Phân tích bản đồ động đất Đông Nam Á, nguy cơ của Việt Nam đến đâu?

Việt Nam nằm trong khu vực ít xảy ra hoạt động địa chấn mạnh, theo bản đồ do Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) công bố gần đây.

Tuy nhiên, không vì vậy mà Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi các trận động đất mạnh, chẳng hạn trận động đất kinh hoàng ở Myanmar hôm 28-3 vừa qua.

Dự án "Nguy cơ động đất Đông Nam Á" của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) được khởi xướng để ứng phó với trận siêu động đất Sumatra ngày 26-12-2004 và trận sóng thần sau đó đã gây ra thương vong và thiệt hại kinh tế đáng kể ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives.

Trong bản đồ địa chấn mới được USGS công bố, Đông Nam Á là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn dữ dội nhất thế giới, bao gồm Indonesia, Philippines và Myanmar.

Theo đó, nơi này có nguy cơ động đất thay đổi, từ nguy cơ động đất cao liên quan đến quá trình hút chìm bên dưới quần đảo Indonesia và Philippines đến nguy cơ động đất vừa phải trên khắp một khu vực rộng lớn bao gồm bán đảo Malaysia.

Trong bản đồ địa chấn mới được USGS công bố, Đông Nam Á là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn dữ dội nhất thế giới. Ảnh: USGS

Trong bản đồ địa chấn mới được USGS công bố, Đông Nam Á là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn dữ dội nhất thế giới. Ảnh: USGS

Tại Indonesia, hoạt động địa chấn xảy ra dày đặc. USGS từng đánh giá chuyển động mặt đất cao hơn đáng kể so với quy định xây dựng hiện tại của nước này.

Vùng Nam Sumatra của Indonesia bao gồm một trong những rìa mảng kiến tạo hoạt động địa chấn mạnh nhất trên thế giới. Ở vùng Java của Indonesia, động đất thường gây ra thiệt hại từ sự rung chuyển hoặc sóng thần do đứt gãy trên giao diện mảng và đứt gãy trong các mảng Úc hoặc Sunda.

Tại Thái Lan, các kỹ sư, nhà địa chất, quan chức chính phủ, đại diện ngành và học giả trong một cuộc hội thảo trước đây đã thảo luận về việc xác định mối quan hệ suy giảm thích hợp cho khu vực gần thủ đô Bangkok, ước tính cường độ động đất cực đại trên các đứt gãy và khả năng đứt gãy tái diễn. Trong bản đồ của USGS, hoạt động địa chấn mạnh ở Thái Lan ít hơn hẳn so với Indonesia.

Theo USGS, nguy cơ động đất ở Thái Lan có xu hướng được kiểm soát bởi sự hút chìm và động đất sâu tại các địa điểm ven biển, các đứt gãy ở nhiều nơi thuộc phía Tây nội địa Thái Lan và các sự kiện nền tương đối ít xảy ra ở vùng nội địa ổn định.

Yếu tố chính góp phần gây ra nguy cơ ở thủ đô Bangkok là động đất nền trong mảng Sunda ổn định. Hầu hết đứt gãy ở Thái Lan trong mô hình của USGS đều có cường độ đặc trưng với thời gian tái diễn là vài ngàn năm.

Đáng chú ý, hai đứt gãy có chu kỳ tái diễn theo thứ tự vài trăm năm là đứt gãy sông Hồng (chạy qua Tây Bắc và đồng bằng sông Hồng của Việt Nam) và đứt gãy Sagaing (kéo dài hơn 1.000 km qua miền Trung Myanmar). Những đứt gãy này gây ra mối nguy hiểm cao nhất ở phía Bắc Đông Nam Á.

Vì vậy, dù nằm ngoài các khu vực diễn ra hoạt động địa chấn mạnh ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn có nguy cơ hứng chịu các trận động đất nhỏ hoặc bị ảnh hưởng bởi rung chấn từ các trận động đất mạnh trong khu vực. Minh chứng rõ nhất là hiện tượng rung lắc và nứt vỡ tại một số tòa nhà ở Hà Nội và TP HCM sau trận động đất ở Myanmar hôm 28-3.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phan-tich-ban-do-dong-dat-dong-nam-a-nguy-co-cua-viet-nam-den-dau-196250401144813927.htm