Phân khúc bị 'lãng quên' gần 2 thập kỷ: Triển vọng tăng trưởng sau đại dịch
Theo PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, trong suốt 20 năm vừa qua, Việt Nam chỉ tập trung vào phát triển ở du lịch biển, trong khi tiềm năng phát triển du lịch miền núi chưa được khai thác nhiều.
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch Việt Nam nói chung, và du lịch biển nói riêng. Do đó, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng biển rơi vào tình trạng ế ẩm.
Tuy nhiên, trái ngược với tình cảnh ảm đạm của bất động sản nghỉ dưỡng biển, phân khúc bất động sản núi trở thành cứu cánh cho cả ngành du lịch lẫn ngành bất động sản nghỉ dưỡng.
Phân khúc bị “lãng quên” hai thập kỷ
Tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình”, diễn ra vào chiều 5/1, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đồng tình với nhận định này.
Toàn cảnh tọa đàm.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, du lịch núi khắc phục được các nhược điểm như tập trung đông người, sử dụng phương tiện vận tải công cộng, khó đảm bảo quy tắc 5K của Bộ Y tế. Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài, phân khúc này vẫn có sự tăng trưởng.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích: Trong suốt 20 năm vừa qua, Việt Nam chỉ tập trung vào phát triển ở du lịch biển, trong khi tiềm năng phát triển du lịch miền núi chưa được khai thác nhiều, vì vậy còn rất nhiều tiềm năng.
Tại miền Bắc, Hòa Bình là một trong những địa phương có thế mạnh trong việc phát triển ngành du lịch núi và phát triển các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng “phi biển”.
Theo PGS.TS Trần Kim Chung, Hòa Bình có lợi thế nhờ có vị trí rất gần với Hà Nội, chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ đi đường. Mặc dù là một tỉnh miền núi, thế nhưng, hệ thống giao thông tại Hòa Bình cũng phát triển tương đối đồng bộ, kết nối trực tiếp với Hà Nội như Đại lộ Thăng Long hay đường Hồ Chí Minh.
PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng CIEM.
“Hòa Bình có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển loại hình nghỉ dưỡng. Đơn cử như nguồn nước khoáng Kim Bôi hay Mỹ Hảo, đây là một trong những nguồn nước khoáng tốt nhất Việt Nam, hoàn toàn có thể kết hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, Hòa Bình còn có văn hóa Mường – đây là nền văn hóa đầy tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch”, PGS.TS Trần Kim Chung nói.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho hay, trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 với quy mô hơn 52.000 ha.
Trong đó, ở giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho các các cơ quan liên quan tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch.
Những năm sau đó là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ định hướng này. Đây là cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, ông Trường cho biết, với những lợi thế về quỹ đất cũng như giao thông thuận lợi, giá trị của bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nhiên tươi đẹp và môi trường trong lành, tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú.
“Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là liên kết với thủ đô Hà Nội, TP.HCM và nước ngoài để mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Trường khẳng định.
Khó khăn khi giá đất Hòa Bình ngày càng cao
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch núi, cũng như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, thế nhưng, Hòa Bình vẫn đang gặp phải một số khó khăn khi kêu gọi đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô cho hay, Hòa Bình là một tỉnh trung du, có địa hình phong phú và đa phần là đồi núi. Điều này đem lại lợi thế về cảnh quan, nhưng đem lại những thách thức về quy hoạch.
Nếu không có giải pháp tốt, thì tự thân chủ đầu tư làm mất đi giá trị mà đáng ra mình được hưởng. San nền thì dễ, nhưng làm thay đổi kết cấu bề mặt, tăng khả năng sạt lở, chi phí xây bờ kè và tái tạo lớp đất màu để trồng trọt rất tốn kém.
“Chặt cây thì nhanh và khiến việc thi công công nghiệp được nhanh, nhưng trồng lại một cái cây thì tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, thời gian. Cây trồng lại, luôn không đẹp bằng cây mọc tự nhiên. Cây ngoại lai luôn khó trồng, khó chăm hơn so với cây bản địa", ông Trung nêu vấn đề.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam bổ sung: Một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.
Việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án, thí dụ như có người dân đòi đền bù đến 1 tỷ đồng cho 1 mảnh đất, cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thật.
Ông Đính cho rằng, lãnh đạo địa phương Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư.
“Nếu tỉnh Hòa Bình cởi mở, chắc chắn những “con đại bàng lớn” sẽ kéo về đây để phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản và tất yếu giá bất động sản cũng được đẩy lên cao hơn nữa", Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ.