Phan Minh Châu - Người hát, người vẽ

Phan Minh Châu - Người hát, người vẽ Khi đến xưởng vẽ của Phan Minh Châu, chỉ thoáng nhìn qua các bức tranh chưa đóng khung đặt khắp phòng, tôi đã nhận ra rằng, với chị, hội họa là một hành trình nghiêm túc.

Lần đầu tiên tôi gặp Phan Minh Châu đã cách đây hơn hai chục năm, khi ấy cũng là sự tình cờ. Do những lý do khách quan mà nhóm chúng tôi không thực hiện được một vở ca kịch cho thiếu nhi. Chị trưởng nhóm thấy tiếc kịch bản do tôi viết, bèn giới thiệu tôi đến gặp Phan Minh Châu. Đọc xong kịch bản, chị bảo tôi, thôi chị em mình cố làm một chương trình cho thiếu nhi. Thế là chị em chúng tôi hăm hở bắt tay vào dàn dựng. Tôi vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn, vừa lại là diễn viên chính cùng với Thân Thanh Giang, hồi ấy đã rất nổi tiếng qua các bộ phim truyền hình. Mấy chị em hùng hục làm, bằng tất cả nhiệt huyết dành cho nghệ thuật, và hơn hết, để có một tác phẩm cho thiếu nhi. Trước giờ biểu diễn, thấy phe vé đứng kín cổng vào Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, chị Châu bảo tôi, em ơi thế là chương trình Cho trái đất mãi xanh của chị em mình thành công rồi.

Bẵng đi nhiều năm, vì công việc, vì cuộc sống, tôi cũng không gặp lại Phan Minh Châu. Một hôm lên mạng, danh sách gợi ý bạn bè của Facebook gợi ý kết bạn tên của chị. Tôi xin kết bạn, và chị nhanh chóng nhận ra Ma Vương - tên nhân vật trong chương trình Cho trái đất mãi xanh - ngày nào. Tất nhiên, cuộc hội ngộ sau hai chục năm bao giờ cũng ăm ắp tiếng cười của kỷ niệm, của những ngày vất vả đánh vật với nghề. Lúc đó, tôi còn non nghề lắm, nhưng nhiệt huyết và nhất là máu liều thì nhiều hơn máu não, đó là nói theo khẩu ngữ hiện nay. Phan Minh Châu biết điều đó, và chị tạo cơ hội cho tôi làm nghề, cũng như chị đã tạo cơ hội cho bao nhiêu nghệ sỹ mới, chưa có tên tuổi như tôi lúc đó, để họ được làm những điều mình tâm huyết.

Từng ấy năm, vật đổi sao dời, chị đã nghỉ sau nhiều năm gắn bó với Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, nhưng máu nghệ sỹ trong người Phan Minh Châu vẫn còn sục sôi lắm. Có điều, tình yêu nghệ thuật bây giờ được chị dồn hết cho hội họa. Khi nghe chị tâm sự về cảm xúc của mình dành cho cây cọ, thoạt đầu, tôi cũng chỉ nghe một cách bâng quơ, bởi có rất nhiều nghệ sỹ tìm đến với hội họa chỉ như một trò giải trí. Nhưng khi đến xưởng vẽ của Phan Minh Châu, chỉ thoáng nhìn qua các bức tranh chưa đóng khung đặt khắp phòng, tôi đã nhận ra rằng, với chị, hội họa là một hành trình nghiêm túc.

Câu chuyện của chị em chúng tôi trôi đi rất nhanh, từ những kỷ niệm về ngày đầu cùng nhau dựng vở nhạc kịch mà chắc chắn sẽ không thể có lần thứ hai trong đời bởi nó quá tốn kém cả về thời gian, công sức lẫn vật chất, và dừng lại ở niềm đam mê hội họa của Phan Minh Châu. Tôi là người viết, nhưng cũng đã có thời gian tìm hiểu hội họa, nên khá ấn tượng với phong cách của chị. Nhất là những bức vẽ về cầu Long Biên cũng như hoa sen. Đó cũng là hai đề tài mà chị theo đuổi từ khi cầm cọ, theo như những gì Phan Minh Châu chia sẻ. Chị bảo, cầu Long Biên thì là chứng nhân của lịch sử, là một trong những biểu tượng của thành phố, cũng tượng trưng cho những suy nghĩ, những trăn trở, những ý niệm của mình. Còn hoa sen, là khoảnh khắc mà Phan Minh Châu lắng hồn mình lại, tìm về với vẻ đẹp tinh khôi của tự nhiên qua loài hoa đầy tính biểu tượng.

Tôi ngắm rất kỹ những bức tranh về cầu Long Biên cũng như hoa sen của Phan Minh Châu. Bởi tôi thấy trong đó nhiều ẩn ý về cuộc sống, nhiều chiêm nghiệm về phận người. Những ngày tháng dựng kịch dưới sự điều hành của Phan Minh Châu, chị em cũng đã kịp hiểu nhau, và tất nhiên, đủ để thông cảm cho nhau những cơn “lên đồng” trong nghệ thuật. Đem những suy nghĩ ấy nói ra, chị bảo tôi, vậy là em đồng cảm với chị, nhìn ra được những gì chị định nói. Điều này cũng khiến chị yên tâm trong công việc sáng tạo nặng nhọc của mình.

Phan Minh Châu kể, chị đến với hội họa cũng là do duyên, vì trước đó cũng chưa để ý lắm. Năm 2004, ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô nơi chị công tác có một khóa tập huấn đặc biệt có sự tham gia các họa sỹ tên tuổi của thành phố. Chị theo học và ngay lập tức đã bị vẻ đẹp của hội họa lôi cuốn. Từ những bức tranh đầu tiên, họa sỹ Thẩm Đức Tụ lúc đó là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, người mà giới hội họa thủ đô luôn đánh giá cao về cái tâm với các hội viên, người được mệnh danh là thày giáo không bục giảng, đã ấn tượng về chị. Phan Minh Châu xúc động nhớ lại lúc đó họa sỹ nói, Châu ơi tranh của em vừa quằn quại vừa hồn trong trẻo, lạ lắm. Nghe đến đó, chị òa lên khóc nức nở, bởi đó là những cảm xúc mà lâu nay chị giấu kín trong lòng, không biết giãi bày cùng ai, chỉ thả hồn mình một cách vô thức vào hội họa. Thế mà lúc này, lại có một người thầy, người anh lớn trong nghề đọc ra được điều đó. Như cởi bỏ gánh nặng, chính thức từ thời điểm ấy, Phan Minh Châu xác định gắn bó với hội họa. Bởi ở hội họa, chị đã tìm thấy mình, đã lấy lại được những cảm xúc tưởng như đã không bao giờ sẽ quay trở lại.

Chắc chắn, Phan Minh Châu sẽ còn những bước tiến dài trong hội họa, tôi nghĩ vậy. Bởi chị có cách nhìn riêng của mình, có sự trải nghiệm của phụ nữ đứng tuổi, đã đi qua bao thăng trầm trong cuộc sống. Và hơn hết, chị vẫn giữ được sự hồn nhiên cần có và bắt buộc phải có, của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nguyễn Toàn Thắng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/phan-minh-chau-nguoi-hat-nguoi-ve-d180234.html