Phân phối lợi nhuận sau thuế cần tính đến yếu tố đặc thù của các tổ chức tín dụng

Ngày 8/8, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Tọa đàm lấy kiến cho dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, nội dung được các tổ chức tín dụng quan tâm nhiều nhất là phân phối lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.

Ông Lê Anh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – kế toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hiện NHNN được giao làm đại diện chủ sở hữu tại 12 doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Tính đến cuối năm 2023, 12 doanh nghiệp và tổ chức tín dụng này có quy mô vốn điều lệ khoảng 233 nghìn tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu là 170 nghìn tỷ đồng, với tổng quy mô tài sản hơn 8,5 triệu tỷ đồng – quy mô rất lớn nên có nhiều tác động quan trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội nói chung.

Ông Xuân cho rằng, hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đang được thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật 69) cùng nhiều nghị định, quy định liên quan. Qua một vài lần sửa đổi, đến nay, Ngân hàng Nhà nước hiện quản lý theo Quyết định 1500/QĐ-NHNN năm 2021 về quy chế về người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, việc triển khai thi hành Luật 69 đã có một số khó khăn, vướng mắc như định nghĩa doanh nghiệp do chủ sở hữu thành lập, phê duyệt đầu tư mua sắm tài sản, phân phối lợi nhuận… trong khi hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính có nhiều đặc thù và phải phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa có hiệu lực từ 1/7/2024.

“Hiện nay, Bộ Tài chính đã giới thiệu một phiên bản mới là dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13. Quan điểm của Bộ Tài chính đã rất rõ trong tờ trình là Nhà nước với tư cách là một nhà đầu tư. Tại phiên bản dự thảo luật này, hoàn toàn mới so với luật hiện hành, do đó có rất nhiều nội dung cần góp ý, quan tâm”, ông Lê Anh Xuân cho hay.

Góp ý dự thảo về vấn đề phân phối lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, đại diện Agribank cho rằng, theo quy định bắt buộc, hàng năm các ngân hàng thương mại đều phải tăng vốn điều lệ, trong khi đối với các doanh nghiệp khác thì không bị điều chỉnh bởi quy định này. Do đó, tùy từng loại hình doanh nghiệp, dự thảo quy định cho phép được để lại 50%, 80% hay 100%, với các tổ chức tín dụng do tính đặc thù nên đề xuất được để lại 100%.

Cũng về vấn đề này, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank đánh giá, dự thảo luật cơ bản đã bám sát “hơi thở” cuộc sống của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, sửa đổi được những bất cập tại Luật hiện hành. Tuy nhiên, các quy định tại dự thảo cần nhất quán với các luật khác liên quan đến các tổ chức tín dụng. Cụ thể, liên quan đến phân phối lợi nhuận và các quỹ, với các tổ chức tín dụng, quy định này đã được cụ thể hóa tại Điều 148 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, nên quy định này tại dự thảo cũng cần thống nhất và tính đến tính chất đặc thù của tổ chức tín dụng, khi phải cung ứng một lượng vốn lớn cho nền kinh tế, nên cần tăng vốn từ lợi nhuận để lại nhằm đảm bảo các tiêu chí về tỷ lệ an toàn vốn.

TS. Phạm Phan Dũng cho biết, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện nay cần tăng vốn điều lệ để tăng huy động vốn, từ đó mới đẩy mạnh được cho vay. Nhưng lâu nay, vấn đề tăng vốn cho khối ngân hàng có vốn nhà nước còn nhiều khó khăn. Gần đây, Quốc hội đã cho phép Agribank tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại sau thuế.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nêu ra 3 phương án phân phối lợi nhuận, trích lập Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp với tỷ lệ 50%, 80% và 100% lợi nhuận sau thuế. TS. Pham Phan Dũng cho hay, đa số doanh nghiệp đề nghị ở mức 50-80% là phù hợp.

Ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp là nguồn lợi nhuận sau thuế để tại doanh nghiệp, không phải là của doanh nghiệp. Quỹ này thuộc quyền quyết định của chủ sở hữu vốn, chưa phải là nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung vốn điều lệ mới được tính là vốn của doanh nghiệp. Do vậy, Nhà nước với vai trò là một chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp được quyền định đoạt, quyết định điều chuyển giữa các doanh nghiệp tương ứng tỷ lệ phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại doanh nghiệp. Đồng thời, để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước phải có cơ chế điều chuyển từ doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng sang doanh nghiệp có nhu cầu về vốn.

Quỹ Đầu tư phát triển sử dụng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi trả tiền lương, tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê; thuê kiểm toán báo cáo tài chính; đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp; nộp về ngân sách nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Hà Quyên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/phan-phoi-loi-nhuan-sau-thue-can-tinh-den-yeu-to-dac-thu-cua-cac-to-chuc-tin-dung-d50989.html