Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở - Vấn đề cần quan tâm

Mặc dù công tác phân luồng học sinh sau THCS có chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Việc phân luồng học sinh sau THCS chỉ đạt mức bình quân 16-18%/năm. Đơn cử năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS toàn tỉnh không vào học THPT và bổ túc THPT chiếm 17,3%. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS được coi là giải pháp tích cực của ngành GD và ĐT nhằm phát triển hợp lý nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo bậc THPT cho ngành Giáo dục và xã hội. Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-5-2018 đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Học sinh Trường THCS Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng) với sản phẩm "Máy thái rau, củ, quả đa năng" được trưng bày tại hội thi KHKT cấp tỉnh năm học 2019-2020.

Toàn tỉnh có 230 trường THCS với hơn 24 nghìn học sinh lớp 9. Hiện tại các trường đã hoàn thành việc hoàn thiện hồ sơ tốt nghiệp THCS cho học sinh và tổ chức cho các em ôn thi vào lớp 10 THPT theo chỉ đạo của Sở GD và ĐT cũng như thực hiện kế hoạch phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Thời gian qua, công tác phân luồng học sinh sau THCS ở tỉnh ta đạt được một số kết quả nhất định. Trong các năm học, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm khoa học nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh khối THCS. Tăng cường các hoạt động hướng nghiệp qua các hình thức trải nghiệm, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai hoạt động giáo dục STEM trong các nhà trường. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT đã xây dựng hướng dẫn giảng dạy hoạt động giáo dục hướng nghiệp cấp THCS hàng năm. Tháng 3-2020 Sở GD và ĐT có công văn hướng dẫn triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Nội dung hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch, giáo viên xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giáo dục hướng nghiệp có nội dung tích hợp sát với thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh sau THCS. Một số đơn vị đã có sáng tạo trong giáo dục hướng nghiệp cho học sinh như: Học tại cơ sở sản xuất; mời chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất thỉnh giảng; tổ chức Ngày hội STEM,… Tiêu biểu như Trường THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực), Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh)…

Mặc dù công tác phân luồng học sinh sau THCS có chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Việc phân luồng học sinh sau THCS chỉ đạt mức bình quân 16-18%/năm. Đơn cử năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS toàn tỉnh không vào học THPT và bổ túc THPT chiếm 17,3%. Phần lớn các trường THCS đều có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, thậm chí có trường lên tới hơn 85%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học sơ cấp và trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp thấp; còn một bộ phận học sinh tốt nghiệp THCS tham gia thị trường lao động mà không qua đào tạo, làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động. Kết quả phân luồng thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đã đặt ra. Năm học 2019-2020, Trường THCS Trực Mỹ (Trực Ninh) có 54 học sinh khối 9. Thực hiện công tác phân luồng, trong buổi họp phụ huynh nhà trường tuyên truyền về công tác phân luồng; mời các trường nghề về tư vấn cho học sinh và phụ huynh tại trường, các trung tâm dạy nghề cử người đến tận gia đình học sinh để tư vấn cho phụ huynh về việc học nghề. Hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm đều lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các tiết sinh hoạt để các em hiểu rõ về năng lực, sở trường của bản thân cũng như xu hướng, nhu cầu nghề nghiệp việc làm của xã hội. Nhiều học sinh tiếp nhận thông tin rất tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, năm học 2019-2020, tỷ lệ phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS của trường mới chỉ đạt 16,7%. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý của phần lớn phụ huynh vẫn nặng nề là “Không ai muốn con mình làm thợ”, và “Đại học là con đường duy nhất”. Và nhiều bậc phụ huynh cho rằng, con mới học hết lớp 9, còn quá nhỏ để theo học nghề. Đối với các trường hợp năng lực học của con quá yếu, không đỗ vào trường THPT thì mới chọn học tại trung tâm GDNN-GDTX hoặc học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Mặt khác nhìn chung ở độ tuổi học hết bậc THCS, khả năng độc lập để lựa chọn con đường lập nghiệp hợp với năng lực và sở thích cá nhân của nhiều em không rõ, phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, do cha mẹ quyết. Do vậy, việc định hướng nghề nghiệp không dựa vào năng lực, sở thích của học sinh mà dựa theo phong trào và ý kiến người thân trong khi nhiều phụ huynh lại chưa hoặc ít được tiếp cận với các thông tin cập nhật về thị trường lao động để có sự lựa chọn phù hợp. Đó gần như là nguyên nhân quan trọng nhất khiến công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn gặp khó khăn phải tốt nghiệp THPT và tiếp tục học lên để có bằng đại học, cao đẳng thì “cánh cửa” để các em bước vào đời mới rộng mở. Tại Trường THCS Điền Xá (Nam Trực), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100% với chất lượng khá cao. Chất lượng giáo dục của trường nhiều năm liền xếp nhất, nhì huyện về tỷ lệ đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Với kết quả trên, phần lớn các em lựa chọn thi vào lớp 10 trường THPT. Để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, nhà trường tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh về sự cần thiết phải hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS. Do xã có nghề trồng hoa, cây cảnh nên nhà trường chỉ rõ ngành nghề, lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương và nhu cầu nhân lực làm nghề mà địa phương đang thiếu, từ đó định hướng, tư vấn cho học sinh và gia đình, giúp các gia đình có hướng đầu tư hợp lý cho con học nghề hay học văn hóa để đảm bảo đầu ra cho học sinh lớp 9 cũng như nguồn lao động cho nghề truyền thống của địa phương. Từ việc định hướng tốt giúp tổ chức công tác ôn thi vào lớp 10 một cách hiệu quả cũng như hỗ trợ các trường, cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh. Mặc dù vậy năm học 2019-2020, trường có 186 học sinh lớp 9, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thi vào THPT đạt 86%, tỷ lệ học sinh đi học GDTX và GDNN chỉ đạt 14%, chưa đạt chỉ tiêu.

Để làm tốt công tác phân luồng học sinh, thời gian tới ngành GD và ĐT cần phối hợp với các ngành chức năng để có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Trước tiên cần phải giúp học sinh, phụ huynh hiểu rõ hơn về giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, thị trường lao động, nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay và trong tương lai. Sở GD và ĐT tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh và cả giáo viên phụ trách tư vấn hướng nghiệp ở các trường. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp và tư vấn phân luồng học sinh. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung giáo dục hướng nghiệp. Chú trọng cung cấp thông tin nghề nghiệp cho các em, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà trường với cơ sở đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phụ trách tư vấn, hướng nghiệp ở các trường THCS. Huy động các nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo nghề, giáo dục hướng nghiệp và tư vấn học sinh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202007/phan-luong-hoc-sinh-sau-trung-hoc-co-so-van-de-can-quan-tam-2538565/