Phán quyết vì tương lai

Ngày 3-11 (giờ Mỹ), cử tri xứ cờ hoa chính thức bước vào sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm: Bầu cử tổng thống. Đây không chỉ là cuộc quyết đấu giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, mà còn là cuộc đấu trí trong chính mỗi cử tri Mỹ, khi họ phải đưa ra một quyết định có tác động sâu sắc tới cuộc sống của mình trong 4 năm tới.

Có thể nói, hiếm có một cuộc bầu cử nào trên thế giới lại thu hút được sự quan tâm đặc biệt như bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Đơn giản, ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong lúc nước sôi lửa bỏng này không còn là chuyện riêng của nước Mỹ, mà có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự toàn cầu trong những năm tới.

Việc có hơn 100 triệu cử tri Mỹ đã hoàn thành nghĩa vụ bỏ phiếu trước ngày bầu cử-mức cao kỷ lục trong hơn một thế kỷ qua, chẳng cho thấy nước Mỹ đang bước vào một ngày hội lớn. Trái lại, rất nhiều cử tri xứ cờ hoa cầm trên tay lá phiếu với tâm trạng u ám, chán chường bởi nước Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng cùng ập tới một lúc. Đại dịch Covid-19 đã để lại những vết chém dữ dằn trên cơ thể của nền kinh tế hàng đầu thế giới khi số người chết vì loại virus SARS-CoV-2 quái ác này vẫn tăng chóng mặt từng ngày, trong khi hàng chục triệu lao động điêu đứng vì rơi vào cảnh thất nghiệp, vô số doanh nghiệp làm ăn bết bát và đứng trước nguy cơ phá sản. Cùng với đó, những cuộc biểu tình, nguy cơ bạo loạn xảy ra trong thời gian vừa qua cũng cho thấy, nước Mỹ đang chứng kiến một chương tối mới về nạn phân biệt chủng tộc...

 Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump (phải) và ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: TTXVN.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump (phải) và ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: TTXVN.

Trước “cơn bĩ cực” như thế, xúc cảm và niềm tin về một nước Mỹ với vai trò bá chủ thế giới có vẻ như đã phai nhạt trong suy nghĩ của các cử tri Mỹ. Khát khao lớn nhất của họ giờ đây là lựa chọn một “người cầm cương quyền lực” đủ tài để giúp họ có thể bước trên đường phố đông đúc một cách an toàn, đồng thời không phải thở dài mỗi khi nhìn vào ví tiền và thực đơn bữa tối.

Cũng giống như cách đây 4 năm, đương kim Tổng thống Donald Trump bước vào ngày bầu cử quan trọng với đôi chút yếu thế so với đối thủ, lần này là cựu Phó tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ. Ít giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, trang mạng RealClearPolitics công bố kết quả một cuộc khảo sát, trong đó cho thấy ông Donald Trump chỉ nhận được 44,3% ý kiến ủng hộ của các cử tri so với tỷ lệ 51% của ông Joe Biden. Thực tế cũng cho thấy, trong suốt quá trình vận động tranh cử vừa qua, cựu Phó tổng thống Mỹ luôn là người dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận. Thế cân bằng chỉ được thể hiện ở các bang chiến địa khi khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với hai ứng cử viên vẫn duy trì ở mức sít sao.

Vậy nhưng, màn lật ngược thế cờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 nhắc nhở người ta rằng chẳng nên tin vào kết quả của các cuộc thăm dò như thế. Còn nhớ khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng liên tục dẫn trước tỷ phú Donald Trump trong các bảng thăm dò dư luận trước thềm bầu cử. Nhưng rồi trong một ngày mà cả nước Mỹ và thế giới đang chắc mẩm về chiến thắng vang dội dành cho bà Hillary Clinton, thì ông Donald Trump lại làm nên “cú phản đòn chí tử” vào giờ chót để hiên ngang bước vào Nhà Trắng trong sự ngỡ ngàng của hầu hết các nhà phân tích chính trị. Cũng từ đó, nhiều người bắt đầu tin rằng, các cuộc thăm dò dư luận về bầu cử tổng thống Mỹ thực chất chỉ tạo ra những con số vô nghĩa.

Việc hai thị trấn Dixville Notch và Millsfield thuộc bang New Hampshire mở cửa bỏ phiếu đầu tiên vào lúc 0 giờ ngày 3-11 (theo giờ Mỹ) với kết quả 1 thắng-1 thua dành cho cả ông Donald Trump cũng như ông Joe Biden càng cho thấy, thế trận giữa hai ứng cử viên này vẫn chỉ dừng lại ở mức giằng co, “kẻ tám lạng, người nửa cân” và nếu chỉ dựa vào các cuộc thăm dò dư luận để đặt cược tất tay cho chiến thắng của ông Joe Biden thì quả là quyết định quá liều lĩnh.

Cách đây 4 năm, cử tri Mỹ đã đặt niềm tin vào Donald Trump, người mà trong suốt nhiệm kỳ vừa qua luôn thu hút được sự chú ý của toàn thế giới bởi những lời lẽ vạ miệng và những hành động chưa từng có trong chính sách đối ngoại của cường quốc số 1 thế giới. Không ít lần, dư luận tỏ ra nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của ông Donald Trump, cho rằng nước Mỹ dưới thời Donald Trump giống như một con tàu đang chạy điên cuồng, sẵn sàng cuốn phăng tất cả niềm tự hào và vị thế vốn có của một siêu cường. Thế nhưng, cũng không vì thế mà những thành tựu, đặc biệt là về kinh tế của ông Donald Trump trong 4 năm qua bị lãng quên. Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, kinh tế Mỹ đã liên tiếp trải qua 3 năm sôi động với mức tăng trưởng trung bình 2,6%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức kỷ lục. Và công bằng mà nói, dù bước vào ngày bầu cử năm nay với lời hứa “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại” còn dang dở, đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn được nhìn nhận là một “nhà buôn” giỏi và về dài hạn có thể giúp túi tiền của các doanh nghiệp cũng như người dân Mỹ đầy trở lại. Với thông điệp “Duy trì nước Mỹ vĩ đại” (Keep America great), nghị trình tập trung vào việc làm, thuế và kinh tế mà ông Donald Trump đưa ra trước ngày bầu cử dường như cũng thuyết phục được nhiều cử tri khó tính, khiến cơ hội tái đắc cử của ông được đánh giá là còn cao hơn so với năm 2016.

Nhìn sang ông Joe Biden, các cử tri nhận thấy cựu Phó tổng thống này là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm với thâm niên gần 50 năm lăn lộn trên chính trường, luôn thể hiện sự vững vàng trong lời ăn tiếng nói và cho thấy mình là người có thể đoàn kết đất nước trong thời điểm hỗn loạn hiện tại. Ứng cử viên của đảng Dân chủ có vẻ như cũng rất biết cách nắm bắt tâm lý cử tri khi đưa ra ưu tiên hàng đầu nếu đắc cử là giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến khoảng 240.000 người tại nước này thiệt mạng. Tuy nhiên, điểm trừ của chính trị gia lão luyện này lại nằm ở cương lĩnh kinh tế-vốn được coi là một trong những yếu tố quyết định tới lá phiếu của các cử tri, khi ông chỉ đưa ra cam kết chung chung mà không có những đường hướng cụ thể, mang tính thuyết phục cao nhằm giúp đất nước thoát khỏi mớ bòng bong về kinh tế.

Cũng phải thừa nhận rằng, trong cuộc bầu cử năm nay, không ứng cử viên nào chứng minh được rằng mình có thể truyền cảm hứng lạc quan cho đa số cử tri. Dù các con số thăm dò đang nghiêng về ứng cử viên Joe Biden, nhưng rất có thể, dư luận sẽ một lần nữa được chứng kiến màn lội ngược dòng “siêu kinh điển” mà họ từng thấy trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Donald Trump hay Joe Biden, lợi ích kinh tế sát sườn hay ưu tiên xử lý đại dịch, cử tri Mỹ đang thực sự đứng trước hai lá phiếu khó khăn song vẫn phải đưa ra phán quyết cuối cùng để lựa chọn tương lai cho chính mình.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/phan-quyet-vi-tuong-lai-642889