Phan Thiết: Điều tiết hoạt động các chợ truyền thống
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP. Phan Thiết đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch kịp thời tại các khu vực chợ truyền thống. Điều này giúp chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, góp phần giúp địa phương đạt mục tiêu kép.
Phan Thiết
Nhiều nguy cơ
Chợ đầu mối Phan Thiết tiếp nhận mỗi ngày khoảng 50 xe tải từ các tỉnh như Đồng Nai, Tiền Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận… tập kết các loại nông sản rau, củ, quả. Từ điểm này, các loại hàng hóa sẽ được phân bổ rộng khắp ra các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố cũng như ở các huyện lân cận. Thêm vào đó, sau khi giao hàng tại chợ đầu mối Phan Thiết, không ít chủ hàng giao hàng trực tiếp ở các khu vực khác, ngồi bán ngay tại chợ hoặc trên một số trục đường trên địa bàn.
Còn các chợ truyền thống ở các xã, phường hàng ngày đều có lưu lượng đông người mua bán trong không gian chật hẹp, đứng san sát nhau… Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến lây nhiễm bệnh Covid-19. Mặc dù các hộ tiểu thương và người dân được tuyên truyền là phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, đảm bảo an toàn cho chợ, nhưng đâu đó tiểu thương vẫn còn có tâm lý chủ quan. Dẫu có đeo khẩu trang, nhưng thi thoảng tiểu thương lại kéo xuống cằm. Điều này không khó thấy trong quá trình mua bán tại các chợ. Không chỉ vậy, chủ hàng và tài xế từ các tỉnh cũng giao hàng trực tiếp ở các chợ truyền thống tuyến phường, xã vào 1 - 2 giờ sáng.
Chốt chặn đầu đường Lê Văn Phấn - Thủ Khoa Huân, nhằm hạn chế lưu lượng xe vào chợ Phú Thủy để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ảnh: Ngọc Lân
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu 1 chuyến xe mang mầm bệnh lọt qua khâu kiểm soát, nguy cơ lây lan bệnh trên diện rộng rất cao. Các chợ có nguy cơ buộc tạm dừng hoạt động. Điều này sẽ có khả năng làm chuỗi cung ứng rau, củ, quả… bị gián đoạn, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Từng giải pháp
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, UBND TP. Phan Thiết đã xây dựng “vùng đệm” tại chợ Mũi Né, chợ đầu mối Phan Thiết… cho các phương tiện vận tải dừng, đỗ để giao nhận hàng hóa. Suốt quá trình giao nhận, chủ hàng, tài xế và phụ xe đeo khẩu trang, không được xuống xe. Việc vận chuyển hàng hóa từ xe vào chợ hoặc ngược lại sẽ do bộ phận chuyên trách tại chợ thực hiện.
Tai chợ đầu mối Phan Thiết, UBND phường Đức Nghĩa đã bố trí thêm lực lượng dân phòng canh gác tại đây, với nhiệm vụ điều tiết, hướng dẫn các phương tiện dừng, đỗ tại “vùng đệm” và hỗ trợ lực lượng Công an phường kiểm tra từng loại phương tiện. Tuy nhiên, các phương tiện trong tỉnh xuất phát từ các địa điểm có liên quan đến ca mắc Covid-19 đã được Sở Y tế Bình Thuận thông báo. Lực lượng chức năng sẽ chủ động liên hệ qua điện thoại, yêu cầu các phương tiện này quay đầu, không được đi vào chợ.
Ông Đỗ Quốc Bảo - Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa chia sẻ: Từ sự chỉ đạo của UBND TP. Phan Thiết, UBND phường bố trí phương án giao, nhận hàng; huy động lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát các phương tiện giao hàng tại chợ. Hiện nay, mọi việc được thực hiện khá tốt, đi vào ổn định. Với thói quen kiểm hàng, giao đơn hàng trực tiếp giữa chủ hàng, tài xế và dân địa phương sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Vì vậy, UBND phường yêu cầu họ sử dụng điện thoại di động để trao đổi và tăng cường giao dịch không dùng tiền mặt. Riêng khu chợ truyền thống Phan Thiết, các tiểu thương được yêu cầu ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Theo UBND phường Phú Thủy, thực hiện giãn cách theo chỉ đạo UBND TP. Phan Thiết, sáng 21/7, chốt chặn tại 2 đầu chợ Phú Thủy được thiết lập tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, giảm thiểu lượng người và xe ra vào đường Lê Văn Phấn để đảm bảo phòng dịch. Người dân đi chợ Phú Thủy sẽ đi vào đường Lê Văn Phấn từ hướng Thủ Khoa Huân, ra lại cũng con đường này hướng giao với đường Nguyễn Tương. Đồng thời, UBND phường cử lực lượng trực gác ghi lại tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của tài xế giao hàng vào thời 1 - 2 giờ sáng ở chợ. Nếu xe đến từ vùng, các tỉnh có dịch, thì lực lượng báo cho cơ quan chức năng để có giải pháp kịp thời.
Ông Lê Văn Chơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết: UBND TP. Phan Thiết yêu cầu UBND các xã, phường khảo sát, lập “vùng đệm” cho các xe tập kết giao hàng tại các chợ, không tiếp cận với tiểu thương địa phương. Tất cả các phương tiện đến tập kết hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính của tài xế và phụ xe, giấy xác nhận khi đi qua chốt kiểm dịch, đồng thời phải ghi rõ lịch trình xe xuyên suốt quá trình di chuyển. Bên cạnh đó, các lực lượng kiểm soát được trang bị khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn, tấm đeo chống giọt bắn. UBND các phường, xã đảm bảo khoảng cách, hạn chế tập trung đông người ở các chợ.
Cùng sự đồng lòng của người dân
Một số tiểu thương ở chợ Phan Thiết cho biết: “Thời điểm này, Bình Thuận đang thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Do đó, quang cảnh mua bán ở các chợ có phần trầm lắng hơn so với những ngày trước. Vì sự an toàn cho chính mình và mọi người trong cộng đồng, tiểu thương đồng lòng vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, thực hiện nghiêm các khuyến cáo về phòng dịch”.
Lực lượng chức năng kiểm tra các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch tại chợ đầu mối nông sản ở TP. Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân
Riêng chợ đầu mối Phan Thiết, lưu lượng xe vận chuyển hàng hóa về chợ cũng giảm. Điều này đã giảm tải phần nào công việc của lực lượng kiểm soát tại chợ. Không vì vậy, mà lực lượng buông lỏng sự cảnh giác. “Các anh em trong lực lượng dân phòng trực tiếp kiểm soát tại chợ, đều là những người đã sinh sống và lớn lên tại phường Đức Nghĩa, gắn bó chặt chẽ với chợ đầu mối Phan Thiết. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu và biết rất rõ ý nghĩa của khu chợ lâu đời này. Bởi chợ còn là nguồn sống của rất nhiều người lao động bình dân. Nếu không may chợ buộc phải tạm dừng hoạt động, thì cuộc sống của tất cả người lao động ở khu chợ này sẽ rất khó khăn.Việc đảm bảo cho chợ hoạt động an toàn không chỉ là trách nhiệm, mà đó còn là tình cảm của người dân phường Đức Nghĩa dành cho chợ”, ông Trần Minh Tấn - Đội trưởng Đội dân phòng phường Đức Nghĩa chia sẻ.
Ông Đoàn Đình Bảo, Trưởng đội bốc xếp phường Đức Nghĩa, người đã gắn bó với chợ hơn 10 năm, bộc bạch: Đội bốc xếp gồm 20 thành viên bốc dỡ, sắp xếp, vận chuyển hàng hóa. Thời gian làm việc mỗi ngày từ 10 giờ tối hôm nay đến 7 giờ sáng hôm sau. Trong giai đoạn dịch Covid-19, hàng hóa suy giảm đáng kể đã khiến thu nhập của đội cũng giảm theo. Chúng tôi mong muốn chính quyền chống dịch thành công để cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường. Bản thân anh em đội bốc xếp cũng chấp hành nghiêm túc quy định 5K, tránh tiếp xúc với chủ hàng, tài xế và phụ xe góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân và mọi người trong chợ.
Trang Minh