Phân tích đặc điểm nhân vật theo Chương trình GDPT 2018

Đặc điểm của nhân vật có ảnh hưởng như thế nào tới cách nhìn của người đọc về nhân vật?

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Khi viết một bài văn phân tích đặc điểm của nhân vật văn học ta cần khai thác các đặc điểm của nhân vật đã được xây dựng ra sao?

Trả lời những câu hỏi ấy có thể không khó nhưng để viết được một bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm truyện, đặc biệt với học sinh lớp 7 là điều không dễ dàng.

Tránh được học tủ, học lệch

Nhiều em đang tạo lập văn bản một cách máy móc, sao chép từ một bài viết có sẵn nào đó. Tuy nhiên, trong chương trình Ngữ văn lớp 7 của Chương trình GDPT 2018 nói riêng và yêu cầu đổi mới của chương trình GDPT nói chung chú trọng dạy kỹ năng, luyện cách viết.

Nó sẽ tránh được việc học tủ, học lệch, rèn khả năng nhận thức vấn đề, xác định vấn đề nghị luận, hướng tới sự thích ứng, linh hoạt đối với kiểu bài nghị luận văn học, nhằm giúp các em nhận diện, tạo lập văn bản chặt chẽ, logic hơn, cách thực hiện yêu cầu với dạng đề mới cũng sẽ không còn bỡ ngỡ.

Trong xu thế hiện nay các dạng bài tập, đề ra vô cùng đa dạng và mới mẻ, liên tục đổi mới. Và các dạng đề phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện là một thể văn quan trọng mà các em sẽ gặp nhiều.

Trong chương trình Ngữ văn lớp 7, các tác phẩm truyện - đoạn trích chiếm dung lượng khá lớn và có một vị trí rất quan trọng. Vì thế, kiểu bài phân tích đặc điểm nhân vật - kiểu bài đặc trưng của tác phẩm truyện - đoạn trích cũng được chú trọng.

Các yêu cầu nghị luận văn học đặc biệt là phân tích đặc điểm nhân vật đa dạng, phong phú hơn và khó hơn, yêu cầu cao hơn về việc hiểu đề và xây dựng hệ thống luận điểm, luận cứ.

Chính vì vậy trong quá trình dạy, học đòi hỏi học sinh phải chú ý tiếp thu nhanh nhạy, bài bản không chỉ kiến thức cơ bản trọng tâm về các tác phẩm văn học, mà còn cần nắm vững kỹ năng khi làm dạng đề.

Đây là một trong những phương pháp tối ưu nhằm “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học” (Quyết định 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Nói khác hơn rèn kỹ năng làm văn nghị luận văn học, làm bài phân tích đặc điểm nhân vật đặc biệt là đối với học sinh lớp 7 là một phương pháp huy động được nhiều kỹ năng, phương pháp, kiến thức trong một tiết dạy nhằm tạo nên không khí hứng thú cho mỗi giờ học, nhằm phát huy tính sáng tạo cho học sinh, tạo ra các môi trường khác nhau để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất, đồng thời là sự khởi nguồn sáng tạo, biến những ý tưởng sáng tạo của học sinh thành hiện thực để các em thể hiện hết khả năng sáng tạo của mình, đáp ứng chương trình mới.

Trong quá trình thực hiện để tiết học hiệu quả, các hoạt động của học sinh diễn ra tích cực, chủ động chúng tôi đã phải xây dựng kế hoạch giáo dục, giảng dạy, soạn giáo án chi tiết, tỉ mỉ. Tổ chuyên môn, nhóm Ngữ văn 7 lập kế hoạch chi tiết.

Phương pháp phân tích nhân vật được triển khai trong từng tiết dạy, đặc biệt các tiết dạy văn bản, tiết dạy Tập làm văn, chú trọng hoạt động viết - nói - nghe. Giáo viên nên giao nhiệm vụ, yêu cầu học sinh nắm vững các văn bản văn học đã học trong chương trình Ngữ văn 7 cho các em trước thời gian thực hiện học tập trên lớp, từ đó hướng dẫn học sinh báo cáo kết quả và nhận xét, đánh giá kết quả của học sinh kịp thời. Học sinh nắm vững văn bản, kiểu đề, lập sơ đồ tư duy từng đơn vị bài học, lập bảng thống kê chi tiết theo đặc trưng thể loại.

Kỹ năng làm các dạng bài

Sau khi chuẩn bị chu đáo, trước khi bắt đầu tiết dạy, giáo viên sử dụng các câu hỏi khởi động, các phiếu học tập trong phần hình thành kiến thức mới để học sinh nắm được yêu cầu chung của bài phân tích nhân vật.

Phân tích đặc điểm nhân vật là giới thiệu, miêu tả, nêu lên nhận xét về những nét tiêu biểu của nhân vật trong tác phẩm như: Lai lịch, hình dáng, tính cách, những suy nghĩ, lời nói, việc làm... từ đó để chỉ ra được cái thần thái, đặc trưng, bản chất của nhân vật.

Nên lựa chọn nhân vật sẽ phân tích trong tác phẩm văn học và đọc kĩ tác phẩm viết về nhân vật đó. Nên tóm tắt câu chuyện, xác định tình huống, chi tiết, ghi chép những đặc điểm của nhân vật đã được nói đến trong tác phẩm để đưa ra đánh giá, suy nghĩ về nhân vật dựa trên những đặc điểm đó bằng ý kiến, lí lẽ, bằng chứng phải có ở mỗi dạng đề.

Cuối cùng là lập dàn ý và viết bài phân tích đặc điểm của nhân vật theo dàn ý đã lập. Cách sử dụng các yếu tố then chốt khi xây dựng nhân vật cũng cần được chú ý.

Có thể yêu cầu các em có phiếu học tập, bảng thống kê, sơ đồ tư duy. Kết hợp giữa việc kiểm tra miệng, kiểm tra viết, xây dựng kế hoạch kiểm tra ở nhóm, tổ.

Để bài học phân tích nhân vật về một tác phẩm, đoạn trích truyện thật sự hiệu quả, giáo viên cần cho học sinh tự hệ thống và cung cấp bổ sung thông tin cốt lõi cho học sinh các kiến thức và kỹ năng trên, sau đó cho học sinh tiến hành luyện tập với bài tập ở sách giáo khoa và những bài tập minh họa tương ứng. Trong các bài kiểm tra định kỳ và các giờ trả bài, phần nghị luận văn học, chúng ta vừa cho học sinh luyện tập, củng cố và uốn nắn những sai sót.

Điều quan trọng nữa là xây dựng kỹ năng làm các dạng bài cụ thể về phân tích một nhân vật trong tác phẩm, đoạn trích truyện từ phần tìm ý đến lập dàn ý:

- Tìm ý:

+ Phải xác định được nhân vật cần nghị luận thuộc kiểu loại nhân vật nào: Nhân vật chính hay phụ, có vai trò như thế nào trong tác phẩm?

+ Tùy từng kiểu loại nhân vật để khai thác phân tích cho phù hợp; nhưng cơ bản đều dựa vào những biểu hiện về nguồn gốc lai lịch, về hoàn cảnh cuộc sống, về ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, và nội tâm để phát hiện ra những đặc điểm tiêu biểu về cuộc đời, phẩm chất…

+ Khi nghị luận về nhân vật, chú ý khái quát, nâng cao nhân vật ấy xem nhân vật có đại diện, tiêu biểu cho tầng lớp, thế hệ nào không.

- Lập dàn ý:

A: Mở bài

+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm (giá trị nội dung cốt lõi).

+ Giới thiệu nhân vật.

+ Nêu ấn tượng chung về nhân vật (tránh nêu ra cả những đặc điểm của nhân vật khi trong đề bài không giới hạn trước).

B: Thân bài (có thể xây dựng thành các ý sau)

Ý 1: Giới thiệu chung về thể loại, tóm tắt truyện theo cách ngắn gọn khoảng 3 - 5 câu.

Ý 2: Lần lượt nghị luận làm rõ những đặc điểm tiêu biểu của nhân vật về

+ Hoàn cảnh cuộc sống, công việc…

+ Hình dáng, diện mạo (nếu có).

+ Suy nghĩ.

+ Lời nói, việc làm.

+ Phẩm chất, tính cách (Mỗi nét của phẩm chất tính cách tiêu biểu có thể viết thành một đoạn. Chú ý bám vào tác phẩm, đoạn trích tìm những chi tiết, hình ảnh cụ thể miêu tả việc làm, hành động, lời nói, suy nghĩ nhân vật để phân tích làm rõ đặc điểm phẩm chất, tính cách…).

- Khái quát chung về nghệ thuật miêu tả xây dựng nhân vật cũng như tình cảm thái độ của tác giả đối với nhân vật.

Ý 3: Nâng cao, khái quát về những đặc điểm của nhân vật cho cả thế hệ, tầng lớp…

- Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân, liên hệ, mở rộng thành định hướng chung.

C: Kết bài

+ Đánh giá khái quát về nhân vật.

+ Nêu ra thông điệp mà nhà văn gửi gắm qua nhân vật.

+ Những giá trị mà tác phẩm mang lại cho người đọc, cho thế hệ trẻ hôm nay.

Dương Thị Huyên (GV Trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phan-tich-dac-diem-nhan-vat-theo-chuong-trinh-gdpt-2018-post636566.html