Phan Ngọc, học giả với nhân cách và tài năng lớn
Học giả Phan Ngọc vừa qua đời ngày 26-8-2020. Ở tuổi đại thọ 95, vượt ngưỡng khá xa mốc 'thất thập cổ lai hy', nhưng tin ông từ trần vẫn làm cho chúng ta ngỡ ngàng, luyến tiếc với niềm xúc động sâu xa.
Học giả Phan Ngọc vừa qua đời ngày 26-8-2020. Ở tuổi đại thọ 95, vượt ngưỡng khá xa mốc “thất thập cổ lai hy”, nhưng tin ông từ trần vẫn làm cho chúng ta ngỡ ngàng, luyến tiếc với niềm xúc động sâu xa.
Phó Giáo sư (PGS) Phan Ngọc là một trong những nhà nghiên cứu có đóng góp to lớn trong lĩnh vực Ngôn ngữ học và Văn hóa học nước nhà. Cụm công trình Văn hóa Việt Nam - Cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985) của ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000.
PGS Phan Ngọc sinh ngày 10-10-1925 tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; con trai của thượng thư Phan Võ, một vị quan có tiếng thanh liêm, chính trực triều Nguyễn. Nhưng nghề truyền dạy chữ (Nho) và nghề làm thuốc “cứu nhân độ thế” mới là truyền thống của gia đình họ Phan xứ Nhân Thành. Với tư chất thông minh, ông được gửi vào học tại Trường Quốc học Huế. Ông đỗ tú tài tại đây và thi tiếp vào học Trường Y (thuộc Pháp). Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm thay đổi sự học của ông. Chàng thanh niên Phan Ngọc hăng hái tham gia các hoạt động cứu quốc. 22 tuổi (1947), ông trở thành người thầy đầu tiên của Trường cấp 3 Tư thục huyện Yên Thành do chính người chú của ông - Phan Lô, làm hiệu trưởng. Năm 1950, ông tham gia lực lượng Vệ quốc đoàn. Với vốn liếng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hán sẵn có (trong đời làm việc, ông biết tới 12 ngoại ngữ, nói, và viết thông thạo sáu thứ tiếng), ông làm phiên dịch cho Ban Liên hợp đình chiến (trong phái đoàn Liên hợp hai bên). Vừa là chiến sĩ vệ quốc, vừa học hỏi và trau dồi tri thức ngoại ngữ và văn hóa, chịu ảnh hưởng sâu rộng của các học giả tiền bối như Huỳnh Thúc Kháng, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh... ông đã tích lũy cho mình cả vốn sống và vốn kiến thức vừa rộng vừa sâu. Chính Giáo sư (GS) Trần Đức Thảo đã nhận ra tiềm năng này và mời ông về xây dựng khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội (1955). Vào tuổi 30, ông đã vinh dự được tham gia đứng lớp cùng với các nhà khoa học lớn như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo... Sau đó một năm (1956), ông lại được điều sang làm hạt nhân thành lập khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông là Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Ngôn ngữ học của khoa Ngữ văn (mà sau này có rất nhiều nhà giáo, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng từ “cái nôi” ông gây dựng như các GS: Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Hàm Dương, Đoàn Thiện Thuật, Hoàng Thị Châu, Lê Quang Thiêm, Đinh Văn Đức, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Thiện Giáp; các PGS Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Văn Tu...
Sau năm 1958, ông dừng công việc dạy học để làm công tác thông tin tư liệu. Trong thời kỳ này, Phan Ngọc cùng nhiều dịch giả khác đã dịch một loạt tác phẩm văn học và trước tác rất giá trị, như: Chiến tranh và Hòa bình (bốn tập, 1961 - 1962, bút danh Nhữ Thành, dịch chung với Trường Xuyên, Cao Xuân Hạo, Hoàng Thiếu Sơn), Tuyển tập kịch Shakespeare (1963), Sử ký Tư Mã Thiên (1964), David Coppefield (1976 - 1977), Mỹ học Hegel (1976), Hình thái học của nghệ thuật, Âm vị học và Hình thái học (tư liệu, 1978)...
Từ năm 1979 đến 1985, PGS Phan Ngọc là chuyên viên nghiên cứu của Viện Đông Nam Á (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Ông tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và cho xuất bản nhiều công trình như: Thần thoại Hy Lạp (1980), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985), Từ điển Truyện Kiều (1987, sửa chữa, bổ sung, chú giải trên cơ sở tác phẩm của Đào Duy Anh đã xuất bản năm 1974), Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt (1991), Văn hóa Việt Nam - Cách tiếp cận mới (1994), Từ điển Anh - Việt (1994), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học (1995)...
Với người làm công tác dịch thuật hay nghiên cứu, chỉ cần một vài tác phẩm kể trên đã là đóng góp đáng khâm phục lắm rồi. Bởi chỉ cần dịch Sử ký Tư Mã Thiên từ tiếng Hán, Chiến tranh và Hòa Bình từ tiếng Nga, Pháp, Anh, David Coppefield từ tiếng Anh, Mỹ học Hegel từ tiếng Đức, Thần thoại Hy Lạp từ tiếng Hy Lạp... (mỗi cuốn từ năm, sáu trăm trang đến hơn hai nghìn trang) đã là một công việc vô cùng “lao tâm khổ tứ”. Và còn nhiều công trình nghiên cứu riêng biệt khác như về Truyện Kiều, về văn hóa... vốn không chỉ đòi hỏi tập trung đầu tư công sức mà còn yêu cầu cao về tài năng và tư chất khoa học uyên bác, thâm hậu nữa.
Bao nhiêu năm ròng rã, nếu tính từ cột mốc lịch sử 1945, có thể nói, Phan Ngọc xứng đáng là một học giả với nhân cách và tài năng lớn. Bỏ qua những biến động thời cuộc, những khó khăn vật chất, Phan Ngọc âm thầm lao động hết mình, cho ra những sản phẩm mãi lưu truyền hậu thế, để lại dấu ấn riêng của một tư tưởng khoa học đầy sáng tạo.