Phân loại rác thải sinh hoạt, trách nhiệm của hộ gia đình

Hiện nay, rác thải nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng đang là mối đe dọa lớn đến đời sống con người. Việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải đúng quy định, không chỉ góp phần giảm nguy hại do rác thải mang lại, bảo vệ môi trường sống, mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội, cộng đồng.

Hội viên Chi hội phụ nữ tổ 2, phường Quyết Thắng, Thành phố, thu gom, phân loại rác tái chế tại nguồn. Ảnh: Thu Thảo

Hội viên Chi hội phụ nữ tổ 2, phường Quyết Thắng, Thành phố, thu gom, phân loại rác tái chế tại nguồn. Ảnh: Thu Thảo

Phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý. Đồng thời, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Đây còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, có nhiều điểm mới quy định rõ và cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Thay vì thu tiền thu gom rác thải theo cách “cào bằng” hiện tại, người dân sẽ phải trả khoản tiền tương ứng với lượng rác thải ra (Trước khi có luật mới này, người xả nhiều hay xả ít rác thải cùng đều đóng phí như nhau. Điều này được cho là không công bằng và không tạo động lực để người dân hạn chế xả rác, góp phần bảo vệ môi trường).

Nhân dân xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, thu gom rác. Ảnh: Mạnh Hùng.

Nhân dân xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, thu gom rác. Ảnh: Mạnh Hùng.

Về phân loại rác thải sinh hoạt: Luật quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân (tại Điều 60). Theo khoản 1 Điều 75, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Đối với việc thu gom, vận chuyển rác thải: Các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật này (khoản 2 Điều 77).

Điều 79 có quy định cụ thể giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.

Chậm nhất là ngày 31/12/2024, quy định hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo khoản 1 Điều 75 và phí dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo khoản 1 Điều 79 phải được thực hiện.

Để góp phần bảo vệ môi trường trong sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, nâng cao chất lượng đời sống con người, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt hướng dẫn, vận động, tạo lập cho người dân có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà. Các hộ gia đình, cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo thói quen phân loại rác thải sinh hoạt theo quy định, góp phần giảm ô nhiễm, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tiến tới một khái niệm sống xanh bền vững.

Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị - Chi nhánh Sốp Cộp thu gom rác thải. Ảnh: Mạnh Hùng

Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị - Chi nhánh Sốp Cộp thu gom rác thải. Ảnh: Mạnh Hùng

Thúy Hằng (Sở TN&MT)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-trach-nhiem-cua-ho-gia-dinh-wCfMJVqIR.html