Phan Quốc Việt nói gì về số tài sản 'khủng' đang bị kê biên, phong tỏa?

Sáng 5/1, phiên tòa xét xử Phan Quốc Việt (Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Á) cùng 37 bị cáo vụ Việt Á bước sang ngày làm việc thứ 3, với sự tham gia xét hỏi của đại Viện kiểm sát và các luật sư.

Phan Quốc Việt trả lời câu hỏi của HĐXX

Phan Quốc Việt trả lời câu hỏi của HĐXX

Truy số tài sản tiết kiệm đứng tên mẹ và con của bị cáo

Tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Công ty Việt Á đã tự nghiên cứu về test xét nghiệm.

Đầu năm 2020, khi Việt nói về việc được phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm bà Thủy có biết nhưng không trực tiếp làm việc. “Tất cả đều trao đổi thông qua điện thoại với chồng của tôi”, bà Thủy nói.

Về vấn đề khắc phục hậu quả vụ án, bà Thủy cho biết, sau khi bị bắt, Việt đã ủy quyền cho vợ điều hành Công ty Việt Á. Nhưng bà chỉ là người làm nghiên cứu, chỉ biết cung cấp những thông tin có được và đã ủy quyền cho nhân viên pháp chế đại diện Việt Á ra tòa.

Với tư cách cá nhân, bà Thủy chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho chồng và các bị cáo liên quan vì đã góp công sức chống dịch. Bản thân bà và công ty sẽ cố gắng khắc phục trên tinh thần “hết sức có thể”.

Tiếp đó, HĐXX xét hỏi bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm, Tổng giám Công ty Việt Á) về các tài sản bị kê biên, phong tỏa. Bị cáo Việt nói không nhớ hết các tài sản. Tuy nhiên, khi được HĐXX nhắc nhở thì Việt xác nhận có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên bị cáo với tổng số tiền hơn 320 tỷ đồng bị phong tỏa.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phong tỏa 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt (tổng số tiền 142 tỷ đồng) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo này (2 sổ này trị giá 20 tỷ đồng).

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo bị cáo Việt, các sổ tiết kiệm đứng tên mẹ là do bị cáo trả nợ. Việt cho biết, trong 15 năm Công ty Việt Á làm ăn, nhiều lần bị cáo phải vay tiền gia đình, phải nhờ gia đình trợ giúp, bản thân không đủ lực.

Đối với số tiền trong 2 sổ tiết kiệm của con, Phan Quốc Việt thừa nhận đây là tiền của mình. Số tiền này Việt có được từ nhiều hoạt động khác nhau.

HĐXX truy vấn bị cáo: “Cơ sở nào để xác định số tiền 142 tỷ là của mẹ bị cáo?”. Bị cáo Việt trả lời: “Trong suốt quá trình hoạt động 15 năm của công ty, bị cáo phải nhờ người nhà giúp đỡ”.

Tòa hỏi: Mẹ bị cáo lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để cho bị cáo vay? “Có thể từ vay bạn bè” – Phan Quốc Việt nói. Sau đó, HĐXX lý giải, việc vay bạn bè phải có giấy tờ chứng minh.

Để làm rõ số tiền hơn 140 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Phan Quốc Việt, HĐXX triệu tập bà Tr. (mẹ Việt), nhưng một người có mặt tại phiên tòa cho biết, mẹ bị cáo Việt sẽ có mặt tại tòa sau do nhận được giấy triệu tập muộn.

Đối với công tác khắc phục hậu quả vụ án, Phan Quốc Việt cho biết, bản thân sẽ khắc phục bằng tất cả những tài sản mà mình đứng tên.

Tại phiên tòa, HĐXX yêu cầu những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nêu mong muốn để được xem xét.

Bà K.O., vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH-CN) cho biết, chồng bà đã nhận thức được sai phạm và gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án và còn nộp thêm 50 triệu đồng nên mong muốn HĐXX xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Hùng.

Ngoài ra, bà O. mong muốn được gỡ bỏ phong tỏa 8 sổ tiết kiệm của 2 vợ chồng do đang phải nuôi 2 con học đại học và mẹ chồng tuổi cao.

Theo bà Nguyễn Thị M.P. (vợ bị cáo Chu Ngọc Anh), gia đình đã nộp khắc phục hậu quả vụ án cho cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN nên mong muốn HĐXX giải tỏa 2 bất động sản đã bị kê biên và tài khoản ở ngân hàng.

Vợ bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) thì cho hay, số tiền thực tế mà chồng bà phải nộp là 4,6 tỷ đồng nhưng gia đình đã nộp 4,9 tỷ đồng (thừa 300 triệu đồng) nên mong muốn được lấy số tiền thừa.

Ngoài ra, người thân, người đại diện của nhiều bị cáo khác cũng bày tỏ mong muốn được giải tỏa các tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, giao dịch bất động sản...bị phong tỏa trong quá trình điều tra.

Ông Chu Ngọc Anh tiếp tục nói về túi quà chứa 200.000 USD

Trả lời các câu hỏi của đại diện VKS về việc có ai ép buộc khai báo trong quá trình điều tra hay không? Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh đáp: "Không. Kiểm sát viên thấy tinh thần, sức khỏe của tôi thế này, chắc chắc không bị ai ép buộc".

Bị cáo Chu Ngọc Anh trả lời các câu hỏi của đại diện VKS

Bị cáo Chu Ngọc Anh trả lời các câu hỏi của đại diện VKS

Bị cáo Chu Ngọc Anh khai báo về quá trình nhận 200.000 USD của Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Theo đó, khi được Việt tặng túi quà, bị cáo nghĩ Việt lên gặp, giới thiệu sản phẩm nên bên trong túi chỉ chứa các sản phẩm này.

Bị cáo Chu Ngọc Anh nói: "Bị cáo không nghĩ là có tiền nên để ở sàn trong phòng nghỉ. Một tháng sau chuyển công tác về UBND TP.Hà Nội, bị cáo mở ra mới thấy bên trong có tiền và nghĩ ôi chết rồi, dù thế nào thì nhận tiền của doanh nghiệp là sai. Do vậy, bị cáo cho 200.000 USD vào vali chuyên dùng đi công tác".

Bị cáo nói thêm, định mang chiếc vali này về UBND TP.Hà Nội nhưng do chưa sửa xong phòng làm việc nên mang về nhà, để ở gara ô tô với dự định bao giờ đi công tác sẽ mang theo, trả cho Phan Quốc Việt. Nhưng "21 tháng ở Hà Nội, bị cáo không có chuyến công tác nào nên quên mất, đây là điều đau xót nhất", bị cáo trình bày.

Kiểm sát viên đặt câu hỏi: "Bị cáo Ngọc Anh không quan tâm, không dùng số tiền đó, vậy nó đang ở đâu? Tại sao không lấy đúng 200.000 USD ra giao nộp cơ quan điều tra mà lại quy đổi rồi nộp tiền Việt Nam?".

Bị cáo Ngọc Anh nói: "Chắc nó vẫn ở nhà thôi, khi bị cáo lên đường đi chịu trách nhiệm hình sự, có nhờ người nhà tìm chiếc vali này để nộp nhưng không thấy".

Trong vụ án này, bị cáo Ngọc Anh bị cáo buộc có 3 sai phạm gồm, ký quyết định cho Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt cùng Học viện Quân y tham gia nghiên cứu kit test Covid-19, kinh phí hơn 18 tỷ đồng từ nguồn Nhà nước.

Bị cáo biết rõ kết quả nghiên cứu đề tài là của Nhà nước, do chính mình đại diện sở hữu nhưng lại để Công ty Việt Á mang đi đăng ký lưu hành rồi sản xuất kit test, bán thu lời.

Tiếp đó, bị cáo Ngọc Anh còn chỉ đạo bị cáo Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo, khen thưởng Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á. Cuối cùng, Chu Ngọc Anh được Phan Quốc Việt "cảm ơn" 200.000 USD.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/phan-quoc-viet-noi-gi-ve-so-tai-san-khung-dang-bi-ke-bien-phong-toa-412386.html