Phần Lan: 2 năm thay đổi toàn diện về an ninh và quốc phòng sau khi gia nhập NATO

Phần Lan đã chuyển mình mạnh mẽ từ quốc gia trung lập sang một thành viên chủ chốt của NATO.

Cờ NATO và quốc kỳ các nước thành viên tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cờ NATO và quốc kỳ các nước thành viên tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo chuyên gia Sergey Andreev thuộc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (russiancouncil.ru/en) mới đây, tháng 4 vừa qua đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử chính sách đối ngoại của Phần Lan: tròn hai năm quốc gia Bắc Âu này chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ một quốc gia trung lập suốt gần tám thập kỷ, Phần Lan đã có một bước ngoặt chiến lược, tái định hình hoàn toàn các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, kéo theo những thay đổi sâu rộng trong chiến lược quân sự-chính trị, chi tiêu quân sự và cả ngành công nghiệp quốc phòng.

Quyết định mang tính bước ngoặt trên, từng bị trì hoãn bởi những toan tính lợi ích và sự dè dặt của dư luận, đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt là sau năm 2014. Trước khi đưa ra quyết định lịch sử này, Phần Lan duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga, đồng thời thận trọng trong các quyết định địa chính trị, một di sản của chính sách "Phần Lan hóa". Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế đầy biến động năm 2022 đã tạo ra một bước ngoặt, dẫn đến sự đồng thuận ủng hộ việc gia nhập NATO.

Những tín hiệu 'đáng báo động' về Nga

Ông Andreev lưu ý rằng, báo cáo Quốc phòng năm 2024 của Chính phủ Phần Lan, công bố vào tháng 12 năm ngoái, đã thay thế chiến lược tương tự từ năm 2021 bằng một giọng điệu đầy lo ngại. Nếu như trước đây, Helsinki chỉ lưu ý đến sự gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Baltic và Bắc Cực, cùng với sự quan tâm của các cường quốc đối với tài nguyên thiên nhiên và Tuyến đường biển phía Bắc một cách chung chung, thì văn kiện năm 2024 đã chỉ đích danh Nga là "tác nhân chính gây bất ổn toàn cầu", đồng thời nhận định Trung Quốc là một thế lực đang trỗi dậy thách thức Mỹ và các đồng minh. Mối đe dọa khủng bố cũng được đề cập, nhưng không còn là ưu tiên hàng đầu.

Báo cáo đó đã chỉ ra một loạt các diễn biến đáng lo ngại trong tình hình quốc tế, bao gồm sự trở lại của một "cuộc chiến kéo dài, quy mô lớn" ở châu Âu, coi "chiến dịch quân sự đặc biệt" (SMO) của Nga là "sự tiếp nối các hành động gây hấn trước đó ở Crimea, miền Đông Ukraine và Gruzia". Theo Báo cáo, sự gia tăng các cuộc tấn công và sự cố liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Phần Lan và các nước láng giềng, cùng với một tình hình an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường và có xu hướng xấu đi, đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm.

Việc gia nhập NATO còn được Chính phủ Phần Lan mô tả là "sự thay đổi quan trọng nhất trong lĩnh vực quốc phòng kể từ Thế chiến II". Điều này đồng nghĩa với việc Phần Lan đẩy mạnh hội nhập lực lượng vũ trang vào các cấu trúc và kế hoạch phòng thủ thống nhất của NATO, đồng thời mở rộng phạm vi các mục tiêu và mục đích của chính sách quốc phòng ra ngoài biên giới quốc gia, bao gồm các nước Baltic, Biển Baltic, Bắc Băng Dương và phía Bắc Đại Tây Dương.

Trong phần phân tích về sự thay đổi cán cân quyền lực, Nga bị cáo buộc là mối đe dọa "đáng kể và trực tiếp nhất" đối với an ninh và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Các cáo buộc khác bao gồm việc "Nga tìm cách làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU), củng cố vị thế cường quốc và chia châu Âu thành các vùng ảnh hưởng bằng vũ lực, thực hiện các hành động hỗn hợp chống lại các nước châu Âu và công dân của họ, và coi SMO là một bước tiến tới một cuộc đối đầu 'mở hơn, khó lường hơn và kéo dài hơn' với phương Tây".

Trung Quốc, dù được đánh giá là ít quyết đoán hơn, vẫn được Phần Lan theo dõi sát sao trong quá trình hiện đại hóa quân đội, tăng cường hoạt động tình báo và hợp tác quân sự - kinh tế với Nga. Các nhà chiến lược Phần Lan đặc biệt chú ý đến cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ để giành quyền thống trị toàn cầu.

Về phía NATO, khối này đã tăng cường hợp tác với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, củng cố sự hiện diện quân sự ở sườn phía Đông và gia tăng các cuộc tập trận. chuyên gia Andreev cho rằng, sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển đã đưa NATO tiến gần hơn về mặt lãnh thổ đến các khu vực chiến lược quan trọng của Nga. Việc đảm bảo an ninh cho các tuyến vận tải biển và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quân sự ở Bắc Âu được coi là yếu tố then chốt để có thể nhanh chóng triển khai lực lượng tiếp viện từ Bắc Mỹ.

Vai trò của EU được xem là bổ trợ cho NATO, với việc khối này đang tăng cường chi tiêu quốc phòng và phát triển hợp tác công nghệ. Báo cáo của Phần Lan cũng không bỏ qua yếu tố chính trị khi đề cập đến chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, người nổi tiếng với quan điểm biệt lập, cho thấy sự chú trọng ngày càng tăng của châu Âu vào sự độc lập trong các vấn đề an ninh.

Về mặt quân sự, Phần Lan đặc biệt chú trọng đến các hệ thống không người lái, trí tuệ nhân tạo và việc tích hợp những tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển vũ khí để bù đắp cho số lượng nhân sự. Không gian mạng và vũ trụ được xác định là những đấu trường cạnh tranh và chiến tranh công nghệ mới. Tuy nhiên, Helsinki không chỉ dựa vào công nghệ mà còn coi trọng khả năng tiến hành chiến tranh tiêu hao kéo dài, thể hiện qua các hợp đồng dài hạn cung cấp vũ khí, xây dựng lực lượng dự bị chiến lược và đảm bảo nguồn cung ổn định.

Báo cáo Quốc phòng của Phần Lan đã đưa ra những kết luận mạnh mẽ: tình hình an ninh ở nước này và châu Âu đã xấu đi đáng kể và sẽ không sớm thay đổi; Nga là và sẽ tiếp tục là "thách thức an ninh thường trực"; Phần Lan sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine; khu vực Bắc Âu và Biển Baltic đã trở thành một không gian địa chiến lược thống nhất, với Biển Baltic có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với Phần Lan.

Trên cơ sở đó, Báo cáo đề xuất nền tảng quốc phòng của Phần Lan sẽ được xây dựng dựa trên "chế độ nghĩa vụ quân sự, lực lượng dự bị hùng hậu, ý chí bảo vệ đất nước mạnh mẽ của người dân và tư cách thành viên NATO". Cam kết phòng thủ toàn diện, bao gồm cả các biện pháp quân sự và dân sự, sẽ được ưu tiên. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện ngành công nghiệp quốc phòng, tăng sản lượng và đảm bảo an ninh nguồn cung, đồng thời tăng dần chi tiêu quân sự lên ít nhất 3% GDP vào năm 2029.

Những đánh giá tương tự cũng được thể hiện trong Đánh giá Tình báo Quốc phòng Phần Lan 2025, trong đó Nga tiếp tục được xác định là "mối đe dọa chính, tìm cách giảm ảnh hưởng của phương Tây và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của riêng mình". Moskva cũng bị cáo buộc coi chính sách an ninh là một "trò chơi tổng bằng không" và không coi trọng lợi ích hay an ninh của các nước láng giềng. Nga cũng bị cho là đang cố gắng biến "Nam toàn cầu thành các quốc gia chống phương Tây thông qua nhóm BRICS".

Về khu vực Bắc Âu, tình báo Phần Lan ghi nhận sự tập trung lực lượng của Nga trên Bán đảo Kola và Bắc Cực, nhằm giành quyền tiếp cận Tuyến đường biển phía Bắc và cản trở sự hội nhập của Phần Lan và Thụy Điển vào NATO. Helsinki dự đoán rằng sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc, Nga sẽ ưu tiên xây dựng và hiện đại hóa lực lượng tại Quân khu Leningrad. Tuy nhiên, tình báo Phần Lan không tin vào một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột Ukraine và dự đoán mối quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ tiếp tục xấu đi, với nguy cơ "Moskva tìm cách giành quyền kiểm soát Biển Baltic bằng mọi giá, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dưới biển gia tăng, cuộc cạnh tranh tài nguyên ở Bắc Cực leo thang và hoạt động tình báo của Nga ở Phần Lan được tăng cường".

Theo chuyên gia Andreev, Trung Quốc được nhìn nhận một cách thận trọng hơn với tình báo Phần Lan, với sự công nhận tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu vào năm 2049 và ảnh hưởng ngày càng tăng ở Nam toàn cầu. Mối quan hệ Nga - Trung được coi là "phao cứu sinh" cho kinh tế Nga nhưng cũng khiến Moskva ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh. Ngược lại, xung đột ở Ukraine lại được cho là "có lợi" cho Trung Quốc khi làm phân tán sự chú ý của phương Tây.

Binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO tại khu vực biên giới giữa Na Uy và Phần Lan ngày 9/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO tại khu vực biên giới giữa Na Uy và Phần Lan ngày 9/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tăng cường hợp tác khu vực

Ở cấp độ khu vực, Phần Lan, trong vai trò Chủ tịch NORDEFCO (Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu) năm 2025, có kế hoạch tăng cường hợp tác và cập nhật các văn kiện nền tảng của nhóm này để phù hợp với tình hình quân sự mới cũng như việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Bản ghi nhớ về tầm nhìn mới cho NORDEFCO, được ký kết vào tháng 4/2024, đặt mục tiêu đến năm 2030 các quốc gia thành viên sẽ cải thiện khả năng lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động quân sự chung, đơn giản hóa việc di chuyển quân qua biên giới, tăng cường khả năng tương tác và trao đổi thông tin tình báo, đồng thời phát triển năng lực cho tổ hợp công nghiệp quân sự Bắc Âu.

Mặc dù không phải là một hiệp ước phòng thủ chung như NATO, NORDEFCO đang dần mang những đặc điểm của một liên minh quân sự thu nhỏ ở Bắc Âu, với mức độ hợp tác ngày càng sâu rộng và sự sẵn sàng phòng vệ tập thể được nhấn mạnh.

Cùng với đó, những đánh giá về mối đe dọa đã thúc đẩy Phần Lan tăng cường chi tiêu quốc phòng và phát triển ngành công nghiệp quân sự. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự của Phần Lan đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, đạt 6,85 tỷ USD vào năm 2023, tương đương 2,4% GDP, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên ít nhất 3% GDP vào năm 2029.

Ngành công nghiệp quốc phòng Phần Lan cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu vũ khí năm 2023 đạt kỷ lục 333 triệu euro, với phần lớn được phân phối ở châu Âu. Các công ty quốc phòng, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp và công ty tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản phẩm lưỡng dụng, đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Chính sách mới

Việc gia nhập NATO diễn ra dưới thời Tổng thống Sauli Niinistö, người đã tìm cách duy trì đối thoại với Nga song song với việc tuân thủ chính sách chung của phương Tây. Tuy nhiên, sau tháng 2/2022, sự linh hoạt này đã không còn khả thi.

Chiến thắng của Alexander Stubb trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 1-2/2024 đã củng cố khuynh hướng thân phương Tây trong chính sách đối ngoại của Phần Lan. Ông Stubb là một người ủng hộ mạnh mẽ việc gia nhập NATO từ năm 2014 và có quan điểm hoài nghi về mối quan hệ với Nga.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Stubb đã thẳng thắn thừa nhận thực tế "thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc" và nhấn mạnh sự cần thiết phải phản ứng nhanh chóng với những thay đổi của tình hình, đồng thời cam kết đưa ra những quyết định mạnh mẽ để đảm bảo an ninh quốc gia dựa trên "chủ nghĩa hiện thực dựa trên giá trị".

Dưới thời Tổng thống Stubb, Phần Lan đã ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ, cho phép quân đội Mỹ sử dụng 15 cơ sở quân sự của nước này. Trụ sở NATO cũng đã được triển khai tại Phần Lan. Helsinki cũng tuyên bố rút khỏi Công ước Ottawa cấm mìn sát thương để tăng cường năng lực phòng thủ.

Mặc dù ban đầu có những tuyên bố cứng rắn về Nga, thái độ của Tổng thống Stubb đã có phần dịu đi sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Stubb đã chấp thuận các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, đồng thời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moskva. Dù thừa nhận Nga là một nước láng giềng không thể thay đổi, ông vẫn từ chối đưa ra khung thời gian cụ thể cho việc khôi phục quan hệ.

Vấn đề xung đột ở Ukraine cũng trở nên phức tạp hơn do chủ nghĩa biệt lập gia tăng của chính quyền Trump. Tổng thống Stubb đã cảnh báo Ukraine về "kịch bản Phần Lan", ám chỉ việc từ bỏ một số vùng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình và trung lập, tương tự như lựa chọn của Phần Lan sau Thế chiến II.

Chuyên gia Andreev kết luận: 2 năm sau quyết định lịch sử gia nhập NATO, Phần Lan đã trải qua những thay đổi sâu sắc trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Việc tăng cường hợp tác quân sự với các nước phương Tây, củng cố năng lực quân sự và phát triển ngành công nghiệp vũ khí đã trở thành những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, Helsinki cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách của Mỹ và mối quan hệ phức tạp với nước láng giềng Nga.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/phan-lan-2-nam-thay-doi-toan-dien-ve-an-ninh-va-quoc-phong-sau-khi-gia-nhap-nato-20250513092037767.htm