Phân tích hành vi của người đàn ông trong vụ 'cô gái đu lên nắp capo'
Để nhận định hành vi của người đàn ông có dấu hiệu của tội gì thì cần phải xem xét diễn biến hành vi của người này từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, đặt nó trong hoàn cảnh, điều kiện khách quan cụ thể...
Liên quan đến vụ việc cô gái đu lên nắp capo mà PLO đã phản ánh, qua xem xét clip do cô gái quay lại, trước hết theo cảm nhận của tôi thì vận tốc của người đàn ông điều khiển xe là khoảng 50 đến 60km/h, trong khi cô gái đang bám trên nắp capo xe là hết sức nguy hiểm. Hành vi này đe dọa xâm phạm đến an toàn tính mạng hoặc thân thể của cô gái.
Có nhiều quan điểm khoa học đã trao đổi về hành vi của người đàn ông này, hoặc là có dấu hiệu của tội giết người, tội đe dọa giết người hoặc tội gây rối trật tự công cộng…
Để nhận định hành vi của người đàn ông này có dấu hiệu của tội gì thì cần xem xét diễn biến hành vi từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, đặt hành vi đó trong hoàn cảnh, điều kiện khách quan cụ thể tại hiện trường và cần phải xem xét cả ý thức chủ quan của người đàn ông này. Sau đó phân tích các cấu thành tội phạm tương ứng để so sánh, đối chiếu với hành vi của người đàn ông này, qua đó đánh giá hành vi có phù hợp với dấu hiệu của tội danh nào hay không.
Phân tích diễn biến hành vi
Về diễn biến hành vi, do có sự mâu thuẫn, sau đó người đàn ông lên xe để tiếp tục di chuyển. Tuy nhiên, cô gái kia muốn đợi công an đến giải quyết nên chặn trước đầu xe. Dù thấy cô gái đang đứng trước đầu xe nhưng người đàn ông vẫn di chuyển lần 1 nhấn ga một chút làm cho xe nhích sát chân cô gái rồi thắng lại.
Thấy vậy, cô gái vẫn không rời khỏi đầu xe, tiếp tục yêu cầu người đàn ông không được đi và quay clip để làm bằng chứng. Người đàn ông tiếp tục vào ga lần 2, chúng ta thấy xe chỉ di chuyển với tốc độ từ từ rồi mới tăng dần.
Khi người đàn ông vào ga lần 2, cô gái đã chủ động nằm lên nắp capo và nắm lấy vị trí lõm và có gờ ở gần cần gạt nước kính trước.
Nếu người đàn ông vào ga lần 2 bất ngờ và với lực mạnh, xe sẽ bất ngờ từ đứng yên chuyển sang tăng tốc nhanh thì cô gái sẽ bị hất văng xuống đường hoặc sẽ bị hất văng lên nắp capo, lúc này chúng ta sẽ nghe được tiếng va chạm lớn và cô gái chắc chắn sẽ bị chấn thương.
Tuy nhiên, trong clip chúng ta cũng không hề nghe tiếng va chạm nào mạnh giữa cô gái và xe ô tô. Trong khi cô gái đang nằm trên nắp capo, người đàn ông tiếp tục di chuyển một lúc nữa, rồi mới dừng lại cho cô gái xuống xe. Trong lúc di chuyển, cô gái vừa quay clip, vừa kêu cứu, người đàn ông vừa điều khiển xe vừa có phản ứng với cô gái.
Nếu cho rằng hành vi của người đàn ông có dấu hiệu của tội giết người thì bắt buộc phải chứng minh được mặt chủ quan là người đàn ông có mục đích và mong muốn tước đoạt mạng sống cô gái. Vì tội giết người có 2 lỗi chủ quan, lỗi cố ý trực tiếp thì không cần hậu quả chết người, còn lỗi cố ý gián tiếp bắt buộc phải có hậu quả chết người mới cấu thành tội phạm.
Rất may, cô gái may mắn không bị thương tích gì. Trong trường hợp này, nếu người đàn ông mong muốn tước đoạt mạng sống của cô gái (lỗi cố ý trực tiếp) thì hoàn toàn có nhiều cách thức khác để thực hiện như: khi vào ga lần 1 hoặc lần 2 bất ngờ đạp ga mạnh, làm cho xe bất ngờ tăng tốc nhanh, làm cho cô gái không thể tránh,... Tuy nhiên, người đàn ông này không làm như vậy, xem clip thì thấy diễn biến như đã mô tả ở trên.
Người ta hay nói, ý thức chủ quan trong đầu làm sao mà biết. Thật ra, nếu ai đó chỉ suy nghĩ, không thể hiện suy nghĩ ra thông qua hành vi thì quả thật không có căn cứ để chứng minh ý thức chủ quan của họ nhưng khi đã thực hiện hành vi, là kết quả của suy nghĩ thì hành vi khách quan chính là một trong những căn cứ cơ bản nhất để đánh giá, xác định ngược vào ý thức chủ quan của người đó.
Từ phân tích trên cho thấy, đối với dấu hiệu của tội giết người, ngay từ đầu và chuỗi hành vi tiếp theo, không đủ căn cứ quy kết người đàn ông này có mong muốn tước đoạt mạng sống cô gái, tức là không phù hợp với dấu hiệu của tội giết người.
Đối với tội gây rối trật tự công cộng, thì người phạm tội phải có hành vi xâm phạm, làm ảnh hưởng ít nhiều đến an toàn, trật tự tại nơi công cộng và phải gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự hoặc an toàn xã hội.
Tội danh này, khách thể bị xâm hại là sự ổn định, là trật tự, an toàn chung của xã hội chứ không phải là một cá nhân nào. Xét hành vi điều khiển xe của người đàn ông trong khi cô gái đang nằm trên nắp capo xe cho thấy, người này chỉ dọa cô gái chứ không xâm phạm đến sự ổn định, trật tự, hoặc an toàn chung của xã hội.
Do đó, hành vi của người đàn ông cũng không phù hợp dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng.
Bước đầu có dấu hiệu của tội đe dọa giết người
Đối với tội đe dọa giết người, tội này có hai dấu hiệu bắt buộc là người phạm tội phải có hành vi đe dọa giết nạn nhân và hành vi đe dọa đó phải có căn cứ làm cho nạn nhân lo sợ là mình sẽ bị giết.
Về mặt chủ quan, người phạm tội cố ý đe dọa giết nạn nhân, cố ý làm cho nạn nhân sợ hãi sẽ bị giết. Nếu chỉ dựa vào việc nạn nhân lo sợ mình sẽ bị giết nhưng lại thiếu các yếu tố kia thì cũng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trong vụ việc trên, chúng ta nghe rõ tiếng kêu la của cô gái, rằng cô ấy sẽ chết… Nếu qua điều tra, cô gái ấy xác nhận sự thật là trong thâm tâm mình lúc đó nghĩ rằng sẽ bị ông ta đâm chết. Nếu vậy thì đây mới chỉ là một yếu tố bắt buộc của cấu thành tội đe dọa giết người.
Hành vi đe dọa trong thực tiễn rất phong phú và đa dạng, luật không thể quy định chi tiết từng hành vi. Do đó, khi áp dụng vào thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền vận dụng linh hoạt, phù hợp, bảo đảm đúng quy định của tội danh này và bảo đảm đúng nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan người vô tội (bao gồm người có hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm).
Khoản 2 Điều 8 BLHS 2015 quy định: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Dựa trên quy định đó, nếu hành vi của người đàn ông có dấu hiệu của tội đe dọa giết người nhưng qua điều tra, Cơ quan tố tụng đánh giá mức độ nguy hiểm không đáng kể thì hoàn toàn có quyền không khởi tố, chuyển sang xử lý hành chính.
Hành vi điều khiển xe của người đàn ông dưới góc nhìn khách quan là rất nguy hiểm, hậu quả cho cô gái có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Qua hành vi đó có thể đánh giá ý thức chủ quan của ông ta là đe dọa cho cô gái sợ.
Tuy nhiên, cần phải chứng minh rõ mức độ mong muốn đe dọa đến đâu, chỉ đe dọa cho sợ, cho “chừa cái tội cãi nhau” hay đe dọa để mong muốn cô gái sợ bị mình đâm chết. Nếu có đủ chứng cứ chứng minh ông ta có ý thức chủ quan mong muốn đe dọa để cho cô gái sợ bị ông ta giết để thỏa mãn sự tức giận thì mới đủ cơ sở xem xét hành vi của ông ấy về dấu hiệu của tội giết người.
Như vậy, với quan điểm của tôi, căn cứ diễn biến sự việc qua một góc quay clip, chưa thật sự đầy đủ, toàn diện về vụ việc và chưa có cơ sở đánh giá ý thức chủ quan của người đàn ông và cô gái.
Bước đầu tôi nhận định hành vi của người đàn ông chỉ phù hợp với dấu hiệu của tội đe dọa giết người, việc kết luận thuộc về thẩm quyền của cơ quan tố tụng trên cơ sở thu thập đầy đủ chứng cứ khách quan.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”
Dựa trên quy định đó, nếu hành vi của người đàn ông có dấu hiệu của tội đe dọa giết người nhưng qua điều tra, Cơ quan tố tụng đánh giá mức độ nguy hiểm không đáng kể thì hoàn toàn có quyền không khởi tố, chuyển sang xử lý hành chính.
Tuyệt đối không nên làm theo hành vi của cô gái
Đối với cô gái, việc đứng trước đầu xe ô tô, là một loại nguồn nguy hiểm cao độ, đặc biệt là có ý thức chặn lại, không để người đàn ông di chuyển, dù đã một lần người này nhấn ga làm cho đầu xe di chuyển sát đến minh là tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Đây là việc làm thiếu thận trọng và tuyệt đối không nên làm.
Mọi chuyện sẽ được pháp luật giải quyết sau, nếu cần, thông qua nhân chứng và clip mà cô gái đã quay lại được. Rất mong mọi người không thực hiện hành vi tương tự như cô gái trong clip.