Phần lớn người Mỹ nhận ra chiến tranh Iraq là một sai lầm

Hai thập kỷ sau khi Mỹ tấn công Iraq, phần lớn người Mỹ nhận ra chiến tranh Iraq là một sai lầm, theo một cuộc thăm dò mới của Axios/Ipsos.

Cố ngoại trưởng Mỹ Colin Powell.

Cố ngoại trưởng Mỹ Colin Powell.

Trong khi vào năm 2003, 2/3 người Mỹ tán thành hành động quân sự tại Iraq, nhưng hiện nay 61% tin rằng đó là một quyết định sai lầm.

Khi cuộc tấn công trên bộ của Mỹ vào Iraq bắt đầu ngày 20/3/2003, chỉ 26% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò của Pew phản đối hành động quân sự nhằm lật đổ chính phủ của ông Saddam Hussein.

Sự ủng hộ chênh lệch nhiều bởi đảng phái chính trị, 83% đảng viên Cộng hòa ủng hộ so với 52% đảng viên Dân chủ.

Sự chia rẽ đó vẫn tồn tại hai thập kỷ sau đó, 58% đảng viên Cộng hòa vẫn cho rằng Mỹ có quyền tấn công và chỉ 26% đảng viên Đảng Dân chủ vẫn cho rằng đó là một ý kiến hay.

Đa số người Mỹ (67%) không tin rằng cuộc chiến ở Iraq khiến nước Mỹ trở nên an toàn hơn, theo cuộc thăm dò của Ipsos, được tiến hành vào tuần trước với 1.018 người Mỹ trên 18 tuổi.

Tuy nhiên, khoảng 3/4 người Mỹ cho biết họ muốn Mỹ tiếp tục là "nhà lãnh đạo toàn cầu" và 54% tin rằng "sự tập trung" chung của Washington vào quốc phòng và an ninh nội địa trong 2 thập kỷ qua đã giúp Mỹ an toàn hơn.

Phần lớn sự ủng hộ ban đầu cho cuộc chiến dựa trên những tuyên bố sai sự thật của chính quyền Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush và giới truyền thông về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq.

Mặc dù nội các Tổng thống Bush bấy giờ chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng rằng ông Hussein đã đóng một vai trò nào đó trong vụ tấn công 11/9, nhưng dù sao 57% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò của Pew năm 2003 cũng chia sẻ niềm tin này. Khoảng 44% số người được hỏi vẫn không chắc ai đã “đúng” về cuộc chiến.

Iraq thời hiện đại khác xa với thiên đường dân chủ mà người dân của họ đã được nghe hứa khi ông Bush tuyên bố “sứ mệnh đã hoàn thành” vào năm 2003. Cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq sau đó đã dẫn đến cái chết của ít nhất 210.000 thường dân, theo báo cáo của Ủy ban Dự án Đếm thi thể Iraq.

Rơi vào tình trạng bất ổn, Iraq trở thành nơi sản sinh ra chủ nghĩa thánh chiến và phần lớn các vùng phía bắc của Iraq nằm dưới sự kiểm soát của những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS, trước đây là ISIS) sau khi Mỹ rút quân một phần vào năm 2011.

Khoảng 2.500 lính Mỹ vẫn đóng quân ở đó nhiều năm sau khi chính phủ Iraq ra lệnh cho họ rời đi. Theo dữ liệu của Lầu Năm Góc từ năm 2019, tổng thiệt hại của quân nhân Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến ở Iraq lên tới 4.487 người.

Theo RT

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phan-lon-nguoi-my-nhan-ra-chien-tranh-iraq-la-mot-sai-lam-post630753.html