'Phân luồng' chống COVID-19 ở Hà Nội và kinh nghiệm từ EU
Hôm nay, ngày 6/9, Hà Nội bước vào giai đoạn chống dịch mới – việc giãn cách xã hội được thực hiện không đồng nhất trên toàn thành phố mà theo 3 vùng: xanh, vàng, đỏ với các biện pháp ứng phó khác nhau.
Ngày 3/9, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đến ngày 21/9.
Theo đó, Vùng 1 (màu đỏ) tiếp tục áp dụng việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng một số biện pháp ở mức cao hơn. Vùng 2 (màu vàng) thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg cùng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt. Vùng 3 (màu xanh) thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg cùng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ Thông điệp 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.
"Phân luồng" dịch ở Tây Ban Nha và EU
Phân vùng dịch COVID-19 hay hiển thị mức độ nguy cơ đối với từng địa phương bằng màu sắc không phải là sản phẩm của Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng.
Tây Ban Nha từng là điểm rất nóng của dịch COVID-19 ở châu Âu và trên thế giới, đứng thứ ba sau Mỹ và Italy. Tính đến đầu tháng 9/2021, nước này có hơn 4,87 triệu người mắc và gần 85.000 ca tử vong. Chính quốc gia này đi tiên phong ở châu Âu trong việc phân chia vùng dịch.
Mọi việc bắt đầu từ ngày 31/1/2020, khi một du khách Đức đến nghỉ tại đảo La Gomera và phát bệnh. Đến ngày 13/3, dịch lan ra trên tất cả 50 tỉnh của Tây Ban Nha; đến ngày 19/5, nước này có 277.719 ca mắc, 195.945 ca nghi nhiễm và 27.650 trường hợp tử vong.
Do dịch bùng phát nhanh như vậy, Chính phủ Tây Ban Nha phải áp dụng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ ngày 14/3/2020 và sau đó nhiều lần gia hạn.
Trong thời gian tình trạng khẩn cấp được ban bố, các địa điểm tập trung đông người cũng như các nhà hàng bị đóng cửa, các hoạt động quần chúng bị hủy bỏ. Chỉ có hệ thống siêu thị và một số cửa hàng lương thực – thực phẩm nhỏ lẻ, chợ, hiệu thuốc, cơ sở y tế, nhà ga, sân bay, bưu điện… được phép hoạt động ở mức cần thiết. Người dân bị hạn chế di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, chỉ được phép rời nhà để đi làm, mua lương thực, thuốc men và để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu như đi chữa bệnh, đến ngân hàng…
Những ai vi phạm bị phạt từ 600 đến hơn 10.000 euro hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ sau một thời gian ngắn, cảnh sát "sở hữu" tới 600.000 biên bản phạt hành chính. Người nhập cảnh phải cách ly bắt buộc trong vòng 2 tuần…
Chính phủ Tây Ban Nha đề ra kế hoạch chi tiết để đưa đất nước trở lại tình trạng "bình thường mới" gồm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài ít nhất 2 tuần. Việc nới lỏng tình trạng khẩn cấp ở mỗi tỉnh bắt đầu từ ngày 4/5/2020, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại địa bàn.
Giai đoạn số không là thời gian chuẩn bị. Trong giai đoạn này, trẻ em dưới 14 tuổi mỗi ngày được phép dạo chơi 1 giờ với sự kèm cặp của một người lớn. Mọi người có thể chơi thể thao ngoài trời một mình hay cùng với những người sống trong một căn hộ. Một số cơ quan, nhà hàng bán món ăn mang về được mở cửa trở lại.
Ở giai đoạn một, những điểm kinh doanh nhỏ, phòng tập thể thao, khách sạn bắt đầu hoạt động trở lại cùng với việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Việc đi lễ ở nhà thờ được phép nhưng rất hạn chế. Ngành chế biến lương thực – thực phẩm và đánh cá hoạt động trở lại nhưng với điều kiện không được dịch chuyển ra ngoại tỉnh.
Ở giai đoạn hai, cùng với việc tuân thủ giãn cách xã hội, các quán cà phê và nhà hàng có không gian khép kín được phép mở cửa, các rạp chiếu phim và triển lãm hoạt động trở lại. Người theo đạo có thể đến cầu nguyện ở nhà thờ với số lượng đông hơn.
Ở giai đoạn ba, giai đoạn cuối cùng, việc hạn chế đi lại được nới lỏng nhưng mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang và tiếp tục tuân thủ các quy định giãn cách xã. hội. Trường học, ngoại trừ các lớp cuối cấp, vẫn bị đóng cửa cho đến ngày 6/9.
Từ ngày 18/5/2020, phần lớn các tỉnh ở Tây Ban Nha, nơi có 32 triệu người (tức 70% dân số cả nước) đã chuyển từ giai đoạn số không sang giai đoạn một của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trong khi đó, thủ đô Madrid và vùng đô thị Madrid, thành phố Barcelona và tỉnh cùng tên, một phần của tỉnh Castilla và tỉnh Léon vẫn ở lại giai đoạn số không do số ca mắc còn cao. Tuy nhiên, một số biện pháp nới lỏng tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng, chẳng hạn, cho phép mở cửa các cửa hàng có diện tích 400m2, các thư viện và viện bảo tàng. Trong khi đó, một số hòn đảo của Tây Ban Nha đã chuyển ngay sang giai đoạn hai.
Để người dân và doanh nghiệp đồng tình với chính quyền về việc "ai ở đâu, ở yên đó", Chính phủ Tây Ban Nha đã thực hiện nhiều biện pháp an sinh xã hội và hỗ trợ, trợ cấp.
Tây Ban Nha từng bị Liên minh châu Âu (EU) liệt vào "vùng đỏ" với những hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt. Đến lượt mình, khi đã trở thành "vùng xanh", từ ngày 23/11/2020, Tây Ban Nha dựng lên hàng rào vô hình đối với những công dân từ quốc gia "vùng đỏ" – chỉ cho phép họ nhập cảnh khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Hội đồng Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Hội đồng Bộ trưởng của EU) ngày 1/2/2021 đã bổ sung khái niệm mới trong việc phân chia thế giới theo màu sắc tùy thuộc vào tình hình dịch tế.
Theo đó, những quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 được hiển thị bằng màu đỏ sẫm ("đỏ đậm đặc"). Chính phủ các nước thành viên EU cần khuyến cáo công dân mình không đi tới các nước được "tô màu" đỏ hay đỏ sẫm. Công dân từ các nước thuộc diện "màu đỏ" hay "đỏ sẫm" khi nhập cảnh vào EU phải có giấy báo kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và phải bị cách ly.
Hằng tuần, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của EU công bố số liệu dịch tễ của các nước cũng như "tô màu" cho các quốc gia.
"Vùng xanh" là các nước có dưới 25 ca bệnh trên 100.000 dân trong vòng 2 tuần và các ca dương tính chiếm chưa tới 4% trong tổng số mẫu xét nghiệm. "Vùng da cam" là các nước có dưới 50 ca bệnh trên 100.000 dân trong vòng 2 tuần và các ca dương tính chiếm 4% trong tổng số mẫu xét nghiệm. "Vùng đỏ" là các nước có 50 ca bệnh (trở lên) trên 100.000 dân trong vòng 2 tuần và các ca dương tính chiếm hơn 4% trong tổng số mẫu xét nghiệm, hay hơn 150 ca nhiễm được khẳng định trong tổng số 100.000 mẫu xét nghiệm.
"Vùng xám" là các nước không cung cấp đủ thông tin về dịch bệnh hay có dưới 300 mẫu xét nghiệm trên 100.000 dân. "Vùng đỏ sẫm" là các nước trong vòng 2 tuần có hơn 500 ca bệnh mới trên 100.000 dân.
Vùng xanh, đỏ theo quy định của Việt Nam
Khái niệm "vùng xanh, vùng đỏ" để phân biệt nguy cơ của mỗi địa phương trước dịch COVID-19 hiện nay đã trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam.
Trong số 19 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, Sóc Trăng là địa phương đầu tiên ngừng thực hiện việc giãn cách xã hội trên toàn tỉnh, cho phép các đơn vị cấp huyện tùy tình hình thực tiễn mà đưa ra phương pháp chống dịch phù hợp.
Về chiến lược bảo vệ "vùng xanh", tấn công "vùng đỏ", Bình Dương là địa phương áp dụng một cách bài bản, quyết liệt nhất. Hai "vùng đỏ đậm" là thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên được áp dụng cách thức "thắt mạnh, khóa chặt" đến hết ngày 15/9, tức là phong tỏa chặt cả bên trong lẫn bên ngoài theo tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Dựa trên kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng, các địa phương sẽ phân ra các khu vực gồm: khu vực có nguy cơ rất cao ("vùng đỏ"), khu vực có nguy cơ cao ("vùng vàng"), khu vực có nguy cơ thấp ("vùng xanh").
Việc "phân luồng" các khu vực trong chiến lược phòng, chống dịch ở Việt Nam dựa vào tiêu chí nào?
Theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành "Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19 có nêu cụ thể 4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc:
Màu xanh: mức bình thường mới; màu vàng: mức nguy cơ; màu cam: mức nguy cơ cao: màu đỏ: mức nguy cơ rất cao.
Mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ) được xác định khi có một trong số các yếu tố dịch tễ sau: Cấp xã có chùm F0 chưa rõ nguồn lây. Cấp huyện có 30% số xã có nguy cơ cao trở lên nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc có 50% số xã trở lên có nguy cơ cao. Cấp tỉnh có trên 30% số huyện có nguy cơ rất cao và nằm rải rác trên địa bàn tỉnh hoặc có 50% số huyện trở lên có nguy cơ cao.
Hoặc cấp xã có ca F0 xác định được nguồn lây nhiễm từ khu công nghiệp, trường học, siêu thị lớn và các khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết. Cấp huyện có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trên 50% số xã. Cấp tỉnh có ổ dịch lớn khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trên 50% số huyện và lây sang tỉnh khác.
Mức "Nguy cơ cao" (vùng cam) là những xã, huyện, tỉnh chưa thuộc mức "Nguy cơ rất cao" nhưng được đánh giá là có mức "Nguy cơ cao" khi có một trong số các yếu tố dịch tễ sau: Cấp xã có ca F0 chưa rõ nguồn lây. Cấp huyện có 30% số xã trở lên có nguy cơ cao nằm rải rác trên địa bàn huyện, hoặc có 50% số xã trở lên ở mức độ nguy cơ, hoặc có 1 xã có nguy cơ rất cao. Cấp tỉnh có 50% số huyện trở lên ở mức độ nguy cơ hoặc có 2 huyện trở lên ở mức độ nguy cơ cao hoặc có 1 huyện có nguy cơ rất cao.
Hoặc cấp xã có F0 xác định được nguồn lây trong nhà máy, cơ sở sản xuất - kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện... có nguy cơ lây nhiễm cao. Cấp huyện có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh ở trên 20% số xã. Cấp tỉnh, diễn biến dịch có tình huống bất thường chưa lường trước được trong khi năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị chưa đảm bảo và chưa đáp ứng được ngay, cần tạm thời đặt trong trạng thái nguy cơ cao hơn.
Mức "Nguy cơ" (vùng vàng) là những xã, huyện, tỉnh chưa thuộc mức "Nguy cơ cao" nhưng được đánh giá là mức "Nguy cơ" khi có một trong số các yếu tố dịch tễ sau: Cấp xã có ca F0 xác định được nguồn lây trong cộng đồng. Cấp huyện trong vòng 14 ngày có số F0 xác định được nguồn lây vượt tỷ lệ 1/100.000 người. Cấp tỉnh trong vòng 14 ngày số F0 xác định được nguồn lây vượt tỷ lệ 1/100.000 người.
Hoặc cấp xã có F1, người đi về từ vùng dịch trong nhà máy, cơ sở sản xuất - kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện... có nguy cơ lây nhiễm cao; liền kề với xã hoặc địa bàn nguy cơ cao và có điều kiện qua lại thuận tiện; có nguy cơ xâm nhập cao từ nhập cảnh trái phép và cách ly nhiều. Cấp huyện có xã ở mức độ nguy cơ rất cao hoặc 20% xã có nguy cơ cao, hoặc 30% xã có nguy cơ, hoặc có từ 20% số xã ở mức độ có nguy cơ. Cấp tỉnh có 50% số huyện có nguy cơ hoặc 30% số huyện có nguy cơ cao, hoặc có từ 2 huyện có nguy cơ rất cao.
Mức độ bình thường mới (vùng xanh) bao gồm những xã, huyện, tỉnh không thuộc các vùng nêu trên.
Việc xác định vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng, vùng xanh rất quan trọng, tùy thuộc vào diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn mà chính quyền các cấp xem xét, quyết định mức độ nguy cơ phù hợp để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng.
Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, bảng màu dịch tễ của Thủ đô có ba màu: xanh, vàng và đỏ.
Cụ thể, Vùng 1 (màu đỏ): Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Phạm vi: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô. Đây chủ yếu là vùng nội đô.
Vùng 2 (màu vàng) thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt. Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Đây là vùng phía Bắc và Đông sông Hồng.
Vùng 3 (màu xanh): Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ Thông điệp 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch. Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 05 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy. Đây là khu vực Tây và Nam của thành phố.
Bên cạnh việc "phân màu" cho các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tiếp tục kêu gọi sự đồng lòng của các cấp, ngành, của mọi người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Đây là nền tảng chung của mọi chiến lược chống dịch ở Việt Nam, như Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ khẳng định: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ".