Phần mềm độc hại FakeCall mới cực kỳ nguy hiểm trên Android

Phiên bản mới nhất của phần mềm độc hại FakeCall đã 'lột xác' với khả năng chiếm quyền điều khiển cuộc gọi, khiến người dùng Android đối mặt với nguy cơ mất tiền và thông tin cá nhân chưa từng có.

Trong thế giới ngày nay, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân, là cầu nối quan trọng giúp chúng ta kết nối với thế giới và thực hiện các giao dịch quan trọng.

Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là sự gia tăng của các phần mềm độc hại nhắm vào người dùng thiếu cảnh giác.

Phần mềm độc hại FakeCall được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2022 với khả năng giả mạo giao diện cuộc gọi, đánh lừa người dùng tin rằng họ đang liên lạc với ngân hàng. Tuy nhiên, phiên bản mới nhất của FakeCall còn càng đáng sợ hơn với khả năng thao túng cuộc gọi.

 Phiên bản mới nhất của phần mềm độc hại FakeCall khiến người dùng lo lắng.

Phiên bản mới nhất của phần mềm độc hại FakeCall khiến người dùng lo lắng.

Chiếm quyền điều khiển cuộc gọi

Không chỉ dừng lại ở việc giả mạo giao diện, FakeCall giờ đây có khả năng chiếm quyền điều khiển toàn bộ cuộc gọi đi của bạn. Khi bạn bấm số gọi đến ngân hàng, phần mềm độc hại sẽ âm thầm chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác do kẻ tấn công kiểm soát.

Điều đáng sợ là mọi thứ trên màn hình vẫn diễn ra bình thường, giao diện quen thuộc, số điện thoại chính xác của ngân hàng... khiến bạn hoàn toàn không mảy may nghi ngờ.

Trong khi bạn vô tư cung cấp thông tin cho "nhân viên ngân hàng" tưởng chừng như đáng tin cậy, thực chất bạn đang đưa thông tin cho kẻ gian. Từ số tài khoản, mật khẩu đến mã OTP, tất cả đều bị đánh cắp một cách dễ dàng.

Chưa dừng lại ở đó, FakeCall còn có thể bí mật nghe lén, ghi âm cuộc gọi và theo dõi mọi hoạt động trên màn hình điện thoại.

Bản nâng cấp đáng sợ

Phiên bản mới của FakeCall được trang bị những tính năng cực kì nguy hiểm, khiến nó trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Cụ thể, phần mềm độc hại có thể qua mặt được các phần mềm diệt virus thông thường, theo dõi Bluetooth, kiểm soát màn hình, tự động cấp quyền truy cập...

Bên cạnh đó, kẻ tấn công còn có thể ra lệnh cho phần mềm độc hại thực hiện nhiều hành động nguy hiểm từ xa mà không cần sự tương tác của bạn.

Làm thế nào để bảo vệ an toàn trước phần mềm độc hại FakeCall?

- Cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng: Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ những nguồn không rõ ràng, chỉ nên tải ứng dụng từ Google Play hoặc các cửa hàng ứng dụng uy tín.

- Cập nhật hệ điều hành thường xuyên: Các bản cập nhật hệ điều hành thường bao gồm các bản vá bảo mật quan trọng, giúp vá lỗ hổng mà phần mềm độc hại có thể khai thác.

- Sử dụng phần mềm diệt virus uy tín: Lựa chọn và sử dụng phần mềm diệt virus uy tín để tăng cường bảo vệ cho thiết bị.

- Nâng cao nhận thức an toàn thông tin: Trang bị kiến thức về các phương thức tấn công phổ biến, nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ để kịp thời phòng tránh.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/phan-mem-doc-hai-fakecall-moi-cuc-ky-nguy-hiem-tren-android-post817631.html