Phân loại rõ các công trình sửa chữa, cải tạo trong khu vực bảo vệ di tích

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ, phân loại tiêu chí, quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo, xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích; hoặc xác định tiêu chí các thủ tục hành chính, thời gian trả lời đối với từng loại hình công trình.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 27/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo dự thảo Luật, khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích, chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng công trình chỉ được thực hiện khi có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng (đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới); của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia); của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh.

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ và phân loại tiêu chí, quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo trong khu vực bảo vệ di tích; hoặc xác định được tiêu chí về các thủ tục hành chính, thời gian trả lời đối với từng loại công trình trong khu vực bảo vệ di tích.

Bởi khi thực hiện sửa chữa, cải tạo có những công trình nhỏ, mang tính cấp bách nhằm bảo vệ di tích như sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước, lắp đặt các cột thu lôi hay cột phát sóng trong khu vực bảo vệ hai của các di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt rất cần được phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện để kịp thời bảo vệ di tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định, tại khu vực bảo vệ 2 của di tích, được sửa chữa, cải tạo, xây dựng các công trình kinh tế-xã hội nhưng phải có ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh như phân loại ở trên.

Theo đại biểu Hà, cần nghiên cứu quy định cụ thể các công trình kinh tế-xã hội nào chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để bảo đảm Luật thực hiện được đúng và đầy đủ sau khi ban hành.

Đồng thời, cũng cần quy định rõ việc đầu tư, xây dựng công trình kinh tế-xã hội trong khu vực bảo vệ 2 của di tích có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến di tích để làm cơ sở quy định về việc lấy ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu cơ quan chuyên môn văn hóa cấp tỉnh.

Điều 30 dự thảo Luật quy định khi phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích quy định thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa.

Trường hợp dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực di sản thế giới, vùng đệm của khu vực di sản thế giới phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát, đánh giá các yếu tố tác động tới di sản thế giới theo quy định của Luật này và quy định của UNESCO.

Nữ đại biểu đoàn Quảng Ninh cho rằng, quy định trên sẽ khiến các công trình đầu tư, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài vùng đệm của di sản thế giới khó có thể triển khai được, không thu hút đầu tư vào địa phương có loại hình di sản này.

Do vậy, cần quy định rõ tại dự thảo Luật các tiêu chí để đánh giá, xác định việc có thể tác động đến di sản thế giới đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài vùng đệm của di sản; xem xét giao thẩm quyền đối với các công trình, dự án nằm ngoài vùng đệm của di sản, di tích cho UBND cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Quan tâm đến di sản văn hóa dưới nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, với 3.260km bờ biển và có trên 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn, nhỏ, gần và xa bờ với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều mưa bão, nằm trên con đường hàng hải nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Việt Nam có tiềm năng to lớn về di sản văn hóa dưới nước, có vị thế đặc biệt trong giao lưu kinh tế và văn hóa với các nước, sớm tham gia con đường thương mại trên biển.

Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một điều quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước từ việc luật hóa quy định tại Nghị định số 86/2005 của Chính phủ.

Đồng thời, bổ sung quy định về thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản chìm đắm là di sản văn hóa tại Điều 39 dự thảo Luật để bảo đảm cơ chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước.

VĂN TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phan-loai-ro-cac-cong-trinh-sua-chua-cai-tao-trong-khu-vuc-bao-ve-di-tich-post827125.html