Phân quyền, phân cấp ở các lĩnh vực tư pháp: Tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp - Bài 3

Sau khi hai Nghị định số 120 và 121 năm 2025 được ban hành thì một vấn đề được dư luận quan tâm là những nội dung phân cấp trong lĩnh vực luật sư. Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Tư pháp cho rằng việc phân cấp các nhiệm vụ, thủ tục hành chính lĩnh vực luật sư cho địa phương sẽ tạo điều kiện cho công dân, cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, từ đó có thể giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Lĩnh vực đấu giá tài sản được phân quyền tất cả 3/3 thủ tục hành chính. (Ảnh minh họa: moj.gov.vn)

Lĩnh vực đấu giá tài sản được phân quyền tất cả 3/3 thủ tục hành chính. (Ảnh minh họa: moj.gov.vn)

Bài 3: Giảm thời gian, chi phí tuân thủ khi phân cấp trong lĩnh vực luật sư

Một số điểm đáng chú ý của 2 Nghị định 120 và 121

Như đã đề cập, 2 Nghị định 120 và 121 năm 2025 quy định về phân quyền, phân cấp (PQPC) trong lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) của Bộ Tư pháp tập trung vào 02 nhóm nội dung: nhóm nội dung về trình tự, thủ tục và hồ sơ thực hiện các nội dung được PQPC (đã nêu) và nhóm nội dung về phân quyền.

Với nhóm nội dung về PQPC, về nguyên tắc, Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đẩy mạnh việc PQPC giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bộ, Bộ trưởng chỉ trực tiếp thực hiện các TTHC có tính chất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài như đã nêu trên.

Các lĩnh vực cụ thể như sau: Lĩnh vực đấu giá tài sản phân quyền 03/03 TTHC về cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá. Lĩnh vực trọng tài thương mại PQPC 10/10 TTHC cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện. Lĩnh vực quản lý luật sư (LS) phân quyền 04/20 TTHC cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lĩnh vực công chứng phân quyền 04/04 TTHC về bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên và công nhận tương đương đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài.

Lĩnh vực nuôi con nuôi phân quyền 01/04 TTHC (xác nhận công dân Việt Nam ở trong nước đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi). Lĩnh vực thừa phát lại phân cấp 04/04 TTHC về bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại thừa phát lại và công nhận tương đương đào tạo nghề thừa phát lại ở nước ngoài. Lĩnh vực trọng tài thương mại, hòa giải thương mại và quản lý, thanh lý tài sản (quản tài viên) gồm có tổng số 11 TTHC đã được Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ phân cấp tại Nghị định số 112/2025/NĐ-CP ngày 29/5/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Như vậy, sau khi PQPC, Bộ Tư pháp, Bộ trưởng trực tiếp giải quyết 18 TTHC còn lại.

Đối với các TTHC mà Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp PQPC cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện, dưới góc độ QLNN của mình, Bộ Tư pháp thấy rằng việc PQPC này là hợp lý, bảo đảm tính khả thi. Trên thực tế, số lượng giải quyết các TTHC này không nhiều (nhiều nhất là thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề LS thì năm 2024 cũng chỉ có 1.121 trường hợp; các thủ tục khác chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm hồ sơ mỗi năm trên phạm vi cả nước). Mặt khác, hiện nay các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hầu hết đều được nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp; các Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, xem xét đánh giá hồ sơ đủ hay không đủ điều kiện trình, sau đó, chuyển hồ sơ lên Bộ để Bộ, Bộ trưởng ra quyết định giải quyết các TTHC.

Về bản chất, lâu nay địa phương cũng đã thực hiện một phần quan trọng trong quy trình giải quyết các TTHC này; việc PQPC không phải là việc hoàn toàn mới cho địa phương mà là bảo đảm địa phương thực hiện xuyên suốt các TTHC; bảo đảm nguyên tắc “địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Bên cạnh PQPC triệt để việc giải quyết các TTHC, Bộ cũng đã rà soát thực hiện PQPC 10 nhiệm vụ QLNN. Cụ thể, về phân quyền, có 08 nhiệm vụ, thẩm quyền từ thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được phân quyền cho HĐND, UBND cấp tỉnh (05 nhiệm vụ bồi thường nhà nước, 02 nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật, 01 nhiệm vụ trợ giúp pháp lý).

Về phân cấp, có 02 nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện (01 nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 01 nhiệm vụ trợ giúp pháp lý).

Không phân cấp các thủ tục liên quan đến LS nước ngoài trong điều kiện hiện nay

Qua rà soát Luật LS và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tư pháp được giao thực hiện 24 nhiệm vụ, trong đó có 20 TTHC. Thực hiện chủ trương PQPC, Nghị định 121/2025NĐ-CP đã có quy định phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ và TTHC sau đây: (1) Cấp Chứng chỉ hành nghề LS (với 02 TTHC); (2) Thu hồi Chứng chỉ hành nghề LS; (3) Cấp lại Chứng chỉ hành nghề LS (với 02 TTHC);(4) Công nhận đào tạo nghề LS ở nước ngoài; (5) Giải quyết khiếu nại của LS trong trường LS không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Liên đoàn LS Việt Nam đối với trường hợp LS bị kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn LS từ 6 tháng đến 24 tháng và xóa tên khỏi danh sách LS của Đoàn LS. Đối với các TTHC liên quan cấp phép cho LS nước ngoài và tổ chức LS nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam không thực hiện phân cấp cho địa phương.

Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Tư pháp cho rằng việc phân cấp các TTHC nêu trên cho địa phương sẽ tạo điều kiện cho công dân (người dân có thể thực hiện TTHC ngay tại đia bàn), đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC (đối với những trường hợp cần phải xác minh về điều kiện), từ đó có thể giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện TTHC.

Đối với các thủ tục liên quan đến LS nước ngoài, tổ chức hành nghề LS nước ngoài, do tính chất đặc thù hoạt động nghề nghiệp của đối tượng quản lý là các LS, đặc biệt là LS, tổ chức hành nghề LS có yếu tố nước ngoài có liên quan đến vấn đề an ninh chính trị quốc gia, vấn đề quan hệ đối ngoại; mặt khác, LS, tổ chức hành nghề luật nước ngoài có thể vào Việt Nam để hành nghề trên toàn quốc. Với lý do như trên nên không thực hiện phân cấp cho địa phương trong điều kiện hiện nay.

Tích cực chuẩn bị để địa phương thực hiện các quy định về PQPC

Cũng theo Bộ Tư pháp, Nghị định số 121/2025NĐ-CP đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hồ sơ các TTHC khi phân cấp cho địa phương trong phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2025/TT-BTP ngày 12/6/2025 quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp và phân cấp trong lĩnh vực QLNN của Bộ Tư pháp quy định về hồ sơ, biểu mẫu cụ thể.

Đối với các TTHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, theo quy định mới về PQPC thì Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện. Đây không phải việc hoàn toàn mới đối với Sở Tư pháp, vì theo quy định hiện nay trước khi gửi hồ sơ lên Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp là nơi tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra ban đầu.

Bộ Tư pháp sẽ tăng cường hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc cho địa phương. Đây là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh chính quyền địa phương đồng thời nhận rất nhiều nhiệm vụ, trong khi nguồn lực bảo đảm thực hiện còn hạn chế; nhiều nhiệm vụ mới được giao, có các nhiệm vụ khó. Bên cạnh việc thiết lập đường dây nóng và giao Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm đầu mối để hướng dẫn giải đáp các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực QLNN của Bộ Tư pháp, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ luôn sẵn sàng tiếp nhận, hướng dẫn giải đáp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương về các lĩnh vực thuộc lĩnh vực quản lý.

Tính đến ngày 23/6/2025, Bộ Tư pháp đã công bố công khai các TTHC để địa phương tiếp tục công bố, bảo đảm đến ngày 01/7/2025, các TTHC đều được công bố đầy đủ để tổ chức, cá nhân thực hiện thuận lợi. Để phục vụ cho việc PQPC cho địa phương, hiện Bộ Tư pháp cũng đang tích cực nghiên cứu để xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin LS và tổ chức hành nghề LS liên thông với các địa phương, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc tái cấu trúc quy trình cấp chứng chỉ hành nghề LS theo quy định mới để các địa phương có thể thực hiện TTHC trên môi trường điện tử…

Về các điều kiện khác bảo đảm cho các địa phương thực hiện TTHC, theo Bộ Tư pháp đánh giá, năng lực chuyên môn của địa phương có thể hoàn toàn đảm nhiệm được các nội dung PQPC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên, do cùng một lúc phải thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong bối cảnh hợp nhất, sáp nhập địa phương nên không tránh khỏi tình trạng quá tải nên việc cần nhất lúc này là cần tăng cường nhân lực cho địa phương, nhất là các thành phố lớn. Các cấp chính quyền địa phương quan tâm, bố trí đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc để triển khai hiệu quả các TTHC trực tuyến. Chú trọng việc bố trí, điều động, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp hiện chỉ giữ 1 thẩm quyền

Ngày 12/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành 2 Thông tư: số 08/2025/TT-BTP quy định về phân định thẩm quyền của CQĐP 02 cấp và phân cấp trong lĩnh vực QLNN của Bộ Tư pháp; số 09/2025/TT-BTP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng HĐND và UBND thuộc UBND xã, phường, đặc khu trong lĩnh vực tư pháp. Cùng với hướng dẫn địa phương thực hiện các nhiệm vụ được PQPC tại 2 Thông tư này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã phân cấp tối đa nhất thẩm quyền, trách nhiệm của mình cho các Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ trong một số lĩnh vực như nuôi con nuôi; cấp, gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; quốc tịch; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật… Bộ trưởng Bộ Tư pháp hiện chỉ giữ 1 thẩm quyền là quyết định thành lập cơ sở đào tạo nghề LS thuộc Liên đoàn LS Việt Nam.

Ngày 25/6/2025, Bộ Tư pháp tiếp tục ban hành Thông tư số 11/2025/TT-BTP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư thuộc lĩnh vực QLNN của Bộ Tư pháp, bảo đảm thực hiện hiệu quả, thống nhất chủ trương phân định thẩm quyền, PQPC trong lĩnh vực tư pháp.

Hà Anh - Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phan-quyen-phan-cap-o-cac-linh-vuc-tu-phap-tao-thuan-loi-cao-nhat-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-bai-3-post553653.html