Phân loại rác thải tại nguồn: Đừng 'đánh trống bỏ dùi'
Hơn 10 năm trước, phân loại rác tại nguồn được thực hiện tại một số địa phương nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái sử dụng nguồn thải, tiết kiệm chi phí, thời gian, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Tại TP.Tân An, tỉnh Long An, lượng rác thải ra mỗi ngày khoảng 95-100 tấn. Vì vậy, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề được quan tâm.
Hơn 1 năm trở lại đây, cứ vào ngày cuối tuần, người dân khu phố Thọ Cang, phường 5, TP.Tân An lại mang các loại rác thải nhựa đến cho Chi hội Phụ nữ khu phố bán, lập quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo địa phương. Từ đây, mô hình Chai nhựa yêu thương ra đời vừa góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian thu gom, xử lý rác, vừa bảo vệ môi trường.
Lúc mới triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn, chị em phụ nữ chưa nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, các hội viên phụ nữ của khu phố, phường vẫn kiên trì đi từng nhà vận động, hướng dẫn chị em cách phân loại. “Mưa dầm thấm lâu”, việc phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen của mỗi gia đình. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 5 - Trần Thị Ngọc Hận cho biết: "Mô hình Chai nhựa yêu thương được hội viên nhiệt tình ủng hộ. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng đô thị văn minh".
TP.Tân An thực hiện thí điểm Dự án Phân loại rác tại nguồn từ năm 2008, do Tập đoàn phi Chính phủ Liên minh châu Âu phối hợp Sở Xây dựng triển khai tại phường 1, phường 2, phường 3 và phường 4. Mục tiêu của dự án nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, hướng tới bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả do công tác thu gom, xử lý rác còn bất cập. Trong khi người dân phân loại rác tại nguồn thì đơn vị thu gom lại đổ chung tất cả các loại rác vào một xe. Ông Trần Văn Thiều - người dân phường 3, bộc bạch: “Từ năm 2008-2009, việc phân loại rác tại nguồn đã thực hiện nhưng thất bại mặc dù mỗi hộ dân được phát 2 thùng chứa rác. Đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý không có phương tiện chuyên chở mà cho rác vào cùng một xe nên sau đó người dân không phân loại nữa”.
Mới đây, tỉnh phối hợp Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) - Việt Nam thực hiện lại mô hình phân loại rác tại nguồn. Phường 3, TP.Tân An được chọn làm điểm. Chị Nguyễn Thị Thanh Dung - người dân phường 3, chia sẻ: “Để người dân "mặn mà" với việc phân loại rác tại nguồn thì đơn vị thu gom phải có phương tiện chuyên chở hoặc chia thời gian để vận chuyển từng loại rác. Đơn vị xử lý phải có thêm công đoạn, phân đoạn xử lý rác sau khi người dân phân loại, có như vậy mới hiệu quả”.
“Dự kiến, cuối tháng 6/2019, khoảng 4.500 hộ dân phường 3 sẽ thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn. Phường tích cực phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện” - Bí thư Đảng ủy phường 3 - Võ Hồng Thảo thông tin.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: "Sau khi tuyên truyền sâu, rộng và tập huấn cho người dân, sẽ hỗ trợ ban đầu cho các hộ dân thùng chứa rác; hỗ trợ Công ty Cổ phần Đô thị Tân An xe thu gom rác đẩy tay để thu gom rác hữu cơ mà người dân phân loại. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đô thị Tân An sẽ tổ chức tập huấn cho nhân công, chuẩn bị phương tiện, thiết bị,... cũng như lên kế hoạch chương trình thu gom. Sở yêu cầu Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đẩy nhanh, cam kết hoàn chỉnh dây chuyền để việc xử lý rác đạt hiệu quả. Hy vọng rằng, dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn sẽ thành công".
Để mô hình phân loại rác tại nguồn của thành phố không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như trước, giữa các đơn vị tham gia phải thực hiện đồng bộ từ hoạt động phân loại tại hộ gia đình đến thu gom, tập kết, vận chuyển và xử lý. Đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa nhằm góp phần xây dựng lối sống văn minh đô thị, xây dựng Tân An trở thành đô thị phát triển theo hướng bền vững./
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/phan-loai-rac-thai-tai-nguon-dung-danh-trong-bo-dui-a76903.html