Xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và nhân dân

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh Phú Yên đã tổ chức 24 kỳ họp, ban hành 401 nghị quyết (trong đó có 16 kỳ họp chuyên đề). Các quyết sách của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp với địa phương.

Máy chạy thận nhân tạo và máy rửa quả lọc được đưa vào sử dụng tại Khu Đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Ảnh: Tường Quân/TTXVN

Máy chạy thận nhân tạo và máy rửa quả lọc được đưa vào sử dụng tại Khu Đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Ảnh: Tường Quân/TTXVN

HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bằng những nghị quyết cụ thể gắn với thực tiễn tại địa phương. Từ đó, chính quyền địa phương kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh thuộc thẩm quyền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi đại biểu dân cử luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm là “cầu nối” giữa cử tri với Quốc hội và HĐND; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề sát với đời sống xã hội.

Thể chế hóa bằng nghị quyết

Tại tỉnh Phú Yên, từ ngày 1/1/2025, dịch vụ khám, chữa bệnh được áp dụng giá mới tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước gồm 6 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 9 trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã (bao gồm cả phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế tuyến xã) và 3 trung tâm, trạm chuyên khoa.

Đưa người thân đi khám bệnh và nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Văn Chính (thành phố Tuy Hòa) cho rằng, giá khám bệnh hơn 50.000 đồng/lần không phải quá cao. Việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo lương cơ sở về cơ bản có thể chấp nhận được. Thực tế, người dân Phú Yên có thể phải bỏ ra chi phí gấp nhiều lần để đi vào Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các bệnh viện tư nhân để khám, chữa bệnh. Theo ông Chính, điều quan trọng là chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ phải được nâng lên tương xứng; thiết bị, vật tư y tế phải được mua sắm đầy đủ và không để xảy ra thiếu thuốc...

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua tại kỳ họp thứ 24 (chuyên đề), giá khám, chữa bệnh của bệnh viện hạng 1 là 50.600 đồng; bệnh viện hạng 2 là 45.000 đồng; bệnh viện hạng 3 là 39.800 đồng; bệnh viện hạng 4 và trạm y tế xã, phường, thị trấn là 36.500 đồng. Giá dịch vụ ngày giường bệnh nội khoa bệnh viện hạng 1 đối với ngày điều trị hồi sức tích cực là 928.100 đồng; ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 558.600 đồng. Giá dịch vụ ngày giường bệnh ở trạm y tế xã, phường, thị trấn là 78.100 đồng...

Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên đã thống nhất xây dựng Nghị quyết này theo trình tự thủ tục rút gọn để các cơ sở y tế thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Nghị quyết này nhằm đảm bảo nguồn thu hợp pháp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, nâng cao mức độ tự chủ chi thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho biết, việc ban hành nghị quyết chuyên đề kịp thời cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật vào điều kiện thực tế của địa phương có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo. Bằng các hình thức phù hợp, đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc thực hiện các nghị quyết này.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh Phú Yên đã tổ chức 24 kỳ họp, ban hành 401 nghị quyết (trong đó có 16 kỳ họp chuyên đề). Các quyết sách của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp với địa phương. Các nghị quyết được ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh thuộc thẩm quyền, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và cử tri trong tỉnh.

Lắng nghe nguyện vọng của cử tri

Khu vực đường cao tốc Bắc - Nam đi ngang qua tuyến đường Đá Bàn (thành phố Tuy Hòa) mà cử tri phản ánh. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Khu vực đường cao tốc Bắc - Nam đi ngang qua tuyến đường Đá Bàn (thành phố Tuy Hòa) mà cử tri phản ánh. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Cử tri xã Hòa Kiến (thành phố Tuy Hòa) đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát việc bố trí các hầm chui, đường gom dân sinh cắt ngang qua tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong); bổ sung hệ thống thoát nước để đảm bảo thoát vào mùa mưa sau khi tuyến đường cao tốc hoàn thành không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân...

Là người thường xuyên đi lại và sản xuất qua khu vực này, ông Trần Ngọc Trí (Phường 9, thành phố Tuy Hòa) cho biết, đây là tuyến đường quan trọng, phục vụ đi lại và sản xuất của người dân hai xã Hòa Kiến, Bình Kiến và Phường 9. Trước đây, khu vực này có đường giao thông nội đồng để nông dân đi lại chăm sóc đồng ruộng và vận chuyển lúa, nông sản. Khi thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đã chia cắt đồng ruộng thành hai bên. Vụ lúa Hè Thu năm 2024, người dân phải di chuyển đường đi rất xa, phức tạp và làm phát sinh chi phí vận chuyển...

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã kịp thời phản ánh kiến nghị này của cử tri đến các cơ quan chức năng. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án) phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương để xử lý. Đến nay, các đơn vị liên quan đã thống nhất bổ sung tuyến đường gom từ đường liên thôn Tường Quang - Ngọc Phong về đường Đá Bàn, kết nối với cầu vượt tại Km22+996. Đơn vị tư vấn, nhà thầu tổ chức triển khai nhằm hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn bộ dự án trong năm 2025 theo kế hoạch.

Năm 2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 27 điểm ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, với 3.777 cử tri tham dự; có 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, người lao động, thu hút hơn 500 cử tri tham dự. Qua các buổi tiếp xúc, có hơn 150 lượt cử tri phát biểu ý kiến.

Theo ông Lê Văn Thìn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, hoạt động tiếp xúc cử tri được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đổi mới cả về nội dung và hình thức. Đại biểu Quốc hội bên cạnh lắng nghe kiến nghị của cử tri về những vấn đề quan trọng của đất nước, còn phải bám sát với thực tiễn cuộc sống của nhân dân địa phương; kịp thời phản ánh những nội dung đòi hỏi phải có sự giải quyết của các cơ quan Trung ương. Những kiến nghị chính đáng của cử tri được giải quyết thỏa đáng đã tạo niềm tin lớn giữa nhân dân với Quốc hội. Mỗi buổi tiếp xúc cử tri không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, mà còn có sự đối thoại giữa cử tri với các cơ quan chức năng. Từ đó, nhiều bên liên quan cùng nhau chia sẻ và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Xuân Triệu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/xac-dinh-ro-trach-nhiem-truoc-cu-tri-va-nhan-dan-20250106094257920.htm