Phận người trên vách núi
Cơn bão số 8 và 9 năm 2018 đã làm hư hỏng, sập nhà một số hộ dân tại khu vực núi Chụt (phường Vĩnh Trường) và hàng trăm hộ dân ở thôn Thành Đạt, Thành Phát (xã Phước Đồng), thành phố Nha Trang.
Cơn bão số 8 và 9 năm 2018 đã làm hư hỏng, sập nhà một số hộ dân tại khu vực núi Chụt (phường Vĩnh Trường) và hàng trăm hộ dân ở thôn Thành Đạt, Thành Phát (xã Phước Đồng), TP. Nha Trang. Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn, hàng trăm hộ phải sống tạm bợ, cheo leo bên sườn núi, với nỗi lo lũ quét, sạt lở đất luôn chực chờ. Mặc dù tỉnh, thành phố đã lên phương án, nhưng chưa biết khi nào người dân mới được di dời đến nơi ở mới nhằm ổn định cuộc sống.
Mỏi mòn chờ di dời
Theo đơn phản ánh của bà Đặng Thị Chỉnh và một số hộ sống tại khu vực núi Chụt, thuộc tổ 3 Trường Hải, phường Vĩnh Trường, tháng 11-2018 mưa lũ kéo dài đã làm nhà của 4 hộ nơi đây sập hoàn toàn. Thế nhưng, do nhà của những hộ này thuộc phạm vi Nhà nước thu hồi đất, phục vụ dự án Chỉnh trang đô thị khu vực núi Chụt và vùng lân cận (Khu đô thị The Forest Hotel Vilas) phường Vĩnh Trường của Công ty Cổ phần Đầu tư Gia Tuệ nên không được phép dựng lại nhà. Từ đó, người dân phải đi thuê nhà để ở; trong khi đó, các hộ đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nên cuộc sống rất khó khăn. Bà Chỉnh cho biết: “Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn, thư kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết di dời. Hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã kiệt quệ, không còn đủ khả năng thuê nhà để ở. Tôi rất mong chính quyền sớm bố trí cho chúng tôi một chỗ ở ổn định”.
Cũng bị đất đá sạt lở làm căn nhà bị sập hoàn toàn, ông Tống Văn Hùng chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật chân nặng, cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào mấy trăm ngàn đồng trợ cấp của Nhà nước. Từ khi nhà bị sập, không có tiền thuê nhà, tôi phải đi ở nhờ nhà người quen rất bất tiện. Mấy năm nay, cứ trời mưa, phường lại cử người xuống kiểm tra, ghi nhận nhưng vẫn chưa thấy giải quyết”.
Theo ông Hoàng Anh Tiến - Cán bộ địa chính phường Vĩnh Trường, sau khi nhà của các hộ bị sập, phường đã xuống nắm tình hình, hiện các hộ đều đi thuê nhà để ở, cuộc sống khá khó khăn. Vừa qua, phường đã phối hợp với các phòng, ban của thành phố tiến hành xác minh nguồn gốc đất. Sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến khu dân cư, đến nay, phường đã hoàn thành việc xác minh nguồn gốc đất và đã chuyển hồ sơ chờ thành phố xem xét giải quyết. “Phường kiến nghị thành phố sớm bố trí quỹ đất tái định cư (TĐC), di dời không chỉ 4 hộ trên mà còn các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao ở khu vực núi Chụt. Hiện nay, chuẩn bị vào mùa mưa, nếu để tồn tại các căn nhà sống cheo leo bên sườn núi không chỉ nguy hiểm cho họ mà cả các hộ sống phía dưới chân núi”, ông Tiến nói.
Giao đất kết hợp xây chung cư căn hộ cho thuê
Theo ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, năm 2018, tại thời điểm bị sạt lở, thôn Thành Phát có 348 hộ với 1.373 nhân khẩu sinh sống; xóm Mũi, thôn Thành Đạt có 346 hộ, 1.243 nhân khẩu sinh sống. Sau khi rà soát, xã đã lập danh sách số nhà bị hư hỏng 1 phần và bị sập hoàn toàn khoảng 170 căn, sau đó thành phố rà soát lại có 100 ngôi nhà được xem xét hỗ trợ di dời với mức 4,5 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, chỉ có 40 hộ nhận tiền, số khác không dám nhận vì sợ buộc phải dời đi. Từ đó đến nay, một số hộ bị sập nhà hoàn toàn có điều kiện đi mua đất chỗ khác xây nhà ở, số còn lại đi thuê nhà ở. Sau một thời gian thuê nhà, do kinh tế khó khăn, họ lại quay về sửa nhà ở lại. Địa phương kiến nghị các cấp, ngành, thành phố, tỉnh sớm có phương án triển khai di dời các hộ; đặc biệt khu vực xóm Mũi, thôn Thành Đạt. Thời gian qua, tình trạng quay lại xây dựng nhà rất phức tạp, dẫn đến công tác quản lý của xã gặp nhiều khó khăn, không đủ lực lượng túc trực thường xuyên. Hơn nữa, hiện đã vào mùa mưa bão, để tồn tại các căn nhà tạm bợ, cheo leo bên sườn núi rất nguy hiểm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tiến Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc rà soát các khu vực sạt lở đất do ảnh hưởng của cơn bão số 8 và 9 năm 2018, UBND thành phố đã xây dựng phương án di dời, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan. Đến tháng 4-2020, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo và thống nhất phương án di dời, đầu tư xây dựng nhà ở cho các hộ bị sạt lở thuộc xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường theo hướng bố trí giao đất TĐC kết hợp xây dựng chung cư căn hộ cho thuê. Phương án này nhằm giải quyết phù hợp từng nhóm đối tượng di dời, nguồn vốn ngân sách tỉnh, thành phố và kêu gọi xã hội hóa. Kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng khu TĐC và chung cư cho thuê dự kiến khoảng 340 tỷ đồng. Hiện nay, UBND thành phố đã hoàn thiện phương án gửi lấy ý kiến các sở, ngành, dự kiến sẽ hoàn thiện lần cuối trình UBND tỉnh vào cuối tháng 9.
“Theo số liệu thống kê, tổng cộng có 811 hộ thuộc xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường phải di dời; trong đó, có 140 hộ được cấp tạm trú tại địa phương, 671 hộ có hộ khẩu nơi khác. Các hộ đều xây dựng trên đất đồi núi, đất rừng, đất không phù hợp quy hoạch, không có giấy tờ chứng minh hợp pháp về nguồn gốc sử dụng đất. Do đó, những hộ này không thuộc đối tượng được hưởng các chính sách về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất mà chỉ được xem xét bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất có thu tiền sử dụng theo quy định. Hiện nay, thành phố chưa có kế hoạch bố trí vốn trong giai đoạn này. Việc giải quyết di dời TĐC cho các hộ chỉ được xem xét sau khi xây dựng xong hạ tầng khu TĐC và chung cư cho thuê. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão sắp tới, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống, ứng phó kịp thời theo từng tình huống nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân”, ông Vĩnh cho biết.
Khánh Hà
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202009/phan-nguoi-tren-vach-nui-8185436/