Phần Lan cho phép Mỹ đặt căn cứ sát biên giới
Phần Lan vừa gia nhập NATO liền tính toán cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự sát biên giới Nga, Moscow nói sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự kỹ thuật.
Báo Helsingin Sanomat mới đây dẫn lời ông Mikael Antell, phó trưởng phòng phụ trách các vấn đề chính trị thuộc Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết, Helsinki đã và đang đàm phán với Washington về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) cho phép quân đội Mỹ tự do triển khai tới quốc gia thành viên mới được kết nạp của NATO.
Ông Mikael Antell đang dẫn đầu các cuộc đàm phán song phương và vòng thảo luận mới nhất đã diễn ra tại thủ đô Phần Lan vào tuần trước.
Thỏa thuận này nhằm tăng cường tư cách thành viên NATO hiện tại của Phần Lan, vốn đã được cấp vào tháng 4, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ và răn đe của đất nước thông qua sự hiện diện của Mỹ và triển khai trước các thiết bị quốc phòng.
DCA sẽ cho phép quân đội Mỹ ra vào và lưu trú, dự trữ trước các vật liệu và có thể đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các quỹ do quốc hội Mỹ cấp cho Lầu Năm Góc.
“Điều quan trọng nhất là thỏa thuận cho phép hợp tác suôn sẻ với Mỹ trong mọi tình huống an ninh và cả trong thời gian ngắn" - ông Antell nói truyền thông.
Quan chức Phần Lan lưu ý rằng mặc dù thỏa thuận có thể tạo ra cơ hội đầu tư ở Phần Lan, nhưng vẫn còn “quá sớm để suy đoán” về các khoản đầu tư cụ thể. Dẫu vậy, ông cũng tiết lộ về khả năng phía Mỹ tài trợ cho một trung tâm bảo dưỡng máy bay chiến đấu F-35.
Nhà ngoại giao cấp cao cũng nhấn mạnh, Mỹ hiện không đặt mục tiêu hiện diện lâu dài ở nước này mà đang tìm cách hoạt động theo nguyên tắc luân phiên, như điều quân ra vào trong các thời hạn khác nhau.
Ông Mikael Antell nhấn mạnh rằng, thỏa thuận DCA với Mỹ sẽ không bao gồm vũ khí hạt nhân.
Mỹ hiện đang theo đuổi DCA tương tự với Đan Mạch và Thụy Điển. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã tuyên bố hồi tháng 1 rằng những thỏa thuận như vậy sẽ “làm sâu sắc thêm” mối quan hệ đối tác an ninh của Washington với các quốc gia này và “củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương”.
Trước thỏa thuận mới nhất giữa Phần Lan và Mỹ trong khuôn khổ mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương, phía Nga đã có những phản ứng mạnh mẽ.
Với việc quốc gia láng giềng gia nhập tổ chức NATO, phía Moscow đã nhiều lần chỉ trích động thái này làm gia tăng căng thẳng không cần thiết trong tình hình hiện nay.
Nếu Phần Lan tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận DCA với Mỹ, cho phép Mỹ đặt các căn cứ quân sự, Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp quân sự-kỹ thuật và các biện pháp trả đũa khác.
"Chúng tôi đang theo sát các kế hoạch của NATO liên quan đến Phần Lan. Chúng tôi xác nhận rằng Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa cả về quân sự-kỹ thuật và các vấn đề khác để hạn chế các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng tôi xuất hiện trong mối liên hệ này" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ ra rằng, Moscow coi những kế hoạch như vậy là hành vi đánh mất chủ quyền của Helsinki đồng thời leo thang căng thẳng không đáng có ở khu vực Bắc Âu.
"Cả Phần Lan và NATO phải nhận ra rằng việc tăng quân cho Bắc Âu sẽ chỉ góp phần làm gia tăng căng thẳng quân sự và chính trị ở khu vực này" - bà Zakharova kết luận.
Theo bài phân tích của Nicholas Lokker và Heli Hautala - hai nhà nghiên cứu về Nga thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS - Mỹ), với sự gia nhập của Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển vào NATO, sườn tây bắc của Nga đang đối mặt với nguy cơ lớn hơn.
Khi đó, biên giới giữa NATO và Nga sẽ dài từ Bắc Băng Dương đến biển Baltic, vùng này sẽ trở thành "cái hồ của NATO". Lãnh thổ Kaliningrad của Nga tại Baltic sẽ bị bao quanh bởi các thành viên của NATO.
Trên bộ, lãnh thổ của NATO sẽ mở rộng đến gần bán đảo Kola và thành phố St. Petersburg - thành phố lớn thứ hai của Nga, nằm ven biển Baltic.
Trong một ấn phẩm của Bộ Quốc phòng Nga cuối năm 2022, các tác giả đã nhấn mạnh rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là một thách thức cấp bách nhất đối với Nga vì hai lý do.
Thứ nhất, NATO có thể triển khai binh sĩ và vũ khí tại hai nước này.
Thứ hai, NATO có thể sớm triển khai các hệ thống tên lửa đến Phần Lan, đe dọa khu công nghiệp quân sự tại vùng Arkhangelsk và hạ tầng giao thông. Các tác giả đưa ra lời khuyên rằng Nga nên chuẩn bị cho những thách thức này bằng cách tăng cường lực lượng trong khu vực, lên kế hoạch tấn công chính xác từ xa nhằm vào các mục tiêu tại hai nước Bắc Âu.
Có thể nói rằng với số lượng ngày càng gia tăng các quốc gia châu Âu gia nhập vào tổ chức quân sự do Mỹ dẫn đầu, sự tác động đến biên giới của Nga cả ở trên bộ, trên không và trên biển đều sẽ buộc nước này thúc đẩy mạnh mẽ năng lực quân sự của mình trong tương lai.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phan-lan-cho-phep-my-dat-can-cu-sat-bien-gioi-post637154.html