Phân luồng hướng nghiệp: Chữ ký quyết định cuộc đời

Những ngày qua, thông tin một số trường THCS 'ép' học sinh lớp 9 có học lực yếu, kém không thi lên lớp 10 khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Phản ánh từ dư luận cho thấy, công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh đang bị biến tướng.

Từ hướng nghiệp trở thành ép buộc

Phân luồng, hướng nghiệp học sinh ở cấp THCS là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và đang được các trường triển khai thực hiện. Kết thúc chương trình lớp 9, học sinh có thể lựa chọn tham gia học ở các cơ sở giáo dục nghề vừa học văn hóa vừa học nghề nghiệp phù hợp với năng lực, trình độ.

Tuy nhiên, do cách làm không đúng dẫn đến tình trạng “ép” học sinh lớp 9 có học lực yếu, kém không thi vào lớp 10 THPT mà chuyển hướng học trường nghề hoặc trường dân lập.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021.

Liên tiếp phản ánh của phụ huynh trên mạng xã hội vừa qua cho thấy một thực tế trong nhiều năm qua, một số nơi việc phân luồng hướng nghiệp trở thành việc ép buộc, gây nhức nhối xã hội.

Tại Hà Nội, ngay sau khi có thông tin về việc một số trường THCS trên địa bàn ngăn cản việc thi vào lớp 10 đối với những học sinh có học lực không tốt được lan truyền trên mạng xã hội, một giáo viên cũng chia sẻ tâm thư về tình trạng ngay ở ngôi trường giáo viên này công tác.

Thầy giáo này cho biết: “Hàng năm, cứ vào dịp này là các trường THCS của Hà Nội lại cấp tập làm công tác hướng nghiệp. Gọi là hướng nghiệp cho lịch sự chứ họ làm công tác chặn đường thi, cấm học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 THPT”.

Theo Bộ GDĐT, những đồn đoán này đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là vào thời điểm chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội. Đây cũng là dịp các trường THCS của Hà Nội làm công tác hướng nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số trường THCS trên địa bàn ngăn cản việc thi vào lớp 10 đối với những em học sinh được cho là có học lực không tốt, nhằm tạo ra thành tích ảo cho nhà trường.

Không riêng Hà Nội, cô giáo Nguyễn Cao Phương Thảo ở Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (Đà Nẵng) cũng tự lên tiếng thừa nhận rằng, chính cô là một trường hợp đã từng ép học sinh ký cam kết không thi vào lớp 10 với những em có nguy cơ không đủ điều kiện tốt nghiệp THCS.

Về vấn đề này, ông Mai Tuấn Linh, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Đà Nẵng khẳng định, theo quy định của ngành giáo dục, không có yêu cầu học sinh có học lực chưa tốt không được thi lớp 10 THPT. Tất cả các em đều có quyền được học và dự thi.

Theo ông Linh, buộc học sinh có học lực chưa tốt viết cam kết không thi vào lớp 10 là việc tự ý làm của giáo viên, không có ai chỉ đạo triển khai như vậy. Nếu giáo viên làm sai thì giáo viên phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.

Trường phổ thông chưa đủ năng lực hướng nghiệp

Với nhiều học sinh lớp 9 có học lực không tốt, việc định hướng của thầy cô đã giúp các em có hướng đi đúng đắn.

Chị Nguyễn Thị Ngân (quận Ba Đình), phụ huynh học sinh lớp 10, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ về quyết định không thi tốt nghiệp THCS của con trai mình. Chị Ngân nói, thời điểm con trai chị học lớp 9, thấy điểm kiểm tra của con toàn 2 với 4 điểm, chị Ngân “ngã ngửa”. Cho rằng con mình “vô phương cứu chữa” nên chị đã đến nhờ cô giáo chủ nhiệm của con khuyên nhủ.

Chị Ngân tâm sự: “Cô giáo nói với tôi, cô không muốn bất cứ học sinh nào bị tước quyền thi chuyển cấp nên động viên gia đình về kèm cặp con cố gắng ôn tập và thi tốt. Tuy nhiên, sau nhiều lần nghe tôi nài nỉ, cô giáo đã chỉ cho tôi phương án lựa chọn cho con vào trường THPT dân lập và không thi tốt nghiệp THCS”.

Thời điểm đó, cả chị Ngân và con trai đều thấy nhẹ cả người. Chị Ngân cho hay, con trai chị học ở trường mới rất vui, có hứng thú trong học tập và có nhiều tiến bộ.

Đấy là may mắn của con trai chị Ngân. Tuy nhiên, thực tế có nhiều học sinh lớp 9 có học lực không tốt vẫn thi đỗ vào trường THPT công lập, rồi thi đỗ vào trường đại học tốp trên.

Thí sinh dự thi vào 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021.

Thí sinh dự thi vào 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021.

Do hồi học lớp 9 lười học, ham chơi nên Nguyễn Thị Ngọc Anh (Đắk Lắk) nhiều lần được một thầy giáo khuyên nhủ và khẳng định em không thể thi đỗ trường cấp 3 công lập. Lời khuyên của thầy khiến Ngọc Anh suy nghĩ, buồn lòng trong suốt thời gian dài. Sau đó, em quyết định vẫn thi tốt nghiệp THCS. Kết quả là Ngọc Anh không chỉ đỗ vào trường cấp 3 công lập mà còn đủ điểm vào lớp chọn của trường.

Một chữ ký cam kết không thi vào lớp 10 THPT sẽ quyết định cuộc đời, nghề nghiệp trong tương lai của nhiều học sinh. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên “ép” học sinh có học lực yếu, kém không thi vào lớp 10 là do tư duy tiếp cận vấn đề của các nhà trường, giáo viên đã lệch hướng từ ban đầu.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GDĐT) cho biết, không riêng học sinh có học lực chưa tốt chọn hướng theo học nghề mà kể cả những người có học lực rất giỏi cũng chọn hướng theo học nghề phù hợp với năng lực, sở thích để có nghề nghiệp, việc làm và thu nhập như mong muốn.

“Tư duy cứ học sinh có học lực yếu, kém thì sẽ vào học nghề là một sai lầm. Tôi cho rằng, trường phổ thông hiện nay chưa đủ năng lực để làm công tác phân luồng, hướng nghiệp”, ông Vinh khẳng định.

Ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Điều hành, Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp (IVES) cho hay, tư vấn hướng nghiệp là căn cứ vào năng lực thực tế của học sinh để có sự động viên, khuyến khích, định hướng cho các em theo đúng năng lực, sở trường. Đó là cái tâm của người làm công tác tư vấn.

Trước thực tế công tác phân luồng, hướng nghiệp trong các trường phổ thông hiện nay, ông Hồng nêu quan điểm: “Lâu nay, các trường vẫn tiến hành tư vấn hướng nghiệp cho học sinh để các em cân nhắc những hướng đi khác, ngoài vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, công tác này sẽ hiệu quả hơn nếu có sự kết hợp giữa nhà trường THCS với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phan-luong-huong-nghiep-chu-ky-quyet-dinh-cuoc-doi-5685091.html