Phân loại phim theo lứa tuổi đã cởi mở

Kinhtedothi – Góp ý xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Điện ảnh năm 2022 đã có nhiều tiến bộ, cởi mở trong vấn đề phân loại nhưng vẫn còn chung chung, thiếu tiêu chí cụ thể trong vấn đề kiểm duyệt cảnh nóng.

Mới đây, hơn 20 ý kiến đóng góp xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim của các nhà sản xuất, đạo diễn, đơn vị phát hành đã được nêu tại Hội nghị “Lấy ý kiến góp ý xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim đến người xem”.

Bổ sung thêm mức phân loại

So với luật cũ, bảng phân loại phim theo độ tuổi đã được tăng từ 4 lên 5 loại. Các mức xếp loại bao gồm: P - phổ biến với mọi độ tuổi; K, T13 - phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên; T16 - phổ biến đến người xem từ 16 tuổi trở lên; T18 - phổ biến đến người xem từ 18 tuổi trở lên. Đặc biệt, nếu phim vi phạm các mục cấm ở điều 9 Luật điện ảnh sẽ bị xếp mức C - không được phép phổ biến.

Hình ảnh trong bộ phim ''Bẫy ngọt ngào''.

Hình ảnh trong bộ phim ''Bẫy ngọt ngào''.

Trong đó, mức độ mới được phân loại K quy định phim sẽ được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha mẹ hoặc người giám hộ. Giới chuyên môn nhận định đây là sự bổ sung thiết thực, tiệm cận với chuẩn quốc tế. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận xét trách nhiệm đưa văn hóa phẩm đến trẻ em cũng cần có sự san sẻ trách nhiệm từ các vị phụ huynh.

Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Ngân (Galaxy) Nguyễn Thị Mai Hoa nhận xét: "Thông tư này cởi mở, rõ ràng hơn, bổ sung mức K - tương đương mức PG13 trên thế giới, tạo điều kiện cho khán giả nhỏ tuổi tiếp cận phim ảnh Việt Nam và quốc tế. Trước đây có những phim hướng đến trẻ em nhưng được phân loại C13 (trên 13 tuổi) nên các em chưa xem được, chẳng hạn Spider-Man: No Way Home vừa qua. Nếu phân loại mức K thì các em sẽ xem được".

Tuy nhiên, nhiều nhà làm phim tham gia hội thảo cũng cho rằng quy định nên làm rõ cho các bậc phụ huynh hiểu việc “giám hộ” trẻ em ở đây sẽ được thực hiện như thế nào; liệu việc phụ huynh ngồi giảng giải các chi tiết mang yếu tố người lớn ngay trong rạp có ảnh hưởng đến khách xem phim khác; phụ huynh có nên được nắm trước nội dung phim để cảnh báo con em trước khi vào rạp và những phim thuộc thể loại nào sẽ cần đến hình thức giám hộ?

Tiêu chí kiểm duyệt cảnh nóng chưa cụ thể

Tại Hội thảo, nhiều khách mời tham dự có đồng quan điểm về việc một số tiêu chí chưa được cụ thể. Trong đó, những yếu tố liên quan đến kiểm duyệt các cảnh nóng được nhiều người quan tâm. Đơn cử như quy định với phim cấm khán giả dưới 13 tuổi, cảnh tình dục không được "mô tả thường xuyên và chi tiết." Theo nhiều nhà làm phim, yếu tố "thường xuyên" cần được nói rõ là xuất hiện bao nhiêu lần hoặc thời lượng kéo dài bao lâu.

Tương tự, điều 3 trong Thông tư có đề cập đến yếu tố: “Mức độ khỏa thân cũng như các hành vi âu yếm, quan hệ tình dục hoặc miêu tả, mô phỏng hành vi tình dục của con người được thể hiện một nghệ cách nghệ thuật, hay chân thực, hay mang tính thô thiển, đồi trụy, tự mãn”. Nhiều nhà làm phim cho biết tiêu chí này rất trừu tượng, khiến nhà làm phim bối rối không hiểu thế nào mới được gọi là một phân cảnh nghệ thuật, chân thực theo quan điểm của đơn vị kiểm duyệt vì mỗi nhà làm phim lại có hệ chuẩn mực khác nhau. Theo TS Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh: Tiêu chí “nghệ thuật hay chân thực, thô thiển” còn quá trừu tượng. Bởi lẽ, nhận định này có thể khác nhau dựa trên cảm quan cá nhân, kinh nghiệm sống của mỗi người. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy cho các sinh viên trẻ mới mười tám đôi mươi, cần có một hệ quy chiếu rõ ràng, chi tiết dựa trên luật Điện ảnh để thuyết phục và giảng giải cho các bạn trong quá trình thực hành làm phim.

Bên cạnh phim chiếu rạp, các đại biểu đề nghị cần siết chặt kiểm duyệt cho phim truyền hình và phim nhiều tập chiếu trên các nền tảng trực tuyến. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng rất nhiều phim truyền hình hiện nay có nội dung mang yếu tố tội phạm, xã hội đen, bạo hành gia đình, cùng nhiều vấn đề nhạy cảm trong xã hội, không phù hợp với mọi độ tuổi, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, khác với phim chiếu rạp, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận phim truyền hình dễ dàng trên tivi. Theo đạo diễn Nhật Linh, cần có sự cảnh báo hoặc dán nhãn độ tuổi trước mỗi bộ phim để khán giả dễ giám sát nội dung và can thiệp tránh cho con em xem những bộ phim không phù hợp.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các nhà là phim. Theo ông Vi Kiến Thành, Luật Điện ảnh mới được sửa đổi cho phù hợp với xu thế phát triển phim ảnh trong thời đại mới, đặc biệt với phim phát hành không gian mạng. Khâu duyệt phim hiện nay cũng cởi mở hơn do Hội đồng duyệt phim quốc gia có sự trẻ hóa, nhiều nhân sự của Hội đồng có cái nhìn trẻ trung, quan điểm bám sát xu hướng chung của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa được hoàn thiện. Sau khi lắng nghe góp ý, ban soạn thảo sẽ hoàn chỉnh, trình Chính phủ vào tháng 11 để thông tư đi vào hoạt động.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tre-em-co-nhieu-lua-chon-xem-phim-chieu-rap.html