Phần Lan nghi ngờ đường ống khí đốt bị tấn công, nhờ NATO vào cuộc

Vào thứ Ba (10/10), Phần Lan đã thông báo rằng nguyên nhân gây ra vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt kết nối với Estonia là có tác động từ bên ngoài. Họ đang điều tra và nhận được sự hỗ trợ từ NATO

Công ty quản lý mạng lưới khí đốt của Phần Lan đã thông báo vào chủ nhật tuần rồi về việc tạm dừng vận hành đường ống Balticconnector - đường ống dẫn khí cuối cùng của nước này sau khi ngừng nhập khẩu từ Nga - do phát hiện rò rỉ.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã tuyên bố: "Khả năng thiệt hại của đường ống dẫn khí đốt và cáp viễn thông đều do tác động từ bên ngoài. Phần Lan và Estonia đang hợp tác tiếp tục điều tra và nguyên nhân của vụ rò rỉ này vẫn chưa rõ ràng". Liên minh NATO - nơi Phần Lan đã là thành viên vào tháng 4 sau nhiều thập kỷ ở thế trung lập, đã hỗ trợ Phần Lan trong cuộc điều tra.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đang trao đổi cùng Tổng thống Phần Lan và sẵn sàng hỗ trợ nước này. Ông Stoltenberg viết trên X (trước đây là Twitter): "NATO sẵn sàng chia sẻ thông tin và hỗ trợ các đồng minh bị ảnh hưởng".

Nhà điều hành hãng viễn thông Phần Lan Elisa cũng tiết lộ rằng một "sự cố" đã ảnh hưởng đến tuyến cáp ngầm nối Phần Lan và Estonia qua Vịnh Phần Lan, nhưng khách hàng chưa bị ảnh hưởng.

Tổng thống Phần Lan khẳng định: "Những thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dưới biển đang được xem xét nghiêm túc và từ hôm chủ nhật, nguyên nhân đang được điều tra".

Gasgrid, cơ quan quản lý của đường ống dẫn khí Balticconnector đã cam kết sẽ lập kế hoạch sửa chữa và một lịch trình công việc sau khi xác định nguyên nhân vụ rò rỉ.

Công ty nhà nước nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí: tình hình hệ thống khí đốt của Phần Lan ổn định và việc cung cấp từ trạm dự trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi tại Inkoo (phía nam) vẫn được đảm bảo.

“Tình hình đáng lo ngại”

Liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt, châu Âu có thể đảm bảo một mùa đông an toàn, nhưng Simone Tagliapietra, chuyên gia về năng lượng tại Viện Bruegel phân tích: "Việc này đòi hỏi tính toàn vẹn của các đường ống dẫn khí và cơ sở hạ tầng của các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Một vụ phá hoại hoặc sự cố có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Về điều này, tình hình hoạt động tại Balticconnector ở Phần Lan không thể đoán định".

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Phần Lan thông qua đường ống dẫn khí sau khi Phần Lan từ chối thanh toán cho Nga bằng đồng rúp.

Sau chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, Moscow đã yêu cầu khách hàng từ các "quốc gia không thân thiện", bao gồm các thành viên của Liên minh châu Âu thanh toán khí đốt bằng rúp, một cách để tránh các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Ngân hàng Trung ương Nga.

Vụ rò rỉ vào hôm chủ nhật tuần rồi xảy ra một năm sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream chuyển khí đốt từ Nga đến Đức vào ngày 26 tháng 9 năm 2022, nguồn gốc của vụ việc vẫn là một bí ẩn.

Bốn vụ rò rỉ khí đốt lớn xảy ra sau vụ nổ dưới nước được phát hiện trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 - những đường ống vận chuyển phần lớn khí đốt của Nga tới châu Âu.

Cả ba cuộc điều tra tư pháp do Đức, Thụy Điển và Đan Mạch tiến hành riêng lẻ đều chưa có kết quả.

Một số quốc gia, trong đó có Nga, Ukraine và Mỹ, đã bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm nhưng tất cả đều phủ nhận điều này.

Khí tự nhiên chiếm khoảng 5% mức tiêu thụ năng lượng của Phần Lan, được sử dụng chủ yếu trong công nghiệp và sản xuất nhiệt và điện kết hợp.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phan-lan-nghi-ngo-duong-ong-khi-dot-bi-tan-cong-nho-nato-vao-cuoc-696334.html