Phần mềm mô phỏng thi lái xe mới áp dụng từ 1/2 có gì đặc biệt?
Cục Đường bộ VN đã điều chỉnh, nâng cấp phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và tập huấn cho các đơn vị liên quan, dự kiến sử dụng để sát hạch từ ngày 1/2 tới đây.
Ngày 5/1, Cục Đường bộ VN đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các sở GTVT, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cập nhật phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông sau khi điều chỉnh, nâng cấp.
Cục Đường bộ VN cho biết, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ sở đào tạo, người học, cơ quan truyền thông, sau hơn 5 tháng triển khai, cục đã phối hợp với các sở GTVT, chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh, nâng cấp phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Các nội dung đã điều chỉnh trong phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông gồm: Điều chỉnh, đồ họa lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học lái xe dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn.
Với phần mềm ôn tập, bổ sung ba tính năng gồm: Bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết; bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau, hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.
Phần mềm sát hạch được điều chỉnh: Tăng thời gian đếm ngược giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây để học viên có thêm thời gian chuẩn bị. Điều chỉnh không cho nhấn đúp vào phần video; khi mở phần mềm thì giao diện chiếm toàn màn hình, không hiển thị thanh taskbar của Windows.
Kéo dài mốc thời gian chấm điểm (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.
Cục Đường bộ VN cho biết mô phỏng các tình huống giao thông sẽ được các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cập nhật để học viên ôn luyện, dự kiến chính thức sử dụng để sát hạch từ ngày 1/2/2024.
Từ tháng 6/2022, học viên dự sát hạch lái ô tô phải thi xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng với 120 câu hỏi hình ảnh 3D, video các tuyến đường trong và ngoài đô thị, đường đèo núi, tình huống giao thông nguy hiểm.
Phần mềm này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phần mềm mô phỏng dùng cho sát hạch tại Anh, Australia, Nhật, Singapore, giúp người học nhận biết, phát hiện tình huống mất an toàn thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn.
Sau hơn một năm áp dụng, nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía học viên, đơn vị sát hạch.
Một số Sở GTVT Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng mới đây cũng kiến nghị xem xét tính thực tế cũng như hiệu quả mang lại xem có cần thiết duy trì nội dung phần mềm mô phỏng hay không.
Họ cũng đề xuất phần mềm chỉ nên đưa vào bài giảng Luật Giao thông đường bộ và kỹ thuật lái xe, không sử dụng làm nội dung sát hạch lái xe.
Sở GTVT TP.HCM cho biết các trung tâm sát hạch lái xe phản ánh khi thi trên phần mềm mô phỏng, thí sinh bị áp đặt theo ý chí chủ quan của người viết phần mềm, không phù hợp thực tế khi tham gia giao thông.
Tính đến tháng 11/2023, Sở GTVT TP.HCM tổ chức 2.150 kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô và xe máy cho hơn 394.000 thí sinh dự thi.
Kết quả sát hạch lái xe có hơn 274.000 thí sinh đậu và được cấp giấy phép, gần 120.000 thí sinh rớt sát hạch cả ô tô và xe máy. Theo thống kê, tỷ lệ rớt phần thi mô phỏng là 10%.