Phân loại rác thải sinh hoạt gặp nhiều khó khăn

Tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt (phân loại rác thải tại nguồn) ở thành phố Lào Cai hiện đạt khoảng 70%, tuy nhiên, kết quả này không bền vững, bởi có sự dao động từng thời điểm. Nhiều giải pháp được đưa ra để tăng tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn, thế nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, phòng và giảm tình trạng lây lan các loại dịch bệnh.

Chị Đỗ Thị Thu, công nhân thu gom rác thuộc Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai chia sẻ: Mỗi ngày 2 lần trực tiếp thu gom rác, tôi thấy việc phân loại rác thải ở mức tương đối, nhưng không phải hộ dân nào cũng có ý thức phân loại, vẫn còn để lẫn rác vô cơ và hữu cơ. Thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong cả nước, nhiều người vứt khẩu trang bừa bãi. Khi thu gom rác, chúng tôi phải cẩn trọng bởi đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chúng tôi cũng phối hợp với khu dân cư, tổ dân phố nhắc nhở người dân, tuy nhiên để tất cả người dân thực hiện phân loại rác thì còn khó khăn.

Thành phố Lào Cai hiện có khoảng 27.000 hộ, trong đó trình độ, nhận thức và thời gian làm việc, sinh hoạt của các gia đình khác nhau, điều này ảnh hưởng đến ý thức về phân loại rác thải tại nguồn. Người dân chưa có thói quen phân biệt các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, đâu là chất thải rắn sinh hoạt, đâu là chất thải rắn nguy hại, thậm chí lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải.

Công nhân Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai thu gom rác thải.

Công nhân Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai thu gom rác thải.

Chị Nguyễn Thị Thương, phường Bắc Lệnh cho biết: Tôi sống một mình, nên rác thải sinh hoạt không nhiều, mỗi ngày tôi chỉ sử dụng một túi đựng cho tất cảrác thải trong ngày, đến chiều tối đem ra bỏ vào thùng rác để công nhân đến thu gom.

Không chỉ có chị Thương, mà nhiều hộ khác, đặc biệt là những người không cố định nơi ở, ở trọ hoặc tại các chợ cũng có cách làm như vậy.

Công tác tuyên truyền phân loại rác thải vẫn chưa thực sự hiệu quả. Việc phổ biến kiến thức phân loại rác thải sinh hoạt thường được lồng ghép trong các buổi họp tổ, khu dân cư, mỗi gia đình thường cử đại diện đến tham dự, nhưng sau khi về nhà lại không truyền đạt đầy đủ nội dung cuộc họp đến các thành viên trong gia đình, dẫn đến việc thực hiện phân loại rác không đồng đều.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, phường Bình Minh cho biết: Những ngày vợ chồng tôi ở nhà thì vẫn phân chia riêng các loại rác thải, mang rác ra bỏ vào thùng đúng giờ. Tuy nhiên, người giúp việc ở nhà không có thói quen phân loại rác, hoặc không nắm rõ loại rác thải để đổ đúng quy định.

Một bất cập khác là tần suất thu gom rác thải ở các tuyến đường khác nhau, điều này phụ thuộc vào mật độ dân cư. Có những đoạn đường, ngày thu gom rác 2 lần, có đoạn đường chỉ thu 1 lần, thậm chí có tuyến đường, thu gom rác 2 đến 3 lần/tuần, dẫn đến phải lưu trữ rác.

Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai đang quản lý 11 xe ô tô và có gần 300 xe gom rác, hơn 40 xe điện, số thiết bị này cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển rác thải, tuy nhiên, trên địa bàn thành phố còn thiếu bãi tập kết xe rác. Thành phố hiện có 7 điểm tập kết xe rác cố định, còn lại là các điểm tập kết tạm thời, một số phường phải tập kết tại vỉa hè, lòng đường hoặc mượn tạm bãi đất trống khi người dân chưa có nhu cầu sử dụng. Điều này ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và chất lượng của các thiết bị thu gom rác.

Để tăng tỷ lệ phân loại chất thải sinh hoạt và làm đẹp cảnh quan, môi trường, thời gian qua, Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai đã đưa ra nhiều giải pháp. Mỗi công nhân thu gom rác là một tuyên truyền viên, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức; báo cáo với tổ trưởng tổ dân phố khi phát hiện những hộ dân thường xuyên không phân loại rác, vứt rác không đúng nơi quy định.

Ông Ngô Bảo Lân, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương. Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi sẽ tham mưu cho các tổ dân phố đưa nội dung phân loại rác thải sinh hoạt vào các tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa hoặc bình xét những nhiệm vụ chưa hoàn thành vào cuối quý hoặc cuối năm. Với cách làm đó, người dân sẽ hiểu hơn về tầm quan trọng của phân loại rác và nâng cao ý thức vì gia đình và cộng đồng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347404-phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-gap-nhieu-kho-khan