Phần Lan, Na Uy an toàn hơn dù tỷ lệ sở hữu súng tương đương Mỹ

Tỷ lệ sở hữu súng tương đương nhau, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ là nơi nguy hiểm đối với trẻ em hơn khi so sánh với các quốc gia như Phần Lan, Na Uy.

Sau vụ xả súng vào một trường học ở Texas hôm 24/5 vừa qua khiến 19 học sinh và 2 giáo viên thiệt mạng, một so sánh giữa Mỹ và các quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng tương đương thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận.

Hình ảnh các nạn nhân của vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas, được chiếu trên màn hình của sân T-Mobile Park hôm 27/5 năm 2022, trong khoảnh khắc mặc niêm trước trận đấu bóng chày giữa Seattle Mariners và Houston Astros. Ảnh: AP

Như Quỹ bảo trợ trẻ em Mỹ - một quỹ phi lợi nhuận độc lập – đã chỉ ra, bạo lực súng đạn hiện là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em thiệt mạng ở xứ cờ hoa. Báo cáo cho biết, có 9 vụ bắn chết trẻ em mỗi ngày, cứ 2 giờ 36 phút lại có một vụ giết người.

Theo phân tích do Tạp chí Y học New England công bố, số trẻ em thiệt mạng vì súng cao gấp 36,5 lần so với nhiều quốc gia có thu nhập cao khác như Áo, Úc, Thụy Điển, Anh và xứ Wales.

Theo kết quả một nghiên cứu quốc tế khác khi so sánh luật súng quốc gia, tỷ lệ sở hữu súng và tỷ lệ tội phạm súng, thì các quốc gia châu Âu với tỷ lệ sở hữu súng tương đương với Mỹ, chẳng hạn như Phần Lan và Na Uy, lại là những xã hội an toàn nhất trên thế giới.

Vì sao có sự khác biệt trên? Đầu tiên, các quốc gia châu Âu nói trên chủ yếu cho sở hữu súng ngắn và súng săn. Trong khi đó, những vụ xả súng hàng loạt gần đây ở Mỹ, thủ phạm thường sử dụng súng trường với băng đạn lớn và khả năng sát thương cao.

Thứ hai, mức độ gắn kết xã hội cao, tỷ lệ tội phạm thấp và niềm tin vào cảnh sát và các tổ chức xã hội dường như làm giảm mức độ giết người bằng súng đạn ở các quốc gia châu Âu. Còn tại Mỹ, súng đạn như tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ tội phạm.

Tuy không có tỷ lệ tội phạm súng đạn cao, nhưng những quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển hay Thụy Sĩ lại có tỷ lệ tự sát bằng súng cao đáng kể. Anh và Nhật Bản, với một số luật về súng nghiêm ngặt nhất thế giới, luôn ghi nhận tỷ lệ giết người bằng súng thấp nhất, chủ yếu là do họ cấm sử dụng súng ngắn, loại vũ khí thông dụng của tội phạm.

Cũng từ những so sánh trên, các câu hỏi rộng hơn đã được đề cập. Thay vì tập trung vào súng như một biến số độc lập, các nhà nghiên cứu đưa ra các giải pháp như về bối cảnh và các nền văn hóa sử dụng súng.

Các nhà nghiên cứu về súng tập trung nhiều hơn tới những chế tài kiểm soát súng, vốn có vai trò quan trọng trong việc tăng hoặc giảm mức độ tội phạm về súng đạn. Các chế tài này bao gồm hệ thống chính trị và tư pháp hình sự, mạng lưới an toàn phúc lợi...

Nhưng những năm gần đây, nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với các vụ xả súng chủ yếu bằng việc mở rộng quy mô giam sát thay vì hạn chế quyền sở hữu súng. Trong các trường học, các học sinh, phụ huynh và giáo viên tạo thành một phần của mạng lưới để theo dõi và báo động khi phát hiện ra các dấu hiệu tội phạm.

Nhưng dù thế nào đi nữa, một bằng chứng không thể chối cãi, quốc gia nào có tỷ lệ sở hữu súng càng lớn thì càng có nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực bằng súng đạn.

Trở lại với vụ xả súng ở Texas mới đây, phản ứng tức thì của chính quyền với vụ việc vẫn chỉ tập trung vào phạm vi hẹp là an ninh trường học, bên cạnh đó là sự chậm trễ trong việc can thiệp của cảnh sát. Một khi không giải quyết được những vấn đề về chính sách, Mỹ vẫn sẽ là một quốc gia tương đối nguy hiểm với trẻ em trước hiểm họa súng đạn.

Thành An
(Theo Peter Squires - Giáo sư tội phạm học và chính sách công tại Đại học Brighton)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phan-lan-na-uy-an-toan-hon-du-ty-le-so-huu-sung-tuong-duong-my-post197105.html