Phần lớn lượng khí thải CO2 gần đây có thể chỉ liên quan đến 57 nhà sản xuất
Phần lớn lượng khí thải carbon dioxide (CO2) làm nóng hành tinh kể từ năm 2016 có thể bắt nguồn từ một nhóm chỉ gồm 57 nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch và xi măng.
Báo cáo ‘Các nguồn carbon chính’ của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận InfluenceMap cho biết, từ năm 2016 đến năm 2022, 57 đơn vị bao gồm các quốc gia, công ty quốc doanh và công ty cổ phần/tư nhân đã tạo ra 80% lượng khí thải CO2 trên thế giới từ nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng.
Báo cáo cho biết, 3 công ty phát thải CO2 hàng đầu thế giới trong giai đoạn này là Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và Công ty khai thác than Nhà nước Ấn Độ Coal India.
Báo cáo cho thấy hầu hết các công ty đã mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2015, đây là năm mà gần như tất cả các quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris của Liên hợp quốc, cam kết hành động nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.
Kể từ đó, trong khi nhiều chính phủ và công ty đặt ra các mục tiêu phát thải khắt khe hơn và nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo, các công ty này lại sản xuất và đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, khiến lượng khí thải tăng lên.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
InfluenceMap cho biết, những phát hiện của họ cho thấy một nhóm tương đối nhỏ các nguồn phát thải chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải CO2 đang diễn ra và nghiên cứu nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch về việc chính phủ và công ty nào đang gây ra biến đổi khí hậu.
“Nghiên cứu có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, từ các quy trình pháp lý nhằm buộc các nhà sản xuất này phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do khí hậu hoặc có thể được các học giả sử dụng để định lượng sự đóng góp bởi các nhóm chiến dịch hoặc thậm chí bởi các nhà đầu tư”, Daan Van Acker, InfluenceMap Giám đốc InfluenceMap cho biết về báo cáo.
Cơ sở dữ liệu này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 bởi tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Accountability Institute. Dữ liệu cũng kết hợp các dữ liệu tự báo cáo của các công ty về sản xuất than, dầu và khí đốt với các nguồn như Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), hiệp hội khai thác quốc gia và dữ liệu ngành khác.
Carroll Muffett, Giám đốc điều hành của Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL) cho biết cơ sở dữ liệu sẽ cải thiện khả năng của các nhà đầu tư và kiện tụng trong việc theo dõi hành động của các công ty theo thời gian.