Phân loại rác thải tại nguồn - Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác thải tại nguồn là yêu cầu bắt buộc, tuy nhiên, việc triển khai vấn đề này trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thực trạng người dân thiếu thông tin và hướng dẫn cụ thể trong việc phân loại rác là vấn đề cần được giải quyết ngay.

Được thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn gần 1 năm nay, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, các tuyến đường thực hiện thí điểm hộ dân phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn như: Lý Thái Tôn, Lý Bôn, Phan Ðình Phùng, Hoàng Diệu, Lê Lợi... thuộc Phường 2, TP Cà Mau gần như chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng túi tự hủy màu để phân biệt đây là khu vực thực hiện mô hình thí điểm. Theo ghi nhận chung, trên các tuyến phố có thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, xuất hiện rất nhiều túi màu xanh, tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các túi này cũng chỉ là dụng cụ để dựng các loại rác hỗn hợp chưa qua phân loại.

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Cà Mau thu gom rác tại các tuyến đường thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn thuộc địa bàn Phường 2, TP Cà Mau.

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Cà Mau thu gom rác tại các tuyến đường thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn thuộc địa bàn Phường 2, TP Cà Mau.

Ông Võ Phương Ðang, Ðội trưởng Ðội vệ sinh môi trường khu vực 1, Công ty Môi trường đô thị Cà Mau, cho biết: “Mặc dù đơn vị đã tuyên truyền rất nhiều về việc phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn đến các hộ dân khu vực thực hiện thí điểm mô hình như túi màu xanh dùng để đựng các loại rác hữu cơ, các túi màu khác đựng các loại rác vô cơ... thế nhưng, hầu hết các loại rác đều được người dân gom chung vào 1 túi”.

Việc thực hiện phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn của những tuyến phố thực hiện thí điểm cũng chỉ dừng lại từng đó, tại những khu vực khác trên địa bàn TP Cà Mau thì việc phân loại này gần như là câu chuyện vẫn đang bỏ ngỏ.

Bà N.K.E, ngụ Khóm 8, Phường 5, chia sẻ: “Hiện nay gia đình tôi không hề hay biết việc phân loại rác thải này như thế nào, cũng không được ai hướng dẫn phân loại. Thế nên, với các loại rác sinh hoạt hằng ngày, gia đình tôi dồn chung vào một túi, đặt vào thùng cho người thu gom”. Ðây là thực trạng chung của nhiều hộ gia đình tại các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh, đa phần các hộ dân chưa được tập huấn hay hướng dẫn rõ ràng về cách phân loại chất thải, rác sinh hoạt, người dân thiếu kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để thực hiện.

Nhiều loại chất thải, rác sinh hoạt vẫn chưa phân loại được người dân tập kết tại các tuyến chờ người thu gom.

Nhiều loại chất thải, rác sinh hoạt vẫn chưa phân loại được người dân tập kết tại các tuyến chờ người thu gom.

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, công tác triển khai hoạt động phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn của các địa phương còn chậm. Ý thức của người dân trong thực hiện phân loại chất thải, rác sinh hoạt còn hạn chế; một bộ phận người dân chưa nhận diện được các nhóm chất thải, rác sinh hoạt cần phân loại theo đúng hướng dẫn. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn ở các địa phương chưa được thực hiện. Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sau phân loại tại các địa phương triển khai thực hiện thiếu đồng bộ.

Có thể thấy, để việc phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn thực sự hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, công tác quy hoạch, bố trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải, rác sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, phù hợp quy hoạch chung của tỉnh. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động việc phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn phải quyết liệt, sâu rộng, thường xuyên đến tận người dân, nhằm từng bước hình thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày đối với người dân./.

Lê Chí

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phan-loai-rac-thai-tai-nguon-can-su-vao-cuoc-quyet-liet-hon-a37183.html