Phân tích kỹ lợi thế, tiềm năng đưa Hà Nam phát triển bền vững
Khi về thăm Đảng bộ và nhân dân vào tháng 8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương tỉnh Hà Nam: 'Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn chung, kinh tế trong nước khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái, bản thân tỉnh khó khăn nhưng Hà Nam có mức tăng trưởng GDP cao so với cả nước (Hà Nam tăng trưởng gần 13% trong nhiều năm liên tục từ 2005 tới nay, cả nước tăng trưởng có hơn 5%)… Lâu nay nói đến Hà Nam là tỉnh nhỏ, nghèo chẳng ai để ý. Thì giai đoạn vừa qua là một bước phát triển rất đáng mừng'.
Sau khi biểu dương, gợi ý về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị Hà Nam “phân tích xem đặc điểm của Hà Nam, thế mạnh của Hà Nam, tiềm năng của Hà Nam là gì?.. Từ quy hoạch chung tổng thể cần tập trung vào mấy mũi nhọn cần đột phá sắp tới là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp”.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư đã gợi mở về đường hướng cho phát triển của tỉnh. Và đây cũng là trăn trở, suy nghĩ của các cấp lãnh đạo những năm qua, phải làm gì, làm thế nào để Hà Nam trở thành tỉnh thực sự phát triển và phát triển bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung đổi mới toàn diện, mạnh mẽ công tác xây dựng Đảng, xây dựng đời sống văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thương mại, dịch vụ. Các nghị quyết đã nêu rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu cần làm khẳng định sự đúng đắn và nhanh nhạy trong lãnh đạo phát triển sản xuất của Hà Nam.
Đặc biệt là trong phát triển công nghiệp, tỉnh chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Song song với việc đổi mới mạnh mẽ cải cách hành chính nhằm tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh thực hiện đa dạng, hiệu quả các phương thức thu hút đầu tư như: tổ chức hội nghị; gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp; thông qua các tổ chức trong nước và quốc tế. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ sản xuất của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao...
Đặc biệt tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương duy trì thực hiện tốt 10 cam kết đối với nhà đầu tư. Nhờ cách làm sáng tạo, hiệu quả, hiện nay Hà Nam đã có 8 khu công nghiệp hoạt động, thu hút được 599 dự án, trong đó có 356 dự án FDI và 243 dự án trong nước với vốn đăng ký 6.031,3 triệu USD và 47.120,7 tỷ đồng. Tính chung trên địa bàn tỉnh có 1.209 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 400 dự án FDI và 809 dự án trong nước với vốn đăng ký 6.336,5 triệu USD và 173.095,7 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư tăng nhanh đã giúp Hà Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp cao; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Và thu hút đầu tư luôn đứng trong top 10 của cả nước.
Trong sản xuất nông nghiệp, Hà Nam chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, bước đầu đạt được kết quả phấn khởi về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp: tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng cao; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từng bước được hình thành; xuất hiện ngày càng nhiều HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất nông sản sạch, an toàn.
Như tại huyện Kim Bảng những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao: mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng, mô hình trồng rau củ, quả theo tiêu chuẩn Viet GAP, hữu cơ và tập trung xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, giống mới, biện pháp canh tác mới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Du (Bình Lục) cho biết: Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, địa phương đã thành lập HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Đồng Du tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm phát huy tiềm năng vùng đất bãi, tạo ra bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp.
Phát triển thương mại, dịch vụ, tỉnh tập trung huy động nguồn lực xây dựng quy hoạch, đầu tư hạ tầng phát triển thương mại, dịch vụ, chú trọng thu hút các dự án trọng điểm về thương mại, du lịch, dịch vụ… bước đầu tạo được tiền đề đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục đào tạo và du lịch.
Riêng tại thành phố Phủ Lý, trong giai đoạn 2015-2020 đã thu hút được trên 30 dự án đầu tư xây dựng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, với tổng mức đầu tư 9.909,4 tỷ đồng, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, điển hình như: Dự án Đầu tư Tổ hợp Thương mại - Dịch vụ tổng hợp của Tập đoàn Vingroup; Tổ hợp Khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại Mường Thanh; Trung tâm thương mại địa bàn phường Liêm Chính; Trung tâm thương mại bờ Đông sông Đáy… đã thực sự mang đến sự đổi thay và tạo diện mạo mới cho đô thị Phủ Lý trên đường hướng đến đích xây dựng một đô thị xanh, văn minh, hiện đại.
Những năm qua, kinh tế của tỉnh duy trì phát triển, đạt mức tăng trưởng bình quân cao so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng. sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; giá trị sản xuất nông nghiệp trên một ha canh tác ngày càng được nâng cao; thương mại, dịch vụ phát triển đúng hướng đã tác động tích cực đến tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Tổng thu NSNN 5 năm (2016-2020) đạt 38.337 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2011-2015, tăng bình quân 23,6%/năm. Thu NSNN liên tục tăng qua các năm, Hà Nam đã mạnh dạn đề xuất với Trung ương và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tự cân đối NSNN. Mục tiêu Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nêu rõ: Đến năm 2025, Hà Nam là tỉnh tự cân đối ngân sách và đến năm 2030 có điều tiết ngân sách về Trung ương. Nhưng với quyết tâm cao chỉ đến năm 2023, Hà Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thực hiện các khâu đột phá theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, những năm gần đây mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo, nhất là tình hình thế giới có những biến động khó lường, tuy nhiên, với tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao từ tỉnh đến cơ sở đã đoàn kết thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phát triển kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đến nay, 6/6 huyện, thành phố, thị xã được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 29 xã nông thôn mới nâng cao và 19 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Bình Lục đang tập trung xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Toàn tỉnh cũng có 14 đô thị loại V, thành phố Phủ Lý được công nhận là đô thị loại II, thành lập Thị xã Duy Tiên.
Hà Nam là tỉnh đang phát triển, có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 1,7 lần so với năm 2015. Việc tự cân đối ngân sách là mục tiêu lớn thể hiện ý chí, khát vọng xây dựng tỉnh ngày càng lớn mạnh để trở thành tỉnh khá trong khu vực. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đứng trong top 10 toàn quốc; trong 6 tháng đầu năm 2024 đứng thứ 4 cả nước và thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng.
Kết quả này khẳng định Hà Nam đã và đang nắm bắt tốt thời cơ và những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển, từng bước gia tăng quy mô, giá trị mũi nhọn cần đột phá là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.