn 5 năm triển khai, xoay trục sản phẩm đã thể hiện rõ, tỷ trọng thủy sản tăng lên, tỷ trọng lúa gạo giảm so với trước, nhưng giá trị lúa gạo lại tăng.
Hiện nay, BĐKH diễn ra nhanh và nặng nề hơn so với dự báo, đòi hỏi các địa phương ở ĐBSCL phải sớm thích ứng và tìm ra sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, phù hợp với địa phương mình. Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu điều chỉnh cơ chế hoạt động của các công trình thủy lợi tại ĐBSCL từ ngăn mặn trữ ngọt để sản xuất lúa sang điều tiết mặn - ngọt.
Trước thách thức của BĐKH, nguồn nước ngọt đang suy giảm, chúng ta cũng đang đẩy mạnh chương trình tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn. Mục tiêu đến năm 2025, trên cả nước có 700.000-800.000ha (khoảng 30% diện tích cây trồng cạn) được tưới tiết kiệm.
* ThS NGUYỄN HỮU THIỆN,Chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL:
Trả lại không gian hấp thu “hai túi nước”
ĐBSCL như một cơ thể sống, có các cơ quan, mạch máu, các tiến trình vận hành trong một tổng thể nhất quán. Hai vùng trũng tự nhiên ở phía đầu nguồn ĐBSCL là Tứ giác Long Xuyên với diện tích 600.000ha và Đồng Tháp Mười 700.000ha có chức năng điều hòa nước cho toàn đồng bằng.
Hàng năm, khi nước lũ sông Mê Công từ thượng nguồn đổ về, chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu 3-4m. Đây được xem là “hai túi nước”: Mùa lũ thì cất giữ bớt nước lũ làm cho lũ hiền hòa hơn; sang mùa khô, nước từ hai vùng này bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn, giúp cân bằng mặn - ngọt cho vùng ven biển.
Trong một thời gian dài chạy theo năng suất, nhiều đê bao khép kín để sản xuất 3 vụ lúa/năm ở hai vùng trũng này, làm mất đi không gian hấp thu lũ. Nước lũ không vào đồng được nên làm dâng nước nơi khác, gia tăng ngập ở hạ lưu như Cần Thơ, Vĩnh Long. Nước lũ không vào trong đồng được nên chảy tuột ra biển trong mùa nước. Sang mùa khô khi dòng chảy sông Mê Công yếu đi thì đồng bằng cũng kiệt nước làm cho xâm nhập mặn sâu hơn.
Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã định hướng rất rõ, cần phải giảm thâm canh lúa 3 vụ để phục hồi không gian hấp thu lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Tầm nhìn sau 2030 của quy hoạch này cũng định hướng lùi vùng nước ngọt vào trong và chuyển đổi các vùng ngọt hóa ven biển trở lại điều kiện mặn - ngọt luân phiên theo mùa tự nhiên.
Thực hiện tốt Quy hoạch thích hợp ĐBSCL, chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên thì chúng ta sẽ đỡ vất vả chống lại thiên nhiên, mùa lũ thì “oằn mình” chống lũ, mùa khô thì lại “oằn mình” chống mặn. Vì đồng bằng là một tổng thể không thể vận hành theo kiểu manh mún, cục bộ, vai trò điều phối của hội đồng điều phối vùng cần được phát huy mạnh mẽ để đảm bảo sự phát triển được nhất quán.