Phần Lan và nỗi đau thời 'hậu Nokia'

Nokia, thị trấn nhỏ trên bờ sông Nokianvirta, Tampere từng là cội nguồn sinh ra hãng sản xuất điện thoại nổi tiếng cùng tên của Phần Lan. Nhưng kể từ khi hãng này bán cho Microsoft, tiếng tăm của nó bắt đầu bị lãng quên, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Nokia, thị trấn nhỏ trên bờ sông Nokianvirta, Tampere từng là cội nguồn sinh ra hãng sản xuất điện thoại nổi tiếng cùng tên của Phần Lan. Nhưng kể từ khi hãng này bán cho Microsoft, tiếng tăm của nó bắt đầu bị lãng quên, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

* Nokia là Cty đa quốc gia, được thành lập năm 1865 bởi hai nhà sáng lập Fredrik Idestam và Leo Mechelin. Đây là hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới với thị phần toàn cầu khoảng 40% trong quý II-2008. Tuy nhiên, thị phần của hãng này sau đó giảm dần bởi sự cạnh tranh gay gắt từ Samsung và Apple. Năm 2014, Nokia tuyên bố chính thức hoàn tất thương vụ bán bộ phận sản xuất thiết bị cầm tay cho Microsoft, và lực lượng nhân sự của Nokia hoạt động trên toàn thế giới cũng thuộc về biên chế của Microsoft.

Nokia - “xương sống của mọi thứ”

Vào cuối những năm 1990, khi hãng Nokia đang trong thời hoàng kim, nó đã biến nền kinh tế Phần Lan thành một trong những quốc gia giàu nhất trên thế giới. Đỉnh điểm là những năm 2000, Nokia cung cấp đến 40% nhu cầu điện thoại di động cho thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Phần Lan (RIFE), sự sụp đổ của Nokia có tác động lớn đến nền kinh tế nước này bởi Nokia đóng góp đến 1/4 mức tăng trưởng GDP Phần Lan giai đoạn 1998- 2007, một thời mà Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb từng ca ngợi là “phép lạ kinh tế”. Nhưng sự nổi nhanh và chìm nhanh của Nokia để lại một hiệu ứng bất lợi kéo dài. “Nokia là biểu tượng lớn ở Phần Lan và khi sụp đổ, hậu quả thật không lường hết”, Kari Kankaala, Giám đốc phát triển kinh tế và đô thị của Tampere đánh giá.

Thị trấn Nokia chỉ cách Tampere khoảng 15 phút đi xe, từng là đại bản doanh của Phân ban R&D – khu nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn. Thời cực thịnh, giai đoạn 1997-2008, Nokia sử dụng đến 4.000 công nhân công nghệ cao, lành nghề. “Nokia thực sự là xương sống của tất cả mọi thứ. Các trường đại học đều dựa vào sự hợp tác với Nokia, các nhà thầu phụ phụ thuộc vào Nokia, những đứa trẻ đang đến trường cũng nhờ vả vào Nokia”.

Nhưng kể từ khi hãng Microsoft mua lại Cty này năm 2014, tình trạng thất nghiệp tăng vọt tới 14-15%. Nó tạo ra trận “sóng thần” đối với kinh tế Phần Lan.

Nokia, một thị trấn nhỏ ở Phần Lan nhưng nổi tiếng khắp thế giới nhờ hãng điện thoại Nokia.

Nokia, một thị trấn nhỏ ở Phần Lan nhưng nổi tiếng khắp thế giới nhờ hãng điện thoại Nokia.

Hiệu ứng iPhone và sự trở lại của di sản Nokia

Cuộc sống của công nhân Nokia bắt đầu khó khăn kể từ năm 2007, khi điện thoại thông minh xuất hiện, đặc biệt là sản phẩm iPhone của hãng Apple. Nó làm đảo lộn việc làm lẫn thu nhập của mọi người ở Nokia.

Để sống sót, Nokia tiến hành nhiều cải tiến công nghệ quyết liệt, trước khi bỏ cuộc vào năm 2014. Từ đây, cái tên Nokia cũng được gỡ bỏ hoàn toàn khỏi thiết bị mà chính nó sản xuất ra. Tuy mất đi thương hiệu Nokia, nhưng nhiều người Phần Lan vẫn tự hào, coi đây là di sản cao quý, đáng trân trọng. “Cổ phiếu Nokia của người lao động vẫn còn nhưng tác động lớn nhất từ sự sụp đổ Nokia chính là cuộc cách mạng văn hóa kinh doanh đối với người Phần Lan, đó là một thay đổi lớn”, ông Kari Kankaala nhận xét.

Tuy nhiên, hiện đang có dấu hiệu văn hóa doanh nghiệp mới thời hậu Nokia. Đó là sự xuất hiện của Tuomas Kytomaa, kỹ sư phần mềm, người dành phần lớn sự nghiệp làm việc cho Nokia. Năm 2015, ông trở về Phần Lan để làm việc cho các nhà bán lẻ trực tuyến Zalando và đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm công nghệ cao trên nền đất cũ của nhà máy sản xuất dây cáp của Nokia ở thủ đô. Dù hiện tại, lĩnh vực công nghệ cao của Phần Lan còn gặp khó khăn nhưng nhiều người dân tin rằng trong thời gian ngắn, Nokia sẽ xuất hiện trở lại.

Kim Hùng
(Theo BBC)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/136_145913_pha-n-lan-va-no-i-dau-tho-i-ha-u-nokia-.aspx