Phân loại chất thải rắn sinh hoạt phục vụ kinh tế tuần hoàn

Sáng 4-6, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Diễn đàn môi trường lần thứ III - năm 2024, với chủ đề 'Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp'.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hoàng Sơn

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hoàng Sơn

Báo cáo tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.

Ước tính, hiện cả nước phát sinh khoảng 60.000 - 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%. Các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh từ 7.000 đến 9.000 tấn/ngày. Dự báo, năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng 10-16%/năm.

Vấn đề đặt ra hiện nay là xử lý rác như thế nào, bằng công nghệ gì để không gây ô nhiễm môi trường và chuyển hóa rác thải thành tài nguyên… được nêu ra tại diễn đàn nhằm định hướng cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong quản lý, đầu tư và phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Các đại biểu đề xuất giải pháp sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Sơn

Các đại biểu đề xuất giải pháp sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Sơn

Tại diễn đàn môi trường lần thứ III - năm 2024, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với công tác quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ tình hình thực tế tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đại diện các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp môi trường đã đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt.

Tiến sĩ Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức diễn đàn cho biết: Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, chất thải rắn sinh hoạt có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác. Hơn nữa, phân loại rác thải tại nguồn là nhiệm vụ bắt buộc, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định, chậm nhất từ ngày 1-1-2025.

Thông qua diễn đàn này, Ban tổ chức mong muốn truyền thông chính sách tới doanh nghiệp, người dân về việc phân loại rác đầu nguồn và sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, góp phần giảm bớt phát thải, gây ô nhiễm môi trường, xây dựng cộng đồng xã hội phát triển, hiện đại, văn minh.

“Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội hưởng ứng thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có nhiều sáng kiến áp dụng trong phân loại rác, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để bảo vệ môi trường”, Tiến sĩ Đào Xuân Hưng nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-phuc-vu-kinh-te-tuan-hoan-668321.html