Phấn khởi ra đồng những ngày đầu xuân

Những ngày đầu năm mới, khi không khí Tết vẫn còn rộn ràng, trên khắp các cánh đồng của các huyện Đức Trọng, Đơn Dương... bà con nông dân đã khẩn trương bắt đầu một vụ mùa mới, với nhiều hy vọng và quyết tâm.

Khi không khí Tết vẫn còn rộn ràng, trên các cánh đồng, bà con nông dân đã khẩn trương bắt đầu một vụ mùa mới, với nhiều hy vọng và quyết tâm

Khi không khí Tết vẫn còn rộn ràng, trên các cánh đồng, bà con nông dân đã khẩn trương bắt đầu một vụ mùa mới, với nhiều hy vọng và quyết tâm

NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Tết Nguyên đán là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi bên gia đình và người thân. Tuy nhiên, ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương, có một bộ phận người dân vẫn ra đồng vào những ngày đầu năm mới. Đây không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Trên những cánh đồng lúa xanh mướt, những người nông dân Đức Trọng, Đơn Dương vẫn miệt mài, hối hả làm việc. Họ cấy lúa, nhổ cỏ, tưới nước cho hoa màu... Trên khuôn mặt của họ luôn nở nụ cười tươi tắn bởi việc ra đồng những ngày Tết đối với họ mang rất nhiều ý nghĩa. Trước tiên, đó là sự cần cù, chịu khó của người dân nơi đây. Họ luôn cố gắng làm việc để có cuộc sống tốt hơn. Không những vậy, đó là sự gắn bó với ruộng đồng, với quê hương. Ruộng đồng không chỉ là nơi kiếm sống, mà còn là nơi gắn bó tình cảm của người dân với quê hương. Đồng thời, đó là sự tôn trọng truyền thống của cha ông. Việc ra đồng ngày Tết là một trong những truyền thống tốt đẹp được người dân Đức Trọng, Đơn Dương và tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cũng như cả nước nói chung đã và đang cùng gìn giữ.

NIỀM VUI LAO ĐỘNG NGÀY XUÂN

Ngay từ sáng sớm mùng 5 Tết Ất Tỵ, dù dư âm của những ngày đầu xuân vẫn chưa dứt, nhưng nhiều người dân ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đã ra ruộng, nhổ cỏ, cày đất. Chị Nguyễn Thị Mai, thôn K’Long, phấn khởi cho biết: “Năm nay thời tiết rất đẹp, nên tôi khai xuân sớm; đúng 7 giờ sáng nay, tôi đã hẹn bác thợ cày đất quen vào cày 5 sào đất của gia đình để chuẩn bị trồng 2 sào đậu, 3 sào cải thảo. Tôi mong các loại cây trồng vụ xuân tươi tốt, cho năng suất lẫn hiệu quả kinh tế cao”.

Trong niềm háo hức, anh Lê Hùng Thắng, một nông dân ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, cũng chia sẻ: “Hầu như dịp Tết Nguyên đán năm nào nhà tôi cũng trồng bông bán Tết. Dịp Tết năm nay cũng vậy, tôi cũng trồng gần 1 mẫu bông cúc, kỳ lân; tuy nhiên, do giá thấp nên tôi chọn không bán đám như mọi năm mà cắt ký bán cho nhà buôn. Vì vậy, nên vợ chồng tôi làm việc xuyên Tết, chỉ nghỉ ra vườn ngày mùng 1 Tết, chở con cùng đi chúc Tết họ hàng; còn lại hầu như ngày nào cũng có mặt tại vườn. Cũng nhờ bán ký, lấy công làm lời, giá cả cũng lên xuống hàng ngày theo giá thị trường nên mấy ngày sát Tết, giá bông có nhích lên và sau Tết, bông cũng lên giá nhiều, các loại bông của nhà tôi vẫn còn nên tôi bán lai rai cho đến mùng 7 Âm lịch, vì vậy cũng kiếm được chút lời, chứ không bị lỗ như nhiều nhà vườn bán giá bông giá chết cho nhà buôn ”.

Bà Trần Thị Minh, một nông dân ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, cũng vui vẻ cho biết: "Năm nay, tôi trồng 3 sào rau màu. Vì mới xuống giống hơn nửa tháng trước Tết, nên Tết năm nay, hầu như ngày nào tôi cũng ra ruộng tưới nước, làm cỏ, bón phân...; nếu có khách đến chơi nhà, thì lại tranh thủ vào tiếp rồi lại ra vườn. Bản thân tôi cũng như tất cả những người nông dân quê mình, luôn mong muốn thời tiết thuận hòa, được giá, để những người phụ thuộc vào đồng ruộng như chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục lao động".

Những hình ảnh người dân ra đồng ngày Tết ở Đức Trọng, Đơn Dương là những hình ảnh đẹp, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Nó thể hiện sự cần cù, chịu khó, lòng yêu quê hương và sự tôn trọng truyền thống của cha ông.

Năm mới đến mang theo những hy vọng mới. Không khí lao động sản xuất phấn khởi trên những cánh đồng của bà con nông dân Đức Trọng, Đơn Dương là minh chứng cho tinh thần cần cù, chịu khó, ý chí vươn lên của người nông dân Việt Nam. Đồng thời, cũng mang theo hy vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, góp phần vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp địa phương.

THY VŨ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/phan-khoi-ra-dong-nhung-ngay-dau-xuan-c1b0d6b/