Phân loại rác tại nguồn
Thời gian qua, tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại hai nhà máy xử lý rác ở TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt, điểm tập kết rác các huyện Đức Trọng, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) khiến nhiều người lo ngại, bức xúc. Người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm rác thải tập kết nhiều, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng, nước rỉ rác phát tán ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe con người và cây trồng, vật nuôi.
Không chỉ riêng Lâm Đồng, ô nhiễm rác thải vốn là vấn đề đã cũ nhưng luôn thách thức, nan giải ở nhiều địa phương. Nguyên nhân của sự nan giải ấy cũng như giải pháp bền vững cũng đã được chỉ ra nhưng việc triển khai, thực hiện lại vô cùng khó khăn. Cụ thể như cần đầu tư, xây dựng nhà máy, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ xử lý rác, đặc biệt là tổ chức phân loại rác tại nguồn. Bởi theo các chuyên gia về môi trường, bên cạnh ý thức xả rác của không ít người dân còn chưa cao, thì cách thu gom “ném mọi thứ rác vào chung một sọt” như hiện nay khiến cho việc xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn, tốn kém, gây ra tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Phân loại rác tại nguồn vốn được nhiều đô thị, quốc gia trên thế giới áp dụng, trở thành yêu cầu bắt buộc trong xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững. Phương thức phân loại rác thải được thực hiện ngay tại thời điểm phát sinh rác, trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, xử lý. Rác thải sinh hoạt sẽ được phân thành 4 nhóm gồm chất thải có thể tái chế (phế liệu), chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải còn lại và nhóm chất thải nguy hại, được các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ... phân loại, đưa vào các vật đựng khác nhau trước khi bỏ vào thùng rác công cộng. Điều này bắt đầu từ nhận thức và hành vi xử lý rác của mỗi người dân nhưng mang lại ý nghĩa, lợi ích rất lớn, góp phần giảm gánh nặng xử lý rác, tiết kiệm thời gian, chi phí xử lý, tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác cũng như giảm tình trạng ô nhiễm do rác thải gây ra.
Luật Bảo vệ môi trường quy định đến ngày 1-1-2025, các địa phương sẽ phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Luật đã có nhưng vấn đề lo ngại lớn nhất được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đặt ra là làm sao để luật đi vào thực tiễn hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá cho vấn đề quản lý, xử lý rác, trở thành nhận thức chung của mọi người dân. Để làm được điều đó, vấn đề cần được chú trọng, nâng cao là các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động phân loại rác tại nguồn; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và áp dụng công nghệ xử lý rác phù hợp. Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành những văn bản hướng dẫn, quy định các định mức kinh tế-kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo cơ sở để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện đúng tiến độ, giúp các đô thị, khu dân cư đạt xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phan-loai-rac-tai-nguon-803298