Phân loại rác tại nguồn: Làm gì để hết khó?

Bắt đầu từ 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành nghĩa vụ của mỗi hộ gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai quy định này đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt tại các địa phương.

Còn nhiều thách thức

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nếu không thực hiện phân loại rác đúng quy định, người dân có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại, quá trình triển khai phân loại rác tại nguồn trên khắp các địa phương vẫn chưa đạt được sự đồng bộ và hiệu quả cần thiết. Nhiều tỉnh, thành than khó, loay hoay với việc đưa ra lộ trình và các giải pháp cụ thể, dẫn đến những khó khăn lớn trong việc thực hiện chính sách này.

Phân loại rác tại nguồn cần có lộ trình phù hợp. Ảnh: Nguyễn Quý

Phân loại rác tại nguồn cần có lộ trình phù hợp. Ảnh: Nguyễn Quý

Mới đây, tại hội thảo "Trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung", đại diện từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) của các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa cho biết, dù đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn và nhận thấy ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Cụ thể, các địa phương đang gặp khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ, cũng như vấn đề kinh phí và thiết bị vận chuyển, thu gom rác thải. Điều này đã dẫn đến tình trạng triển khai không đồng bộ, thiếu hiệu quả, khiến việc phân loại rác tại nguồn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một ví dụ tiêu biểu là Hải Phòng, nơi được Bộ TN&MT đánh giá cao trong việc phân loại rác tại nguồn với nhiều mô hình điểm mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, ngay cả một địa phương có sự chuẩn bị tốt như Hải Phòng cũng đang gặp phải những bất cập giữa các chính sách và thực tiễn phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

Ngoài ra, sự quyết tâm và vào cuộc của chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến kết quả không bền vững. Nhận thức của cộng đồng và người dân về phân loại CTRSH tại nguồn còn hạn chế. Phương tiện thu gom vận chuyển, hạ tầng phục vụ việc phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại vẫn chưa được đồng bộ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi điều kiện còn khó khăn.

Cần lộ trình và cơ chế khuyến khích người dân

Theo các chuyên gia, để việc phân loại rác tại nguồn trở nên hiệu quả và bền vững, việc xây dựng một lộ trình rõ ràng và phù hợp là yếu tố then chốt. Lộ trình này cần được thiết kế dựa trên năng lực của từng địa phương, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư. Việc tổ chức lại và nâng cấp phương tiện, cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu gom và xử lý rác thải là điều cần thiết.

Đặc biệt, cần tập trung vào việc đầu tư vào các thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu thu gom và vận chuyển rác thải một cách hiệu quả. Cùng với đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn cần được đẩy mạnh. Cần nhấn mạnh rằng, việc phân loại rác không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình. Các chương trình tuyên truyền cần được thiết kế sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận và phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và miền núi, nơi mà nhận thức về vấn đề này còn hạn chế.

Ngoài ra, việc nhân rộng những mô hình phân loại rác thành công, những ý tưởng sáng tạo từ các địa phương cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Việc học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm thành công từ các mô hình này sẽ giúp các địa phương khác cải thiện được quá trình phân loại rác tại nguồn, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong việc thực hiện chính sách.

Đặc biệt, để thu hút sự tham gia của DN trong việc xử lý và tái chế rác thải, cần tạo ra các cơ chế khuyến khích hấp dẫn. Việc đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ về vốn, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia vào lĩnh vực tái chế rác thải sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Đồng thời, việc khuyến khích các DN tham gia vào quá trình xử lý rác thải cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan quản lý nhà nước, tạo ra một hệ thống quản lý rác thải bền vững và hiệu quả hơn.

PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điều quan trọng khi phân loại rác thải tại nguồn là cần có lộ trình phù hợp và tùy theo năng lực của từng địa phương. Chuyên gia này nhấn mạnh, thay vì phân ra 3 loại rác thì bước đầu chỉ nên phân thành 2 loại là có thể tái chế và loại còn lại.

Đặc biệt, PGS.TS Lê Hùng Anh cho biết, đối với những địa phương có dự án điện rác thì việc phân loại rác cũng có thể linh hoạt, theo hướng phân thành loại thành có thể đốt và không thể đốt. Sau một thời gian đủ lâu để người dân hình thành thói quen thì chuyển sang giai đoạn 2 là phân loại rác thành 3 - 4 loại. “Các địa phương cần tùy thuộc điều kiện cụ thể mà xây dựng lộ trình phù hợp từ đơn giản đến phức tạp” – PGS.TS Lê Hùng Anh nói. Về chế tài xử phạt, chuyên gia Lê Hùng Anh cho hay, thay vì phạt thật nặng thì nên có cơ chế khuyến khích, đặc biệt là bằng kinh tế, để thay đổi thói quen. Ví dụ như giảm 30% hoặc 50% phí thu gom rác hàng tháng. Lợi ích kinh tế sẽ góp phần thay đổi ý thức và thói quen của đại bộ phận dân chúng.

Có thể nói, phân loại rác tại nguồn là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường sống và xây dựng một xã hội bền vững. Tuy nhiên, để việc này trở nên hiệu quả, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự hỗ trợ từ phía các DN.

Lộ trình phân loại rác tại nguồn cần được xây dựng một cách cẩn trọng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời cần có các cơ chế khuyến khích để người dân và DN cùng chung tay thực hiện. Chỉ khi có sự đồng thuận và quyết tâm từ tất cả các bên liên quan, việc phân loại rác tại nguồn mới thực sự trở thành một giải pháp bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người.

Việc thí điểm và lựa chọn phân loại rác tại nguồn phải phù hợp với đặc thù địa phương. Như khu vực nội thành thì tập trung vào rác tái chế, xem xét kỹ danh mục các loại rác có thể tái chế để phân loại, kết nối cùng các đơn vị thu gom và công ty tái chế để xử lý.
Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Cộng đồng và Môi trường
Đỗ Vân Nguyệt

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-lam-gi-de-het-kho.html