Phán quyết của Tòa án Liên Hợp Quốc có tính ràng buộc với Nga không?
Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế là một chiến thắng chính trị cho Ukraine, nhưng chưa thể khẳng định Nga sẽ tuân thủ yêu cầu chấm dứt chiến dịch quân sự.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã giành được chiến thắng pháp lý quan trọng khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết hôm 16/3, yêu cầu Nga chấm dứt ngay chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Phán quyết của ICJ là chung thẩm và có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý với Nga. Tuy vậy, khả năng Điện Kremlin tuân thủ phán quyết này bị hoài nghi bởi ICJ không có công cụ cưỡng chế để bắt buộc các bên liên quan thi hành phán quyết này.
Phán quyết của ICJ nói gì?
Vụ kiện được Ukraine đưa ra ICJ, cơ quan tài phán quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc, ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự.
Đơn kiện đề nghị ICJ xem xét tính pháp lý của cáo buộc mà Nga đưa ra rằng chính phủ Kyiv tiến hành diệt chủng tại miền Đông Ukraine, đây vốn là luận điểm Moscow sử dụng để lý giải cho chiến dịch quân sự hiện nay.
Trong phiên xử đầu tiên ngày 7/3, đại diện Kyiv đề nghị ICJ có biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự của lực lượng Nga và các tổ chức liên quan trên lãnh thổ Ukraine.
Trong kết luận đưa ra hôm 16/3, ICJ cho rằng các phát ngôn của đại diện chính phủ Nga, bao gồm Tổng thống Putin, thể hiện sự thống nhất cáo buộc Ukraine có hành vi diệt chủng theo định nghĩa của Công ước về Diệt chủng mà cả Nga và Ukraine đều là thành viên.
Tuy nhiên, ICJ kết luận Moscow không thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào chứng minh chính quyền Ukraine thực hiện hành vi diệt chủng.
Ngoài ra, ngay cả khi tội ác diệt chủng thực sự đã xảy ra ở một quốc gia, các quốc gia thành viên của Công ước chỉ có thể áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, như tôn trọng chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Vì những lý do này, ICJ kết luận Ukraine có quyền không bị Nga tấn công quân sự, một quyền được quy định trong Công ước về Diệt chủng.
ICJ, với 15 thẩm phán, đã thông qua các biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu tất cả các bên phải thực thi.
Theo phán quyết, thứ nhất, Nga phải chấm dứt mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ hợp pháp của Ukraine. Đây là lãnh thổ với đường biên giới được quốc tế công nhận sau khi Ukraine tách khỏi Liên Xô năm 1991. Biện pháp này được thông qua với 13 phiếu thuận và 2 phiếu chống.
Thứ hai, Nga phải bảo đảm tất cả lực lượng quân sự, dù trực tiếp hay gián tiếp được Moscow kiểm soát hoặc ủng hộ, dừng mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Biện pháp này được thông qua với 13 phiếu thuận và 2 phiếu chống.
Thứ ba, ICJ đồng thuận thông qua yêu cầu tất cả các bên liên quan không có hành vi làm trầm trọng thêm tình hình hoặc làm gia tăng căng thẳng.
Triển vọng thực thi?
Moscow lập luận ICJ không có thẩm quyền xét xử vụ việc, tuyên bố rằng hành động quân sự không dựa trên cáo buộc về diệt chủng. Tuy nhiên, lập luận này đã bị ICJ bác bỏ hoàn toàn.
Nga cũng không cử đại diện tham dự phiên xét xử hôm 7/3, dù vẫn gửi bản đệ trình lập trường biện hộ của Nga cho ICJ.
Phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc pháp lý, đồng nghĩa Ukraine, Nga và các nhóm phiến quân ly khai ở Donbas có nghĩa vụ thực thi bắt buộc. Tuy vậy, ICJ không có công cụ cưỡng chế buộc các bên thi hành phán quyết này.
Thông thường, khi phán quyết của ICJ không được một bên tuân thủ, bên còn lại có thể đưa vụ việc ra giải quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thi hành bằng tất cả biện pháp, bao gồm sử dụng vũ lực.
Tuy vậy, Nga là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an, có quyền phủ quyết mọi vấn đề được đưa ra cơ quan này. Do đó, việc sử dụng cơ chế Hội đồng Bảo an để cưỡng chế thi hành phán quyết hôm 16/3 của ICJ là không khả thi.
Thực tiễn cho thấy đã có tiền lệ khi các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ chối tuân thủ phán quyết của các tòa án, tòa trọng tài quốc tế.
Ví dụ điển hình là Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện với Philippines về quy chế pháp lý của đường 9 đoạn trên Biển Đông.
Tuy vậy, cũng có những vụ việc mà các nước lớn, bằng cách này hay cách khác, có biện pháp gián tiếp tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế dù là bên thua kiện.
Trong vụ kiện năm 1986 giữa Nicaragua và Mỹ, ICJ phán quyết kết luận rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế khi hỗ trợ cho nhóm phiến quân Contras chống lại Nicaragua và thả thủy lôi vào vùng biển Nicaragua. ICJ yêu cầu Mỹ chấm dứt các hành động này và bồi thường thiệt hại cho Nicaragua.
Ban đầu, Washington bác bỏ thẩm quyền xét xử của ICJ. Sau khi phán quyết được đưa ra, Mỹ tuyên bố không công nhận phán quyết, đồng thời ngăn cản Nicaragua đưa phán quyết ra Hội đồng Bảo an.
Mặc dù vậy, từ năm 1988, Washington chấm dứt tài trợ cho phiến quân Contras. Đến năm 1990, Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận thương mại với Nicaragua. Cùng năm này, chính phủ Mỹ cung cấp một gói viện trợ lớn cho Nicaragua.
"Dù Mỹ tuyên bố không tuân thủ phán quyết, việc Nicaragua khởi động vụ kiện và các hành động tiếp theo đã giúp họ thu được những kết quả như mong muốn", tổ chức nghiên cứu chính sách CSIS nhận định.
Một ví dụ khác là vụ kiện Arctic Sunrise năm 2013 giữa Nga và Hà Lan. Trong vụ việc này, Hà Lan khởi kiện sau khi Nga bắt giữ tàu Arctic Sunrise cùng nhiều thành viên thủy thủ đoàn.
Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) ra phán quyết yêu cầu Nga thả tàu và cho phép thủy thủ đoàn nước ngoài rời Nga.
Dù Nga bác bỏ thẩm quyền của ITLOS cũng như từ chối tuân thủ phán quyết, Moscow cuối cùng thực thi tất cả các biện pháp như phán quyết yêu cầu.
Nga tuyên bố thả tàu Arctic Sunrise và trả tự do cho thủy thủ đoàn là biện pháp phù hợp với luật pháp nước mình, không phải vì phán quyết của ITLOS.
Tháng 8/2015, ITLOS yêu cầu Nga trả tiền bồi thường cho Hà Lan vì vụ việc Arctic Sunrise. Tuy vậy, Moscow không tuân thủ nghĩa vụ bồi thường này.