Phần Lan gia nhập NATO có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu

Phần Lan ngày càng tiến gần ý tưởng gia nhập NATO mặc dù nước này lựa chọn trung lập trong một thời gian dài. Liệu khả năng này có xảy ra và sẽ đem đến những thay đổi gì cho cấu trúc an ninh châu Âu?

Thay đổi chỉ sau 1 đêm

Chỉ cách đây 2 tháng, triển vọng Phần Lan gia nhập NATO là điều mà gần như hầu hết người dân ở quốc gia Bắc Âu này không hề nghĩ tới. Tuy nhiên, điều đó hiện đã thay đổi sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Những nhà lãnh đạo hàng đầu Phần Lan đang tiến gần hơn đến ý tưởng gia nhập NATO khi công chúng nước này đi từ phản đối cho tới gần như ủng hộ chỉ qua một đêm.

Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

"Đây là một sự thay đổi quan trọng", Pete Piirainen - học giả cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan cho hay.

Sự thay đổi đột ngột của Phần Lan là cực kỳ quan trọng trong môi trường an ninh châu Âu sau khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine diễn ra, đồng thời đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Nếu Phần Lan gia nhập NATO, biên giới trên đất liền giữa lãnh thổ của NATO và Nga sẽ tăng hơn gấp đôi, từ hơn 1.200 hiện nay lên hơn 2.500 km. Việc Phần Lan trở thành một thành viên của liên minh này cũng mở rộng sườn Bắc của NATO trải dọc toàn bộ chiều dài biên giới giáp với khu vực Murmansk có ý nghĩa chiến lược với Nga và Bán đảo Kola - nơi tập trung phần lớn Hải quân Nga.

Một cuộc thảo luận tương tự về việc gia nhập NATO cũng đang diễn ra ở nước láng giềng Thụy Điển - một đối tác lâu năm khác của liên minh này, vốn từ chối trở thành thành viên chính thức của NATO trong nhiều thập kỷ qua, cho tới khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, tỷ lệ ủng hộ kế hoạch gia nhập NATO tại Phần Lan lần đầu tiên chiếm đa số, và lên tới 62% trong cuộc khảo sát thứ hai hồi giữa tháng 3. Tại Thụy Điển, hiện 51% người được hỏi ủng hộ việc trở thành thành viên của NATO, tăng so với con số 42% hồi tháng 1.

Mặc dù Phần Lan tiến gần đến việc gia nhập NATO hơn Thụy Điển nhưng hầu hết các nhà phân tích và nhà ngoại giao đều nhất trí rằng hai quốc gia này có cùng quan điểm. Nếu một quốc gia gia nhập, quốc gia còn lại sẽ có bước đi tương tự. Với việc Phần Lan và Thụy Điển có vị trí địa lý nằm trên Bán đảo Scandinavia - cùng với 1 thành viên của NATO là Na Uy, liên minh này muốn cả 2 quốc gia trên tham gia cùng lúc.

"Để thực hiện điều này, sẽ cần một giải pháp mới cho việc sắp xếp an ninh", Anna Wieslander, giám đốc Viện Chính sách An ninh và Phát triển - một viện nghiên cứu tại Thụy Điển cho hay.

"Tôi nghĩ câu hỏi hiện tại là khi nào chứ không phải liệu Phần Lan có gia nhập NATO hay không. Thụy Điển cũng đang thích nghi với thực tế địa chính trị mới. Nước này có sự điều chỉnh chậm hơn nhưng họ cũng có cùng hướng đi", Erik Brattberg, một chuyên gia về an ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc công ty tham vấn Albright Stonebridge Group cho hay.

Phản ứng của NATO

Các thành viên NATO hoan nghênh Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. Các nhà ngoại giao từ Đức, Anh, Pháp, Canada, Litva, Estonia đều nhận định với Foreign Policy rằng chính phủ các nước này sẽ ủng hộ nỗ lực trở thành thành viên của Phần Lan và Thụy Điển.

Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde trong một cuộc họp báo chung ở trụ sở của NATO tại Brussels ngày 24/1. Ảnh: AFP

Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde trong một cuộc họp báo chung ở trụ sở của NATO tại Brussels ngày 24/1. Ảnh: AFP

Julianne Smith, Đại sứ Mỹ tại NATO nhận định, Washington hoan nghênh 2 thành viên mới song nhấn mạnh, việc quyết định vẫn nằm ở chính phủ các nước này.

"Họ mang đến những đội quân rất có năng lực. Họ nằm trong số những đồng minh thân cận nhất của chúng tôi ở châu Âu, vì thế, tôi không thể tưởng tượng được rằng sẽ có quốc gia nào đó trong NATO phản đối mạnh mẽ ý tưởng trên. Tôi nghĩ các thành viên trong liên minh nhìn chung đều hoan nghênh việc này".

Chính phủ Phần Lan hiện đang thực hiện Sách trắng an ninh dự kiến công bố vào tháng này, điều có thể làm nóng những cuộc tranh luận về việc gia nhập NATO trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh tại Madrid vào tháng 6/2022. Sách trắng trên "rõ ràng cũng sẽ ảnh hưởng đến những cuộc tranh luận tương tự tại Thụy Điển”, nhà quan sát Wieslander bình luận.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi châu Âu thiết lập phạm vi ảnh hưởng, Phần Lan đã lựa chọn trung lập và có vai trò như một vùng đệm quan trọng giữa Đông Âu và Tây Âu. Phần Lan gia nhập Liên minh châu Âu năm 1995 và hợp tác ngày càng sâu sắc với NATO.

"Về cơ bản, chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với NATO mà không cần trở thành thành viên của liên minh", Đại sứ Phần Lan tại Mỹ Mikko Hautala nhận định.

Bên cạnh lĩnh vực quân sự, các nhà ngoại giao NATO cho rằng Phần Lan sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn cho liên minh này, chẳng hạn như khả năng và kinh nghiệm của Phần Lan trong việc cân bằng quan hệ với Nga.

Phản ứng của Nga

Hiện có những mối lo ngại ở Phần Lan về việc nước này dễ bị ảnh hưởng như thế nào trong giai đoạn giữa thời điểm bỏ phiếu gia nhập NATO với thời điểm nước này thực sự trở thành thành viên của liên minh.

"Quá trình đó sẽ kéo dài bao lâu và an ninh của Phần Lan sẽ như thế nào trong khung thời gian đó", Petteri Orpo, lãnh đạo đảng đối lập ở Phần Lan cho hay.

Tháng trước, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã thảo luận với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc trở thành thành viên của NATO sau khi ông Stoltenberg trước đó khẳng định bất kỳ đơn xin gia nhập nào đều sẽ được giải quyết nhanh chóng. Dù vậy, vẫn sẽ mất một vài tháng để tất cả 30 thành viên thông qua quyết định này và một số quan chức Phần Lan e ngại một quốc gia NATO nào đó có thể sẽ trì hoãn quá trình gia nhập của nước này do lo sợ sẽ khiêu khích Nga.

Trên thực tế, triển vọng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể thổi bùng căng thẳng giữa Nga và NATO.

Hiện cũng có những cuộc tranh luận rằng liệu việc Phần Lan gia nhập NATO có được coi là hành vi khiêu khích Nga hay không. Một quan chức cấp cao Phần Lan nhận định: "Việc xin gia nhập NATO mang đến những rủi ro khủng khiếp cho Phần Lan và cho NATO. Chúng tôi có một nước láng giềng khó đoán. Tôi đã luôn nói rằng việc gia nhập NATO là điều mà chúng ta nên làm trong thời bình để không gia tăng bất kỳ sự bất ổn nào trong tổ chức mà chúng ta tham gia".

Điện Kremlin từng cho biết việc Ukraine cân nhắc trở thành thành viên NATO là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở nước này. Một quan chức ngoại giao cấp cao Nga cảnh báo hồi tháng trước rằng "sẽ có những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng" nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Dù vậy, Rachel Rizzo, một học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: "Nga sẽ tức giận nhưng tôi không nghĩ nước này sẽ phản ứng như việc Gruzia hoặc Ukraine gia nhập NATO"./.

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-lan-gia-nhap-nato-co-the-dan-den-thay-doi-cau-truc-an-ninh-chau-au-post935623.vov