Phân loại rác tại nguồn cần người dân chung tay
Từ ngày 1-1-2025, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển rác. Các trường hợp không phân loại rác tại nguồn (PLRTN) sẽ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Quy định này nhằm tăng tỷ lệ tái chế chất thải sinh hoạt, giảm tỷ lệ chôn lấp. Điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng và môi trường như: giảm ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, giảm diện tích đất chôn lấp chất thải.
Tại Đồng Nai, chất thải sinh hoạt phát sinh khoảng 2,1 ngàn tấn/ngày và tỷ lệ xử lý đạt hơn 85%, chôn lấp dưới 15%. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh, địa phương và các doanh nghiệp xử lý chất thải trên địa bàn. Tuy nhiên, việc PLRTN của Đồng Nai đạt tỷ lệ thấp dù đã có gần 60% hộ dân trong tỉnh đăng ký thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến PLRTN còn thấp là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phương tiện vận chuyển rác chưa đảm bảo, ý thức của người dân trong PLRTN chưa cao. Vì thế, năm 2025, Đồng Nai đặt ra mục tiêu PLRTN với các hộ gia đình đạt khoảng 50%, các cơ quan, đơn vị 100%.
Thực tế thì việc PLRTN đã được Đồng Nai thực hiện thí điểm cách đây 15 năm. Sau đó, được các địa phương nhân rộng ra các phường, xã.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tỷ lệ PLRTN tăng cao thì từ các khu phố, ấp đến xã, phường, huyện, thành phố phải tập trung cho công tác tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời, kiểm tra, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp không PLRTN. Như vậy, sẽ dần hình thành thói quen cho các hộ gia đình trong việc PLRTN.
Việc PLRTN đơn giản, không tốn nhiều thời gian nhưng đa số các hộ gia đình vẫn theo thói quen là rác thải bỏ chung vào một thùng để bỏ đi. Do đó, muốn hầu hết người dân Đồng Nai đều tham gia PLRTN thì phải tăng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để thay đổi thói quen của các hộ gia đình. Trong vấn đề PLRTN rất cần sự chung tay của tất cả các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Vì thế, người dân đồng lòng tham gia PLRTN cũng là góp phần bảo vệ môi trường và làm chậm lại diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Trên cả nước hiện phát sinh khoảng 68 ngàn tấn rác thải/ngày, trong đó tỷ lệ thu gom đạt 88%, nhưng đa số được xử lý bằng hình thức chôn lấp nên gây tốn nhiều diện tích đất và nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Đồng Nai là địa phương đi đầu cả nước trong thu gom, xử lý chất thải và tỉnh cũng đặt mục tiêu cao trong PLRTN so với nhiều địa phương khác.