Phân loại rác thải tại nguồn: Khó cũng phải làm
Xử lý rác thải nhựa đang được lãnh đạo tỉnh và ngành TN-MT rất quan tâm. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa, giảm thải rác nhựa thì hoạt động phân loại rác thải tại nguồn là một trong những giải pháp căn cơ để công tác xử lý rác thải nhựa trên địa bàn được thuận lợi và triệt để.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai cuối tuần, Phó giám đốc Sở TN-MT TRẦN TRỌNG TOÀN cho rằng, hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đồng Nai đang phấn đấu tăng tỷ lệ thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa từ 64,8% lên 85%. Muốn đạt được mục tiêu này, cần thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.
* Đồng Nai là tỉnh đông dân, mỗi ngày phát sinh một khối lượng rác thải rất lớn. Vậy tỷ lệ rác thải nhựa trong số này là bao nhiêu và theo ông đây có phải là vấn đề đáng ngại không?
- Hiện mỗi ngày Đồng Nai phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải các loại, trong đó có gần 2 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Trong số này, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm từ 6-8% (tương đương từ 120-140 tấn/tổng lượng rác thải sinh hoạt/ngày). Rác thải nhựa bao gồm các loại: chai lọ, ly muỗng, bao bì, túi đựng hay các sản phẩm nhựa gia dụng… So với nhiều địa phương khác thì lượng rác thải nhựa ở Đồng Nai là khá lớn. Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh đông dân, với 3,2 triệu dân thì lượng rác sinh hoạt thải ra nhiều tương ứng, rác thải nhựa vì thế cũng nhiều hơn.
* Để có thể thu gom, xử lý triệt để rác thải nhựa đạt theo mục tiêu đã được đặt ra, giải pháp căn cơ nhất là thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn. Hoạt động này đã được triển khai từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa đạt như mong muốn. Theo ông nguyên nhân vì sao?
- Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 24-3-2020 của Ban TVTU về Tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh, 11 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn 100% các xã, phường về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó mở rộng phạm vi thực hiện tại 160 phường, xã thị trấn. Hiện tỷ lệ số hộ dân tham gia thực hiện phân loại rác thải tại nguồn là 43%. Tuy nhiên, khối lượng rác thải sinh hoạt sau phân loại chỉ đạt 21,5%.
Đồng Nai đang phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 15%. Do đó chỉ có phân loại rác thải tại nguồn mới có thể đạt mục tiêu này.
Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, triển khai và hoạt động truyền thông về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa thật hiệu quả; các địa phương thiếu sự đôn đốc, quyết liệt và nghiêm túc khi chưa xem hoạt động phân loại rác tại nguồn là thiết thực; phần lớn người dân chưa nhận thức được phân loại rác tại nguồn là cần thiết và ích lợi cho môi trường nên chưa duy trì hoạt động này bền vững. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, việc thiếu đồng bộ trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau phân loại, dẫn đến tỷ lệ phân loại rác tại nguồn chưa đạt như mong muốn.
* Để giải bài toàn rác thải nhựa, hạn chế tình trạng phải xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp… hướng giải quyết của ngành TN-MT sẽ như thế nào, thưa ông?
- Đồng Nai đang thực hiện bổ sung, thay đổi Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2050, trong đó tập trung nhiều giải pháp như: chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa thành sản phẩm hữu ích sử dụng trong nước và xuất khẩu; truyền thông nâng cao nhận thức người dân về tác hại của rác thải nhựa và tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức hạn chế sử dụng đồ nhựa, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, tái sử dụng đồ nhựa sau khi dùng thành các vật hữu ích khác để hạn chế thải chúng ra môi trường.
Đặc biệt là triển khai có hiệu quả 100% hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhằm giảm thiểu tổng lượng rác thải nhựa ra ngoài môi trường, từ đó hạn chế được tình trạng ô nhiễm “trắng” (ô nhiễm do rác thải nhựa) - vốn đang là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định, việc phân loại rác thải tại nguồn là bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục. Cũng theo luật này, những hộ thải bỏ lượng rác thải nhiều sẽ phải trả phí cao, ưu tiên miễn phí cho lượng rác thải đã được phân loại.
An An (thực hiện)