Phân loại xanh - 'chìa khóa' dẫn dòng vốn vào tăng trưởng bền vững

Theo TS. Michaela Baur, Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, phân loại xanh là yếu tố then chốt giúp định hướng các dòng vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh, đồng thời là công cụ quan trọng để Việt Nam tiếp cận hiệu quả các nguồn tài chính xanh toàn cầu.

Dư nợ tín dụng xanh tăng trên 21,2%/năm

Tại Tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 21/5, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu đối với mọi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Thời gian qua, vấn đề về tăng trưởng xanh được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy, đặc biệt là thông qua Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia các giai đoạn 2011 - 2020, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Tọa đàm thu hút 500 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Ban Tổ chức

Tọa đàm thu hút 500 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Ban Tổ chức

Xác định vốn tín dụng là lực đẩy quan trọng để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đã chủ động vào cuộc từ rất sớm. Ngay từ năm 2015, NHNN đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào các văn bản chỉ đạo công tác tín dụng, ban hành Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Cùng với đó, NHNN cũng đặt mục tiêu từng bước nâng tỷ trọng tín dụng dành cho các dự án xanh, phát triển mô hình ngân hàng xanh thông qua các chiến lược và đề án của ngành. Các giải pháp được triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức và năng lực thực thi của toàn hệ thống đối với tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, năm 2023, NHNN ban hành Kế hoạch hành động toàn ngành triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Sau gần hai năm triển khai, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nhận thức về phát triển bền vững trong hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều tổ chức tín dụng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, chủ động huy động và phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực xanh. Nhờ đó, quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Tính đến 31/3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (chiếm hơn 37%), nông nghiệp xanh (trên 29%). Trong giai đoạn 2017 - 2024, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt trên 21,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung.

Cùng với đó, công tác đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cũng có bước tiến đáng kể. NHNN cho biết, đến cuối quý I/2025, có 57 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường - xã hội với dư nợ đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, số món vay được đánh giá rủi ro môi trường - xã hội đã đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với năm 2017, khi hoạt động này mới bắt đầu triển khai.

Xây dựng hệ thống phân loại xanh quốc gia là nhiệm vụ cấp thiết

Dù vậy, theo đánh giá của NHNN, kết quả này chưa cao, nhiều tổ chức tín dụng đến nay vẫn chưa phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Nguyên nhân là do thiếu khung pháp lý về Danh mục xanh; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế; thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng; việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn hạn chế.

Đưa ra khuyến nghị cho giai đoạn sắp tới, TS. Michaela Baur, Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam nhấn mạnh, phân loại xanh là yếu tố then chốt giúp định hướng các dòng vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh, đồng thời là công cụ quan trọng để Việt Nam tiếp cận hiệu quả các nguồn tài chính xanh toàn cầu.

Bà cho biết, từ năm 2017, theo ủy thác của Chính phủ Đức, GIZ đã phối hợp với NHNN xây dựng “Báo cáo thống kê tín dụng xanh” - một phiên bản tiền đề cho hệ thống phân loại xanh chuyên biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Báo cáo này không chỉ giúp theo dõi, mà còn thúc đẩy các hoạt động cấp tín dụng cho lĩnh vực thân thiện với môi trường.

Theo TS. Michaela Baur, trong giai đoạn tiếp theo của Chiến lược tăng trưởng xanh, việc xây dựng một hệ thống phân loại xanh quy mô quốc gia là nhiệm vụ cấp thiết. Hệ thống này cần được áp dụng rộng rãi cho cả khu vực ngân hàng và thị trường vốn; đồng thời phải phù hợp với hệ thống phân loại ngành kinh tế quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, phân loại xanh cũng cần tạo nền tảng pháp lý vững chắc để xây dựng các chính sách ưu đãi về tài chính xanh, đồng thời bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

“GIZ đang tích cực phối hợp với NHNN và các bộ, ngành liên quan để xây dựng hệ thống phân loại xanh quốc gia. Dự kiến, hệ thống này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025”, TS. Michaela Baur cho biết.

Khẳng định năm 2025 là cột mốc quan trọng đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn phục vụ chuyển đổi xanh.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phan-loai-xanh-chia-khoa-dan-dong-von-vao-tang-truong-ben-vung-10373244.html