Phân phối 18.000 giấy mời dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 ra sao?

Có tổng cộng 18.000 giấy mời tham dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024. Trong đó, 9.000 giấy do đơn vị đối tác phân phối, còn lại dùng cho đối ngoại và chia đều cho các chủ trâu, người dân 6 phường trên địa bàn.

Còn hơn 1 tháng nữa là đến Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện được nhiều người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế mong chờ.

Dịp này, Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện với ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội, về việc phân phối giấy mời, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, kiểm soát việc bán thịt trâu chọi cũng như các hoạt động bên lề kỷ niệm 35 kể từ khi lễ hội được khôi phục.

Ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024.

Ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024.

Tiếp tục không tổ chức bán vé

Người Đưa Tin (NĐT): Ông có thể cho biết những thông tin cơ bản về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024?

Ông Phạm Hoàng Tuấn: Để chuẩn bị cho Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024, ngày 11/7, UBND quận Đồ Sơn ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND. Theo đó, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 sẽ có 16 trâu tham dự.

Ngoài phân bổ đồng đều cho 6 phường, mỗi địa phương 2 trâu, các phường: Vạn Hương, Ngọc Xuyên, Hải Sơn, Minh Đức, mỗi phường có thêm 1 trâu do có trâu đoạt giải nhất, nhì, đồng giải ba tại lễ hội năm 2023.

Phần lễ của Ban Tổ chức lễ hội cấp quận gồm các lễ: Dâng hương, thượng cờ khai hội; Rước nước, Thần linh; Tống thần, diễn ra từ ngày 3/9 đến ngày 18/9. Phần lễ của Ban Tổ chức lễ hội cấp phường gồm các lễ: Thượng cờ khai hội; Rước nước; Các giáp trâu vào hội; Thần linh; Rước thành hoàng làng dự hội; Hiến sinh trâu vô địch; Tế thần; Tống thần, diễn ra từ ngày 3/9 đến ngày 18/9.

Phần hội chọi trâu được tổ chức từ lúc 7h30 ngày 11/9 tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn.

Nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn bên trâu chọi do con trai đứng tên chủ trâu tham dự lễ hội năm nay (Ảnh: Thái Phan).

Nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn bên trâu chọi do con trai đứng tên chủ trâu tham dự lễ hội năm nay (Ảnh: Thái Phan).

NĐT: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 có bán vé hay tiếp tục đưa ra giấy mời tham dự như kỳ lễ hội trước?

Ông Phạm Hoàng Tuấn: Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tiếp tục không bán vé mời. Thay vào đó, sẽ phát hành 18.000 giấy mời. Trong đó, 9.000 giấy mời dành cho đối tác phân bổ tới các cá nhân, đơn vị tài trợ cho lễ hội. Với 9.000 giấy mời còn lại, ngoài dành cho đối ngoại, được chia cho đều các chủ trâu và người dân 6 phường trên địa bàn.

NĐT: Được biết, rất nhiều người dân trong và ngoài quận Đồ Sơn cũng như du khách muốn xem trực tiếp hội chọi trâu Đồ Sơn 2024. Tuy nhiên, họ khó lòng kiếm được giấy mời theo các "kênh" chính thức. Ông nói sao về điều này?

Ông Phạm Hoàng Tuấn: Với tầm ảnh hưởng và sự lan tỏa của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước, việc sức chứa của sân vận động Đồ Sơn nơi diễn ra hội chọi trâu không đáp ứng được nhu cầu là điều diễn ra từ nhiều năm nay.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách, ngoài truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình địa phương và một số nền tảng mạng xã hội, Ban Tổ chức còn lắp đặt màn hình led cỡ lớn phía ngoài sân vận động để mọi người tiện theo dõi.

Nếu muốn trực tiếp xem hội chọi trâu, người dân và du khách có thể tham gia các chương trình của phía đối tác để có tấm giấy mời chính thức. Lễ hội năm 2023, du khách tham gia tour du lịch sẽ có giấy mời của đối tác. Còn năm nay dự kiến đối tác sẽ thực hiện các chương trình "đổi tài trợ lấy giấy mời".

Những nét mới của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024

NĐT: So với những kỳ lễ hội trước, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 có những nét mới đáng chú ý nào thưa ông?

Ông Phạm Hoàng Tuấn: Năm nay, nhân 35 năm khôi phục Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024, quận Đồ Sơn và Ban Tổ chức lễ hội sẽ tổ chức hội thảo "Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" với sự tham gia của các tên tuổi hàng đầu cả nước về lĩnh vực văn hóa.

Dự kiến, hội thảo sẽ làm rõ vấn đề liên quan đến giá trị văn hóa của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trong đời sống Nhân dân Đồ Sơn nói riêng, vùng Bắc Bộ gắn với lúa nước nói chung. Bên cạnh đó, các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong tình hình hiện nay. Ngoài ra, làm rõ các giải pháp phát triển kinh tế gắn với lễ hội.

Pha đánh giữa 2 trâu chọi tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2023 (Ảnh: Trọng Tùng).

Pha đánh giữa 2 trâu chọi tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2023 (Ảnh: Trọng Tùng).

Ngoài hội thảo, Ban Tổ chức sẽ trưng bày ảnh, hiện vật gắn liền với 35 năm khôi phục và phát triển lễ hội tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Đồ Sơn. Trước 1 ngày diễn ra hội chọi trâu, Ban Tổ chức phối hợp tuyên truyền lưu động tại các tuyến đường chính của quận.

Lễ hội năm nay, phía đối tác dự kiến vận động tài trợ bằng hình thức gửi tin nhắn ủng hộ. Số tiền thu được dự kiến được trao giải (nếu thiếu đối tác sẽ bù vào). Nếu vượt quá dưới 500 triệu đồng, sẽ được chia đều cho các chủ trâu. Nếu vượt quá 500 triệu đồng, sẽ chia đều cho các phường.

Huy động hơn 450 người tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội

NĐT: Vấn đề bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội cũng như kiểm soát công tác giết mổ trâu chọi luôn được người dân địa phương, du khách quan tâm. Lễ hội năm nay, quận Đồ Sơn có phương án nào thưa ông?

Ông Phạm Hoàng Tuấn: Lễ hội năm nay, quận Đồ Sơn huy động khoảng hơn 450 bảo vệ chuyên nghiệp cũng như lực lượng công an, bộ đội… tham gia bảo an ninh trật tự của lễ hội.

Trong đó, kiểm soát chặt chẽ khu vực giết mổ trâu, đoạn đường vận chuyển ra khu bán thịt trâu không cho "tuồn" thịt trâu bên ngoài vào. Quan điểm của Ban Tổ chức không quy định "giá trần" hay "giá sàn". Việc mua bán thịt trâu chọi là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức lễ hội cũng quan tâm tới từng trâu chọi để lễ hội diễn ra thành công. Đến nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra lần 1 toàn bộ 16 trâu chọi. Kết quả sơ bộ các trâu chọi đều đủ điều kiện tham gia theo Quy chế lễ hội. Đặc biệt, các trâu rất hiền, ai cũng có thể sờ đầu, sờ sừng. Trước khi diễn ra hội chọi trâu, chúng tôi sẽ kiểm tra 2 lần nữa để bảo đảm an toàn.

Qua kiểm tra lần đầu, cơ bản 16 trâu đủ điều kiện tham gia hội chọi trâu theo Quy chế lễ hội (Ảnh: Thái Phan).

Qua kiểm tra lần đầu, cơ bản 16 trâu đủ điều kiện tham gia hội chọi trâu theo Quy chế lễ hội (Ảnh: Thái Phan).

NĐT: Với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024, quận Đồ Sơn cũng như Ban Tổ chức lễ hội gặp khó khăn lớn nhất nào thưa ông?

Ông Phạm Hoàng Tuấn: Vấn đề khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí tổ chức lễ hội do không bán vé. Ước tính, lễ hội cần kinh phí 12 - 15 tỷ đồng. Trong đó, ước tính để có trâu chọi tham dự lễ hội, cần kinh phí tới 600 triệu đồng/trâu. Tổng cộng khoản này khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí tổ chức, trao giải… ước tính hơn 2,5 tỷ đồng.

May mắn, người dân Đồ Sơn rất đam mê trâu chọi. Do vậy, họ sẵn sàng bỏ tiền hoặc chung nhau mua và chăm trâu để tham dự lễ hội.

Đối với khoản còn lại, Ban Tổ chức tìm đơn vị đối tác vận động kinh phí xã hội hóa. Đổi lại, họ được quyền khai thác hình ảnh, bản quyền… liên quan đến lễ hội. Đồng thời, nhận 1/2 số giấy mời tham dự lễ hội.

Phần còn lại, Ban Tổ chức lễ hội cấp quận và các phường vận động nguồn xã hội hóa khác.

Mặc dù khó khăn, nhưng Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 quyết tâm tổ chức kỳ lễ hội an toàn, thành công đáp ứng mong đợi của người dân, du khách trong nước và quốc tế.

NĐT: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phan-phoi-18000-giay-moi-du-le-hoi-choi-trau-do-son-2024-ra-sao-204240809183413522.htm